Từ 1/1/2015, lương tối thiểu tăng đến 400.000 đồng/tháng

Lương tối thiểu tại vùng 1 sẽ tăng 400.000 đồng so với năm 2014 lên 3,1 triệu đồng/tháng, các vùng khác, mức lương tăng từ 250 nghìn - 350 nghìn đồng.

Từ 1/1/2015, hai chính sách quan trọng về tiền lương sẽ có hiệu lực. Đó là chính sách về tăng lương tối thiểu vùng phân theo khu vực doanh nghiệp và chính sách về tăng lương cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống).

Lương tối thiểu vùng 1 tăng lên 3,1 triệu đồng/tháng

Từ 1/1/2015, Nghị định của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động chính thức có hiệu lực. (Đây là mức lương dành cho người lao động làm việc ở doanh nghiệp, không phải dành cho công chức, viên chức...).  

Theo đó, lương tối thiểu tại vùng 1 (gồm các quận và một số huyện của Hà Nội, TP HCM, một số quận, huyện thuộc Hải Phòng; Thành phố Vũng Tàu thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; một số huyện, thành phố thuộc tỉnh Đồng Nai, Bình Dương) sẽ tăng 400 nghìn đồng so với năm 2014 lên 3,1 triệu đồng/tháng.

Vùng 2 tăng từ 2,4 triệu đồng/tháng lên 2,75 triệu đồng/tháng; vùng 3 tăng từ 2,1 triệu lên 2,4 triệu đồng/tháng; vùng 4 tăng từ 1,9 triệu lên 2,15 triệu đồng/tháng.
 

Như vậy, mức lương mới này cao hơn mức lương hiện nay khoảng từ 250 nghìn-400 nghìn đồng/tháng.

Từ 1/1/2015, lương tối thiểu tăng đến 400.000 đồng/tháng - 1 
Người lao động đọc thông  tuyển dụng công nhân tại Khu Công nghiệp Thăng Long (Hà Nội)

Nghị định cũng nêu rõ, mức lương tối thiểu vùng như trên là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương.

Trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm:

Không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động chưa qua đào tạo làm công việc đơn giản nhất.

Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề).

Doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại...

Các khoản phụ cấp, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định thì thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp.

Tăng lương đối với cán bộ thu nhập thấp

Ngày 10/11, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội thông qua nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015, trong đó có nội dung dành 11 nghìn tỷ đồng để tăng lương cho các đối tượng hưu trí, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống). Thời điểm thực hiện từ ngày 1/1/2015.

Điều chỉnh này giúp cải thiện thu nhập cho khoảng 6,3 triệu người, trong đó đối tượng do ngân sách Nhà nước đảm bảo là gần 5 triệu người, chiếm khoảng 2/3 tổng số đối tượng hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách Nhà nước. Mặt khác đảm bảo mối tương quan với việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp.

Trả lời chất vấn tại Quốc hội sau đó (ngày 19/11), Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền  thừa nhận tiền lương so với yêu cầu mức sống tối thiểu mới đạt trên 60%.

Mặc dù nhà nước dành đến 11.000 tỷ đồng nâng lương lần này, nhưng chưa phải đã thỏa đáng, chưa đáp ứng được yêu cầu giải quyết vấn đề cơ bản của tiền lương.

Bởi theo lộ trình, lẽ ra giai đoạn 2015-2016 tiền lương phải đảm bảo mức sống tối thiểu, nhưng do kinh tế, khả năng ngân sách khó khăn nên phải đi từng bước, trước mắt phải giãn lộ trình. Hiện nay chưa cập đến lộ trình tiền lương đảm bảo mức sống tối thiểu.

Năm 2014 do khả năng ngân sách, Hội đồng tiền lương đã nêu, khó khăn về nguồn để tăng lương. Nhưng do yêu cầu và có bất cập trong thực tế giữa cán bộ viên chức nhà nước và lương tối thiểu vùng phân theo khu vực doanh nghiệp nên dù khó khăn vẫn quyết định dành 11.000 tỷ đồng tăng lương.
 

Bộ trưởng nói: “Đây là quyết định nhân văn, nhưng mới là giải pháp, chưa giải quyết được căn cơ”.

Đối tượng áp dụng của Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động gồm:

Doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam không đăng ký lại hoặc chưa chuyển đổi theo quy định); hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động.

Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN