Từ chối yêu cầu bắt buộc tiêm vaccine Covid-19 bị xử lý thế nào?

Sự kiện: Vắc-xin COVID-19

Các chuyên gia, luật sư cho biết, tiêm vaccine Covid-19 là quyền lợi cũng như là nghĩa vụ, chính vì vậy người dân cần nghiêm chỉnh chấp hành.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến các địa phương về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu thần tốc hơn nữa trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine và xem xét chế tài xử lý đối với những người không chịu tiêm vaccine (trừ người chống chỉ định tiêm).

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM

Bàn về nội dung này, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, trong trường hợp Covid-19 diễn biến phức tạp ở địa phương, cơ quan y tế có thẩm quyền sẽ yêu cầu người dân tại một số khu vực nhất định phải tiêm thì cần thực hiện theo yêu cầu để đảm bảo cho chính bản thân và cộng đồng.

"Theo quy định tại Điều 29 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 thì việc sử dụng vaccine bắt buộc trong trường hợp: Người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch bắt buộc phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vaccine, sinh phẩm y tế phòng bệnh", Luật sư Hậu nói.

Từ tháng 4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc. Khi đã được công bố là vùng có dịch thì những người đang sinh sống tại khu vực này xác định là người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và thuộc đối tượng phải sử dụng vaccine bắt buộc.

Tương tự như quy định trên, những người từ vùng không có dịch khi vào vùng có dịch để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể thì cũng thuộc đối tượng phải sử dụng vaccine bắt buộc.

“Như quy định pháp luật hiện nay, các trường hợp người dân từ chối tiêm vaccine Covid-19 theo yêu cầu bắt buộc của cơ quan y tế có thẩm quyền, ngoại trừ những lí do chính đáng (như phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, người có sức khỏe không đảm bảo để được tiêm vaccine Covid-19...) sẽ bị xử phạt với mức phạt hành chính từ 1-3 triệu đồng”, luật sư Hậu nói.

Trường hợp không chịu tiêm vaccine Covid-19 dẫn đến bị nhiễm bệnh rồi lây nhiễm cho người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, với mức phạt tiền từ 50-200 triệu đồng hoặc bị phạt tù 1-5 năm.

Cùng quan điểm, ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc xử lý những người cố tình không tiêm vaccine Covid-19 (khi đủ điều kiện sức khỏe) là điều hoàn toàn phù hợp.

"Vaccine là một "vũ khí" tốt nhất để đẩy lùi đại dịch Covid-19, nếu người nào cố tình không tiêm thì cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Và pháp luật cũng đã có chế tài để xử lý người cố tình không chịu tiêm vaccine", ông Hòa nói.

Theo ông Hòa, việc từ chối tiêm vaccine Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mình mà còn ảnh hưởng đến cả cộng đồng.

“Chỉ một vài người không tiêm mà ảnh hưởng đến miến dịch cộng đồng thì là một điều hết sức nguy hại. Chính vì thế người dân cần chấp hành nghiêm việc thực hiện tiêm vaccine Covid-19”, ông Hòa nêu quan điểm.

Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng, những người cố tình không tiêm vaccine trước mắt sẽ thiệt cho chính bản thân mình.

"Không chỉ không có khả năng miễn dịch mà rất có thể sẽ bị hạn chế các hoạt động xã hội khác. Ví dụ như, các nhà hàng, quán ăn sau này họ có thể từ chối phục vụ những người không tiêm vaccine Covid-19. Chính vì thế mọi người nên tuân thủ việc tiêm phòng vaccine Covid-19 để đảm bảo quyền lợi của mình và bảo vệ cộng đồng", ông Hòa nói.

Thủ tướng: Không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, nhất là trong dịp Tết

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, nhất là vào dịp Tết Dương...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phùng Đô ([Tên nguồn])
Vắc-xin COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN