Từ 26-7, người dân TP.HCM không ra đường sau 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau
Bắt đầu từ tối 26-7, người dân TP.HCM không ra đường sau 18 giờ, tất cả các hoạt động trên địa bàn TP tạm dừng đến 6 giờ sáng hôm sau, trừ các trường hợp cấp cứu...
Tối 25-7, tại buổi họp mở rộng lần thứ 7 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, cho biết, từ ngày 27-4 đến nay, TP có hơn 55.000 ca nhiễm.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu. Ảnh: LÊ THOA
Riêng trong 17 ngày thực hiện giãn cách xã hội đã ghi nhận 46.800 ca nhiễm, như vậy trung bình mỗi ngày phát hiện 2.931 ca. Các ca nhiễm được ghi nhận tại khu phong toả, cách ly.
Theo ông Phong, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, có nguyên nhân từ việc không thực nghiêm việc giãn cách từ chính một bộ phận người dân và việc kiểm soát của các cơ quan chức năng ngoài chặt trong lỏng.
Hiện nay ở một số địa bàn còn diễn ra việc tiếp xúc, giao lưu với nhau, nhiều người còn đi ra đường dù TP đang giãn cách theo Chỉ thị 16.
Ông Phong khẳng định TP bắt buộc phải áp dụng biện pháp mạnh hơn, cao hơn, có thể ảnh hưởng rất nhiều mặt của đời sống xã hội.
Ông Phong cũng nhìn nhận, thời gian qua dù đã cố gắng nhưng TP.HCM không đạt được mục tiêu của kịch bản 1 mà phải thực hiện kịch bản 2. Trước tình hình nêu trên, để kịch bản thứ 3 không xảy ra thì ông Phong mong người dân chia sẻ, hợp tác với TP để công tác chống dịch đạt kết quả.
Do đó, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu: “Nếu người dân còn ra đường thì dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Tôi yêu cầu mọi người dân cần đặt mệnh lệnh cho chính mình, thực hiện nghiêm người cách người, gia đình cách gia đình, nhà cách nhà. Và bắt đầu từ tối ngày mai (26-7), không ra đường sau 18 giờ, tất cả các hoạt động trên địa bàn TP tạm dừng đến 6 giờ sáng hôm sau, trừ các trường hợp cấp cứu, theo nhu cầu điều phối phòng chống dịch”.
Ông Phong chỉ đạo, lực lượng công an, quân sự, chính quyền địa phương tăng cường tuần tra kiểm soát 24/24 và tái kiểm tra thường xuyên việc chấp hành quy định tại khu dân cư, trên đường phố. Từ đó xử lý thật nghiêm vi phạm, thậm chí tạm giữ hành chính trong trường hợp chống đối người thi hành công vụ.
Đối với tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm để dịch bệnh lây lan, gây hậu quả nghiêm trọng thì cơ quan chức năng tiến hành khẩn trương điều tra khởi tố nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
“TP sẽ xử lý thật nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan đơn vị địa phương nếu để có thái độ thờ ơ, buông lỏng lãnh đạo quản lý, chậm trễ giải quyết phản ánh của người dân để dịch bênh lây lan tại đơn vị địa phương của mình quản lý” -ông Phong nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Theo Bộ Y tế, tối nay (25/7), Việt Nam ghi nhận thêm 3.552 ca mắc COVID-19 mới ghi nhận trong nước tại 31 tỉnh/thành phố, nâng...