Từ 15-4, chung cư phải mua bảo hiểm cháy nổ
Người dân, ban quản lý, ban quản trị đều đồng lòng việc mua bảo hiểm cháy nổ cho chung cư, khách sạn, nhà nghỉ… là cần thiết.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định (NĐ) số 23/2018 quy định về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. NĐ trên có hiệu lực từ 15-4-2018.
Sau vụ cháy chấn động xảy ra tại chung cư Carina Plaza, NĐ 23 nhận được sự đồng tình cao từ dư luận. Giới chuyên môn nhận định NĐ này mở ra nhiều đối tượng buộc tham gia bảo hiểm cháy nổ, các quy định rải rác trước đây được tổng hợp ngay trong NĐ nên dễ khảo sát và áp dụng hơn.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư Nguyễn Thị Mỹ Viễn, Đoàn Luật sư TP.HCM, đã phân tích những điểm mới, quan trọng trong NĐ.
Mức phí và mức bồi thường
Thưa luật sư, với quy định mới trong NĐ 23/2018 thì chủ thể nào phải tham gia bảo hiểm bắt buộc?
Luật sư Nguyễn Thị Mỹ Viễn: Theo NĐ này, các cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ như chung cư, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ từ năm tầng trở lên; nhà trẻ, trường mẫu giáo có từ 100 cháu trở lên; cửa hàng xăng dầu có từ một cột bơm trở lên… đều phải mua bảo hiểm cháy nổ.
Đối tượng nào được bảo hiểm cháy nổ bắt buộc?
Đối tượng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ, gồm nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình, máy móc, thiết bị; các loại hàng hóa, vật tư.
Theo NĐ thì các doanh nghiệp (DN) bán bảo hiểm có quyền từ chối bán bảo hiểm cháy nổ có đúng không?
Các DN bảo hiểm có quyền từ chối bán bảo hiểm đối với cơ sở chưa được nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy (PCCC) theo quy định pháp luật. Cơ sở không có biên bản kiểm tra an toàn về PCCC của cơ quan cảnh sát PCCC hoặc biên bản kiểm tra đã quá một năm tính từ thời điểm lập đến thời điểm mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Cơ sở đang bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động do vi phạm quy định về PCCC.
Mức phí bảo hiểm được quy định ra sao?
Đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ (trừ cơ sở hạt nhân) có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm dưới 1.000 tỉ đồng thì mức phí bảo hiểm được xác định bằng số tiền bảo hiểm tối thiểu nhân với tỉ lệ phí bảo hiểm quy định tại NĐ.
Ngoài trang bị hệ thống PCCC, các chung cư bắt buộc phải mua bảo hiểm cháy nổ. Ảnh: HTD
Trên cơ sở mức phí quy định, DN bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có thể thỏa thuận tăng mức phí bảo hiểm tùy vào mức độ rủi ro của từng cơ sở và theo quy định pháp luật.
Đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm từ 1.000 tỉ đồng trở lên và cơ sở hạt nhân thì DN bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận mức phí bảo hiểm theo quy định pháp luật.
Khi xảy ra sự cố, mức bồi thường như thế nào, trường hợp nào không được bồi thường?
Số tiền bồi thường bảo hiểm với tài sản bị thiệt hại không vượt quá số tiền bảo hiểm của tài sản đó trừ đi mức khấu trừ bảo hiểm theo quy định. Giảm trừ tối đa 10% số tiền bồi thường bảo hiểm trong trường hợp cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ không thực hiện đầy đủ các quy định dẫn đến tăng thiệt hại khi xảy ra cháy nổ.
Những trường hợp không được nhận bồi thường là thiệt hại do động đất, núi lửa phun hoặc những biến động khác của thiên nhiên; thiệt hại do những biến cố về chính trị, an ninh và trật tự an toàn xã hội gây ra; tài sản bị đốt cháy, làm nổ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; sét đánh trực tiếp vào tài sản được bảo hiểm nhưng không gây cháy nổ; nguyên liệu vũ khí hạt nhân gây cháy nổ; máy móc,…
"Chung cư chúng tôi vẫn cùng với ban quản trị và người dân tham gia bảo hiểm cháy nổ. Các đối tượng được quy định trong NĐ đều nên tham gia nghiêm túc, trong trường hợp xấu khi có hỏa hoạn thì sẽ có một đơn vị hỗ trợ chi trả những thiệt hại về tài sản mà cư dân đã mất. Đây cũng chính là cơ sở để các cư dân có trách nhiệm hơn trong việc tham gia bảo hiểm cháy nổ." Ông NGUYỄN VĂN HẢI, Trưởng ban quản lý chung cư Metro Park (Thủ Đức) “Hiện nay có nhiều cư dân rất thờ ơ với việc mua bảo hiểm cháy nổ. Hàng năm BQT đều phải tổ chức vận động cứ dân. Có thể thấy sau vụ cháy ở Carina, cư dân đã thấy được vai trò thực sự của gói bảo hiểm này, tin rằng từ đó sẽ tham gia 100%.” Ông LÊ VÕ ĐÌNH TRANG, ban quản trị chung cư 51 (quận 8) |
Thẩm quyền kiểm tra và xử phạt
Luật có quy định về những đối tượng mua bảo hiểm phải mua ở đơn vị nào không?
Theo quy định hiện nay, luật không bắt buộc phải mua cụ thể ở đơn vị nào mà chỉ quy định mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc tại DN bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh DN bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài tại Việt Nam.
Thưa luật sư, hiện nay cơ quan chức năng nào có quyền kiểm tra tham gia bảo hiểm bắt buộc? Khi phát hiện sai phạm sẽ bị xử lý như thế nào?
UBND cấp xã/huyện/tỉnh và cảnh sát PCCC trong quá trình kiểm tra PCCC định kỳ đều có thẩm quyền kiểm tra những đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc.
Nếu phát hiện sai phạm, trong thẩm quyền của mình, các cơ quan trên có quyền lập biên bản và tiến hành quyết định xử phạt hành chính. Mức xử phạt được quy định tại khoản 2 Điều 24 NĐ 52/2012 về hành vi không mua bảo hiểm cháy nổ đối với cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm là phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
Xin cảm ơn luật sư.
Nghị định này áp dụng đối với: 1. Cơ quan, tổ chức và cá nhân có cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo NĐ số 79/2014/NĐ-CP ngày 31-7-2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có). 2. DN bảo hiểm phi nhân thọ; chi nhánh DN bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi là “DN bảo hiểm”). 3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Hiện nay có nhiều cư dân rất thờ ơ với việc mua bảo hiểm cháy nổ. Hằng năm ban quản trị đều phải tổ chức vận động cư dân. Có thể thấy sau vụ cháy ở Carina, cư dân đã thấy được vai trò thực sự của gói bảo hiểm này, tin rằng từ đó sẽ tham gia 100%. |
Lửa và khói bất ngờ bùng phát từ một chiếc đệm mút ở một căn hộ bỏ không trên tầng 18 tòa nhà chung cư trên đường...