Từ 15/4, phạt xe không chính chủ

Bộ Công an vừa bất ngờ ban hành thông tư mới quy định lực lượng CSGT có thể xử phạt xe không chính chủ từ ngày 15/4.

Bộ Công an vừa bất ngờ ban hành Thông tư 11/2013 (có hiệu lực từ ngày 15/4) quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 34/2010 và Nghị định 71/2012 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Nội dung đáng chú ý nhất của Thông tư 11 là việc kiểm tra, xử phạt đối với lỗi “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” có thể sẽ được bắt đầu thực hiện từ ngày 15/4.

Không được dừng xe xử phạt

Theo Thông tư 11, lực lượng CSGT trên cả nước không được dừng xe đang lưu thông trên đường để kiểm soát, xử lý hành vi không sang tên đổi chủ theo quy định. Việc xem xét xử phạt đối với hành vi này chỉ được thực hiện thông qua công tác đăng ký, cấp biển số; điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (xử phạt qua hình ảnh - PV); các trường hợp phương tiện vi phạm bị tạm giữ theo quy định.

Ngoài ra, qua điều tra các vụ án hình sự, nếu phát hiện người mua, bán không làm thủ tục sang tên, di chuyển, thay đổi đăng ký xe theo quy định thì cơ quan công an phải xác định rõ hành vi vi phạm “mua, bán xe không sang tên”. Những trường hợp bị phát hiện đã quá 30 ngày kể từ khi làm giấy tờ mua, bán nhưng chưa làm thủ tục sang tên, di chuyển, thay đổi đăng ký xe theo quy định sẽ bị lập biên bản xử phạt.

Một cán bộ Bộ Công an cho biết theo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 36/2010 về đăng ký xe do cơ quan này thẩm định sắp được ban hành, những trường hợp mua bán xe lòng vòng qua nhiều đời chủ mà việc xác định thông tin, giấy tờ gặp khó khăn sẽ được tạo điều kiện để hoàn tất các thủ tục đến hết năm 2014. Đối với những trường hợp này, chủ sở hữu hiện tại phải làm bản cam kết về tính hợp pháp của xe và có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú. Riêng với những trường hợp vừa mới mua, bán, cho, tặng thì phải chấp hành quy định ngay khi Bộ Tài chính ban hành thông tư về giảm mức phí đăng ký lần đầu, đăng ký lại lần 2, 3… trong thời gian tới.

Từ 15/4, phạt xe không chính chủ - 1

Nhiều người dân vẫn chưa đồng tình với thời hạn áp dụng xử phạt xe không chính chủ

Thông tư “lạ”, dễ “việt vị”

Như Báo Người Lao Động ngày 6/3 đã thông tin, đại diện cơ quan soạn thảo nghị định sửa đội Nghị định 71 khẳng định không có chuyện xử phạt xe không chính chủ từ ngày 1/7. Tuy nhiên, nay Bộ Công an lại ban hành Thông tư 11!

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 6/3, một cán bộ Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT) cho biết khá bất ngờ với việc Bộ Công an ban hành Thông tư 11. Sau khi dư luận phản ứng về việc xử phạt xe không chính chủ trong năm 2012, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an phải sớm ban hành ngay thông tư hướng dẫn lực lượng CSGT thi hành một số nội dung trong Nghị định 34 và Nghị định 71, trong đó có việc xử phạt lỗi xe không làm thủ tục sang tên, đổi chủ.

“Lẽ ra Bộ Công an phải ban hành Thông tư 11 sớm hơn chứ không nên để rầy rà đến tận bây giờ” - vị này nói. Ông dẫn chứng về tính bất hợp lý của nó: Thông tư 11 hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 34 và Nghị định 71 nhưng hiện nay, Bộ GTVT đang lấy ý kiến cho nghị định mới thay thế 2 nghị định này và dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7. Khi nghị định thay thế Nghị định 71 và Nghị định 34 có hiệu lực thì Thông tư 11 sẽ bị “việt vị”, phải điều chỉnh!

Hơn nữa, theo chỉ đạo của Chính phủ thì tạm thời chưa xử phạt đối với lỗi không sang tên đổi chủ phương tiện cho tới khi Bộ Công an, Bộ Tài chính ban hành thông tư sửa đổi Thông tư 36 và giảm phí trước bạ, sang tên đổi chủ theo hướng giảm phí và thủ tục thuận lợi. Đến giờ, Bộ Tài chính vẫn chưa ban hành thông tư về giảm phí, người dân cũng chưa rõ thủ tục sang tên đổi chủ như thế nào thì quy định rà soát, xử phạt từ ngày 15/4 như trong thông tư là không thỏa đáng.

CSGT “bụng phệ” không được ra đường làm việc

Theo chủ trương đang thực hiện của Công an TP Hà Nội, những CSGT có ngoại hình thấp bé hoặc vòng bụng quá to sẽ không được ra đường hướng dẫn, điều khiển, xử lý vi phạm giao thông. Những cán bộ này sẽ được đưa vào làm việc văn phòng, xử lý giấy tờ, đăng ký xe...

Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP Hà Nội, cho biết đó là 1 trong gần 10 bước nhằm thay đổi hình ảnh CSGT của thủ đô trong thời gian tới. Ngoài ra, những cán bộ hành chính mà có thái độ làm việc không tốt, bị người dân phản ánh, tố giác cũng có thể phải sang vị trí không phải trực tiếp tiếp xúc, làm việc với người dân.

Công an TP Hà Nội cũng cấm lực lượng CSGT “núp” ở chỗ kín, sau gốc cây để rình thổi còi xử phạt người vi phạm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thế Kha (Người lao động)
Xử phạt xe không chính chủ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN