Từ 1/1/2014, bỏ quy định phạt xe không chính chủ
Từ hôm nay (1/1/2014), quy định phạt lỗi “không sang tên đổi chủ phương tiện” sẽ không còn hiệu lực.
Lùi lại đến năm 2017
Từ hôm nay (1/1/2014), Nghị định 171 về “xử phạt vi phạm giao thông” chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, quy định phạt lỗi “không sang tên đổi chủ phương tiện” sẽ không có hiệu lực ngay, mà phải lùi lại đến năm 2015 đối với ô tô và 2017 đối với xe máy.
Quy định xử phạt lỗi này đã tồn tại từ nhiều năm nay, nhưng ít người để ý. Cuối năm 2012, khi Nghị định 71 có hiệu lực với mức xử phạt lỗi không sang tên xe tăng lên gấp gần 10 lần, đã tạo ra một cơn sốt trong dư luận. Sau đó, để giải quyết vấn đề "xe chưa sang tên", các bộ, ngành đã liên tục ra không ít văn bản quy định hướng dẫn: cách thức xử phạt, thủ tục sang tên,...
Việc xử phạt lỗi không sang tên đổi chủ xe máy lùi lại đến năm 2017 (Ảnh minh họa)
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất bỏ quy định xử phạt lỗi không sang tên đổi chủ. Nhưng trong Nghị định 171, quy định xử phạt lỗi này vẫn được đưa vào.
Một câu chuyện khác cũng từng gây tranh cãi không kém là: nhiều người mua xe đã lâu, nay không tìm được chủ cũ để làm thủ tục sang tên. Do vậy, đầu tháng 3 năm nay, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 12 để tháo gỡ cho những người gặp rắc rối này. Theo đó, Bộ Công an cho phép, từ 15/4/2013, những người không tìm được chủ cũ đã được làm thủ tục sang tên đổi chủ xe.
Giải quyết đăng ký cho những trường hợp nói trên chỉ được thực hiện cho đến hết năm 2014. Cùng lúc đó, việc xử phạt lỗi không sang tên ô tô cũng chính thức bắt đầu.
Bỏ quy định tước bằng lái vĩnh viễn
Cũng theo Nghị định mới, từ 1/1/2014, sẽ không còn lỗi vi phạm giao thông nào mà chủ phương tiện bị tước giấy phép lái xe vĩnh viễn. Trước đây, có rất nhiều lỗi giao thông mà chủ phương tiện bị tước GPLX vô thời hạn. Nhưng với quy định mới, chủ phương tiện vi phạm những lỗi này sẽ được giảm mức phạt. Họ sẽ chỉ bị tước GPLX trong một thời hạn nhất định.
Chẳng hạn, theo Nghị định 71 trước đó, người lái ô tô lạng lách, đánh võng mà gây tai nạn hoặc không chấp hành hiệu lệnh của người thi hành công vụ sẽ bị phạt 15 triệu - 25 triệu đồng, và bị tước quyền sử dụng GPLX không thời hạn. Nhưng từ 1/1/2014, hành vi này sẽ bị phạt 15 triệu - 20 triệu đồng và chỉ bị tước quyền sử dụng GPLX 4 tháng.
Trước đây, người đi mô tô, xe máy vi phạm lỗi trên bị phạt 10 triệu - 14 triệu đồng và cũng bị tước quyền sử dụng GPLX không thời hạn. Thậm chí chỉ cần tái phạm hành vi đánh võng cũng bị tước GPLX vô thời hạn. Nhưng từ 1/1/2014, người vi phạm chỉ bị tước quyền sử dụng GPLX 4 tháng và giữ nguyên mức tiền phạt.
Theo Nghị định 34 từ năm 2010, xử phạt chủ phương tiện "không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định" mức 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với mô tô, xe gắn máy, mức 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với xe ô tô, máy kéo. Đến Nghị đinh 71 ban hành năm 2012, mức phạt lỗi này đối với xe máy tăng lên 800.000 - 1,2 triệu đồng, còn ô tô lên 6 triệu - 10 triệu đồng. Theo Nghị định 171 có hiệu lực từ hôm nay (1/1/2014) và quy định phạt lỗi “không sang tên xe” có hiệu lực từ năm sau, mức phạt này sẽ giảm xuống gần bằng mức được quy định từ năm 2010. Cụ thể: “Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe sẽ bị phạt 100.000 đồng - 200.000 đồng đối với xe máy; và phạt 1 triệu - 2 triệu đồng đối với ô tô”. Quy định xử phạt này sẽ được áp dụng từ năm 2015 và 2017. |