Từ 15/9, gặp CSGT, tài xế ô tô và xe máy được xuất trình bằng lái, đăng ký xe trên VNeID?
Tại Thông tư 32/2023/TT-BCA, Bộ Công an đã quy định rõ những giấy tờ lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) có thẩm quyền kiểm soát.
Giấy tờ đã kết nối với hệ thống định danh, xác thực điện tử có giá trị như giấy tờ trực tiếp
Từ 15/9 tới đây, Thông tư Quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (Thông tư 32/2023/TT-BCA) của Bộ Công an sẽ có hiệu lực.
Đăng ký xe và giấy phép lái xe của công dân được xác thực trên ứng dụng VNeID.
Tại Thông tư 32/2023/TT-BCA, Bộ Công an đã quy định rõ nội dung lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát (điều 12). Cụ thể, nội dung tuần tra của lực lượng CSGT gồm:
Quan sát, nắm tình hình trật tự, an toàn giao thông trên tuyến giao thông đường bộ; phòng ngừa vi phạm, tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông; duy trì trật tự, an toàn giao thông đường bộ;
Phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và vi phạm pháp luật khác theo quy định;
Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, an ninh, trật tự trên tuyến giao thông đường bộ;
Giúp đỡ, hỗ trợ người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ khi cần thiết;
Thực hiện các nội dung công tác khác được cấp có thẩm quyền giao theo quy định.
Về nội dung kiểm soát, Thông tư quy định, lực lượng CSGT có thẩm quyền thực hiện kiểm soát những nội dung sau:
Kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông, gồm: Giấy phép lái xe; Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, Bằng, Chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng; Giấy đăng ký xe hoặc bản sao chứng thực Giấy đăng ký xe kèm bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực (trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính Giấy đăng ký xe);
Giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, Giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định (đối với loại phương tiện giao thông có quy định phải kiểm định); Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và giấy tờ cần thiết khác có liên quan theo quy định (sau đây gọi chung là giấy tờ).
“Khi các cơ sở dữ liệu đã kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử, xác định được các thông tin về tình trạng của giấy tờ thì việc kiểm soát thông qua kiểm tra, đối chiếu thông tin của các giấy tờ đó trong tài khoản định danh điện tử có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ” – Thông tư nêu.
Từ 15/9, tài xế xe máy có thể xuất trình giấy tờ như đăng ký xe, giấy phép lái xe đã được xác thực trên tài khoản định danh điện tử VNeID nếu CSGT yêu cầu.
Trao đổi với PV về quy định trên tại Thông tư 32/2023/TT-BCA, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty luật Minh Bạch) đánh giá, đây là quy định mới phù hợp với thực tiễn thời đại công nghệ 4.0, tạo sự tiện lợi cho người dân khi tham gia giao thông không phải mang theo quá nhiều loại giấy tờ.
“Trước đây, khi chưa có ứng dụng định danh điện tử VNeID của Bộ Công an, người dân có thể phải mang rất nhiều loại giấy tờ vật lý theo người như chứng minh thư nhân dân nay là căn cước công dân gắn chíp, giấy phép lái xe (bằng lái), đăng ký xe.
Tuy nhiên, với quy định các giấy tờ trong tài khoản định danh điện tử có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ nêu tại Thông tư 32/2023/TT-BCA, từ 15/9 tới đây, tài xế điều khiển ô tô, xe máy có thể không cần mang các loại giấy tờ vật lý nêu trên theo người nếu các giấy tờ này đã được tích hợp và xác thực trong ứng dụng VNeID trên điện thoại thông minh.
Trường hợp lực lượng CSGT kiểm soát, yêu cầu xuất trình các loại giấy tờ như căn cước công dân, giấy phép lái xe hay đăng ký xe thì các tài xế có thể mở ứng dụng VNeID trên điện thoại để cung cấp giấy tờ đã xác thực” - luật sư Tuấn Anh nói.
VNeID đã tích hợp giấy căn cước công dân, giấy phép lái xe, đăng ký xe
Trước đó, Bộ Công an đã thông tin, hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng VNeID hiệu quả.
Theo Bộ Công an, VNeID của Bộ Công an là ứng dụng được tích hợp cùng các tiện ích của thẻ Căn cước công dân điện tử; bảo đảm chính xác, tiện lợi và thông tin của công dân được bảo mật.
Các tiện ích của ứng dụng VNeID. (Ảnh: Bộ Công an)
Người dân sau khi kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 1/mức 2 thành công có thể đăng nhập và sử dụng các chức năng, tiện ích trên ứng dụng VNeID như: Giải quyết dịch vụ công trực tuyến (thông báo lưu trú, đăng ký thường trú, tạm trú, khai báo tạm vắng)… sẽ tự điền thông tin vào các biểu mẫu (form) đăng ký mà không phải khai báo, điền thông tin nhiều lần giúp tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí cho các loại biểu mẫu kê khai, giảm nhiều khâu thủ tục cần giải quyết.
Ngoài ra, VNeID còn có các tính năng nổi bật như ví giấy tờ, thông báo lưu trú, tố giác tội phạm… giúp công dân có thể thay thế căn cước công gắn chíp và các loại giấy tờ đã đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng VNeID như: Giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế…
Nhiều giấy tờ cá nhân đã được xác thực trên ứng dụng điện danh điện tử VNeID của Bộ Công an.
Theo ghi nhận của PV, ứng dụng VNeID hiện đã xác thực các loại giấy tờ như giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế… cho công dân có tài khoản định danh cấp 2. Vì vậy, để có thể tích hợp và xác thực các giấy tờ như giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế trên ứng dụng VNeID, công dân có thể tới công an xã, phường để được hướng dẫn kích hoạt.
Người dân nhiều lần tích hợp giấy phép lái xe lên ứng dụng VNeID nhưng đều bị hệ thống trả về, không tích hợp được…
Nguồn: [Link nguồn]