Từ động đất ở Myanmar, chuyên gia cảnh báo gì về các tòa nhà cao tầng ở Việt Nam?
Một trận động đất mạnh ở ngưỡng trên 7 độ có thể gây rung lắc cho một vùng rộng lớn kéo dài hàng nghìn km. Dù không gây thiệt hại nặng nề như vùng phát sinh động đất song rủi ro thiên tai vẫn rất lớn.
Vùng ảnh hưởng kéo dài hàng nghìn km
Trận động đất có độ lớn 7,7 (theo ghi nhận của Cục khảo sát địa chất Mỹ) xảy ra ở Myanmar vào đầu giờ chiều 28/3, đã gây thiệt hại nặng nề tại Thái Lan. Tại Việt Nam, người dân ở nhiều địa phương như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng cảm nhận rung lắc mạnh, tuy nhiên không ghi nhận thiệt hại.
TS Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất cảnh báo sóng thần, Viện Các Khoa học Trái Đất (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết trận động đất trên rất lớn, nên vùng ảnh hưởng có thể kéo dài hàng nghìn kilômét.
Động đất ở Myanmar gây thiệt hại nặng nề.
Theo ông Xuân Anh, mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào cường độ, độ lớn, khoảng cách đối với trận động đất và nền đất ở khu vực xảy ra động đất. Tuy nhiên, hệ thống quan trắc của Việt Nam đầu chiều nay ghi nhận trận động đất trên có độ lớn 7,6 và nhận định "cấp độ rủi ro thiên tai bằng 0" - tức là ít có khả năng gây thiệt hại đối với Việt Nam.
Với Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh, thông thường những trận động đất lớn ở xa (xảy ra ở ngoài lãnh thổ Việt Nam - như trận động đất vừa xảy ra) vẫn có tác động đến các công trình nhà cao tầng và cảm nhận được rung lắc.
Trận động đất xảy ra ở Myanmar vào đầu giờ chiều nay, không bất thường, bởi trong lịch sử ở Myanmar cũng đã có những trận động đất rất mạnh. "Sau một thời gian tích lũy năng lượng đủ lớn, nó sẽ giải phóng thành những trận động đất như vậy và ảnh hưởng đến các khu vực xung quanh," ông Xuân Anh nói. Theo giới chuyên gia, sau khi xảy ra trận động đất lớn, trong một số trường hợp vẫn có thể xảy ra các trận động đất nhỏ hơn.
PGS.TS Cao Đình Triều, Viện trưởng Viện Địa vật lý ứng dụng (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Địa vật lý Việt Nam) cũng từng cho rằng bên cạnh các dư chấn động đất từ nước ngoài, trong những năm qua, tại nhiều địa phương trên cả nước cũng đã xảy ra hàng loạt trận động đất kích thích.
Trong lịch sử, ở Việt Nam cũng đã xuất hiện trận động đất mạnh lên tới 6,9 tại lòng chảo Điện Biên (năm 1935). Vì thế, tác động bởi dư chấn của những trận động đất lớn xảy ra ở trong nước cũng là mối nguy cơ tiềm ẩn.
Từ thực tế trên, ông Triều cho rằng thời gian tới, Việt Nam cần để ý hơn tới câu chuyện kháng chấn đối với các công trình xây dựng, nhất là đối với công trình dân sinh (như chung cư cao tầng,…) để đảm bảo an toàn cũng như giảm thiểu các nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra, ảnh hưởng tới người dân.
Trận động đất ở Myanmar đã đứt gãy dọc theo Đứt gãy Sagaing, một đứt gãy lớn là một phần của cấu trúc mảng kiến tạo phức tạp của Cao nguyên Tây Tạng. Đứt gãy này hình thành khi tiểu lục địa Ấn Độ đâm vào châu Á hàng chục triệu năm trước. Đứt gãy Sagaing là vết nứt trên mặt đất ngăn cách hai mảng kiến tạo di chuyển theo hướng ngược nhau. Các mảng này di chuyển qua nhau với tốc độ 0,7 inch (18 mm) mỗi năm — một lượng chuyển động đáng kể. Trận động đất hôm nay là trận động đất lớn nhất ở Myanmar kể từ năm 1946 và có thể là trận động đất mạnh nhất trong thời hiện đại. Trận động đất năm 1946 ước tính có cường độ từ 7,6 đến 7,7 và cũng xảy ra dọc theo Đứt gãy Sagaing. |
Cần xây dựng kịch bản đánh giá nguy hiểm động đất ở Hà Nội, TPHCM
Theo TS Nguyễn Xuân Anh, thủ đô Hà Nội là địa phương có kinh tế - xã hội phát triển, nhiều nhà cao tầng, nhiều công trình quan trọng được xây dựng. Vì vậy, Hà Nội cần có bản đồ đánh giá động đất chi tiết hơn, trong đó cập nhật các trận động đất mới, từ đó xây dựng những kịch bản đánh giá nguy hiểm động đất ở các quận nội thành để phục vụ cho việc kháng chấn của công trình xây dựng. Bên cạnh đó cũng cần thiết lập một số thiết bị quan trắc ở các nhà cao tầng ở các quận nội thành để đánh giá định lượng mức độ rung lắc do các trận động đất gây ra.
Động đất được phân loại theo độ lớn từ 5-6 là động đất trung bình, từ 6-7 là động đất mạnh, từ 7-8 là động đất lớn và từ 8-9 là động đất hủy diệt.
Việt Nam cũng có những trận động đất lớn là động đất Điện Biên (năm 1935) với độ lớn 6,75 xảy ra trên đới đứt gãy sông Mã hay trận động đất Tuần Giáo (năm 1983), với độ lớn 6,8 xảy ra trên đới đứt gãy Sơn La. Cho thấy, nước ta động đất không lớn, không mạnh như Myanmar nhưng cũng có những trận động đất mạnh đến gần 7 độ richter xảy ra trong quá khứ.
Tuy nhiên, trước những nguy cơ như vậy, cần phải thực hiện những giải pháp cho hợp lý để đảm bảo an toàn như công trình, nhà cửa... Động đất không thể tránh, nhưng có thể giảm nhẹ thiệt hại khi động đất lớn xảy ra. Trong đó, cần phải duy trì mạng trạm quốc gia quan sát động đất để có số liệu về hoạt động động đất chi tiết nhất có thể.
PGS.TS Cao Đình Triều cho biết, Việt Nam chưa có luật về động đất nên các quy định chặt chẽ về yếu tố kháng chấn trong xây dựng công trình nói chung và công trình cao tầng hiện còn đang rất rời rạc, chưa có gì chặt chẽ. Các công trình của Nhà nước, công trình cao tầng vẫn có quy định. Thực tế yêu cầu về khoa học là rất cần thiết phải có những quy định chặt chẽ, thậm chí phải tính toán chi tiết. Hiện chúng ta cũng có quy định nhưng chỉ chung chung.
Các nước như Nhật Bản, Trung Quốc hay Philippin là những nơi thường xuyên có động đất do nằm trên vành đai Tây Thái Bình Dương, nhưng họ có những quy định rất nghiêm ngặt về xây dựng các công trình nhà ở, nhà cao tầng. Các công trình phải đáp ứng được yêu cầu về kháng chấn để ứng phó với động đất. Do vậy dù xảy ra động đất thường xuyên cũng không gây thiệt hại nặng nề về người.
'Ví như Trung Quốc quy định rất chặt chẽ vì họ có Luật động đất còn mình chưa có. Việt Nam động đất không mạnh lắm, nhưng thực tế Tây Bắc đã có trận động đất 6,7 độ richter cũng rất mạnh. Khi đó miền núi đa số là nhà gỗ nên sự phá hủy cũng ít. Tuy nhiên, trận động đất của Điện Biên, khi đó đã có nhà 3, 4 tầng, những hình ảnh cho thấy sự phá hủy cũng rất mạnh. Thời gian tới, Việt Nam nên có quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn kháng chấn phù hợp cho các công trình xây dựng để đảm bảo an toàn', TS Cao Đình Triều cho hay.
Trận động đất mạnh 7,7 độ xảy ra ở miền trung Myanmar khiến nhiều địa phương ở Việt Nam cảm nhận rung lắc mạnh, tuy nhiên ít có khả năng gây thiệt...
Nguồn: [Link nguồn]
-28/03/2025 21:59 PM (GMT+7)