Từ chối tiền tỉ, lão nông hơn 30 năm bảo vệ đàn chim trời

Sự kiện: Thời sự Thanh Hóa

​Hơn 30 năm qua, lão nông Phạm Văn Của (84 tuổi, ở thôn Thọ Liên, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) đã tự mình chăm sóc, bảo vệ cho hàng vạn con cò và chim trời về trú ngụ trên quả đồi của gia đình mình.

Từ chối tiền tỉ, lão nông hơn 30 năm bảo vệ đàn chim trời - 1

Như một thói quen, cứ sáng sớm đàn co bay đi ăn, tối đến lại bay về khu vực đồi nhà ông Của để trú.

Đất lành, chim đậu

Những người khách mỗi khi đi qua đường mòn Hồ Chí Minh, đoạn chạy qua thôn Thọ Liên, xã Kiên Thọ (Ngọc Lặc) vào dịp sáng sớm và lúc xế chiều sẽ bắt gặp cảnh hàng vạn con chim, con cò bay rợp cả bầu trời về trú ngụ ở quả đồi ven đường.

Trên quả đồi rộng khoảng 4ha gồm nứa, luồng, vàu và cây tự nhiên có hàng vạn con chim, cò trú ngụ và được gia đình ông Của chăm sóc, bảo vệ từ nhiều năm nay.

Năm 1968 sau khi ông lập gia đình với bà Bùi Thị Liên (78 tuổi, người ở cùng thôn) và sinh được 6 người con gồm 4 trai, 2 gái đến khu vực đồi Gò Mả dựng lán phát quang đồi để canh tác.

Ông Của chia sẻ: “Khi đó tôi đang là Đội phó Đội sản xuất nông nghiệp của Nông trường Kiên Thọ. Khi hợp tác xã giải thể tôi đã xin Nông trường mảnh đất hoang, rậm rạp ở khu vực đồi Gò Mả để sản xuất và lấy đất dựng lán canh tác trồng luồng, tre, vàu…và cây rừng bây giờ đã phủ xanh cả quả đồi”.

Nói về cơ duyên đàn cò bắt đầu kéo đến quả đồi của gia đình ông vào năm 1987, khi đó chỉ có khoảng 15 con cò kéo đến làm tổ và cư trú ở đồi của gia đình, một thời gian sau đàn chim bắt đầu kéo về mỗi lúc một đông hơn nhất là về mùa sinh sản, những đàn chim, cò chỉ đậu ở khu vườn nhà ông. Ông cho rằng “đất lành, chim đậu” mà không đậu sang vườn nhà khác mặc dù các gia đình khác cũng có đồi luồng, tre, nứa như vậy.

“Khi đó đàn chim, cò kéo về mỗi lúc một đông nên đã có nhiều người kéo đến dòm ngó, săn bắn nên gia đình tôi đã chặt tre làm rào chắn giữ vườn không cho những kẻ săn bắn vào vườn để bắt cò, chim đang trú ngụ tại đây” - ông Của cho biết thêm.

Từ chối tiền tỉ, lão nông hơn 30 năm bảo vệ đàn chim trời - 2

Ông Của có lúc quên ăn để bảo vệ sự an toàn của chim trời.

Quên ăn để chăm sóc chim trời

Vừa trò chuyện, ông Của vừa dẫn chúng tôi ra thăm đồi nơi có hàng vạn con cò, chim trú ngụ.

Ông kể lại, khi đó do rào vườn rồi nhưng đêm đến những kẻ xấu vẫn quanh quẩn quanh khu đồi với ý định bắn chim, cò. Thỉnh thoảng khi nghe có tiếng súng thì ông chạy lên và thấy kẻ xấu, mặc dù vậy chúng không sợ mà còn dọa giết cả ông nữa.

“Có những lần gia đình tôi đang ăn cơm tối thì nghe tiếng súng phát ra, rồi tiếng nháo nhác của chim, cò bay nháo nhác, tôi cùng các con lấy dao, đèn pin chạy lên đồi thì thấy một nhóm người săn trộm đã chạy mất.

Tiếp đó vào trưa hôm sau khi gia đình đi vắng hết còn mình tôi ở nhà lại có nhóm khoảng hơn chục người mang theo súng hơi các loại vào vườn bắn chim và rung cây để trứng, con non rụng xuống, thấy vậy tôi chạy lên can ngăn và bị nhóm săn trộm dọa giết” - ông Của nhớ lại.

Như một thói quen cứ sáng ra là đàn cò rủ nhau đi khắp nơi để kiếm ăn đến khoảng 5h chiều thì chúng lại lũ lượt kéo nhau về, từng đàn cò bay lượn tìm chỗ đậu tại khu vườn của ông vang cả một vùng trời.

Từ chối tiền tỉ, lão nông hơn 30 năm bảo vệ đàn chim trời - 3

 Hàng vạn con cò đậu trắng cả quả đồi của gia đình ông Của vào mỗi xế chiều.

Bà Bùi Thị Liên (vợ ông Của) cho biết: “Ông ấy yêu chim, cò lắm, có bữa quên cả ăn để chăm sóc mỗi khi lũ chim bị thương, hoặc chim non rơi xuống đất. Tôi lo lắng vì ông ấy tuổi đã cao, sức yếu mà những kẻ săn bắn trộm suốt ngày rình rập có thể ông ấy sẽ gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào”.

Với hơn 30 năm gắn bó với lũ chim trời, ông Của hiểu rõ được đặc tính, thói quen nhất là của loài cò. “Nó khôn lắm khi bay đi kiếm ăn thì có một con đứng để quan sát kẻ thù, lúc bay về thì chúng chưa đậu ngay xuống cành cây mà bay vài vòng xem xét tình hình rồi mới đậu xuống tổ, từ tháng 3-5 là thời gian cò đẻ và ấp trứng, đến tháng 8 là thời gian chim bố mẹ cho con tập bay. Thời điểm cò bay về nhiều nhất làm tổ là tháng 4-6 âm lịch, đầu đông thì đàn cò ít bay đi xa mà chủ yếu ở nhà tránh rét”, ông Của nói.

Tiếng đồn về đàn chim trời vang xa đã có nhiều người ở Hà Nội, Phú Thọ và TP Thanh Hóa…kéo đến đòi mua đồi cò của ông với giá tiền tỷ để làm du lịch sinh thái nhưng ông nhất quyết không bán.

Mặc dù phải hy sinh cả vườn cây cho đàn cò làm nơi trú ngụ và vất vả cả ngày lẫn đêm để bảo vệ đàn cò nhưng tình yêu của ông với đàn chim trời vẫn không hề thuyên giảm.

Nhưng điều trăn trở lớn nhất của ông là làm sao có thể khoanh vùng bảo vệ đàn cò tránh sự săn bắt của kẻ thù cũng như giữ cho khu đồi của gia đình ông mãi là chốn đi về của các loài chim trời.

Choáng với ”kho báu” ngàn tỷ, vạn người mê của lão nông xứ Tuyên

Chắc hẳn khi biết giá trị “kho báu” của lão nông ở Hàm Yên (Tuyên Quang), nhiều người sẽ mơ ước mình cũng sở hữu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Nghị (Infonet)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN