TT Nga Putin thăm Trung Quốc: Vì lợi ích kinh tế

“Chúng ta có quá quan ngại về vấn đề này hay không. Quan điểm của chúng ta là không. Đây là cuộc gặp gỡ vì lợi ích kinh tế của Nga và Trung Quốc là chính, có ảnh hưởng nhưng không trực tiếp tới Việt Nam", PGS.TS Nguyễn An Hà,Viện trưởng Viện nghiên cứu Châu Âu nói.

Vì mục đích kinh tế

Tổng thống Nga Putin đã bắt đầu chuyến thăm kéo dài 2 ngày từ 20/5 tới Thượng Hải trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn An Hà, Viện trưởng Viện nghiên cứu Châu Âu nêu quan điểm không nên quá quan ngại về vấn đề này vì chuyến thăm này của ông Putin chủ yếu nhắm tới lợi ích về kinh tế cho cả Nga và Trung Quốc.

Theo ông Hà, đầu năm nay, việc Nga quyết định sát nhập Crưm có nhiều tác động xấu và được một số học giả trên thế giới coi là sự kiện vào loại bậc nhất sau chiến tranh lạnh. Điều đó khẳng định, Nga đã mạnh mẽ hơn, không cần tuân theo mong muốn của Mỹ và EU cũng như Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Người ta đánh giá sự kiện đó là sự kiện thay đổi của trật tự thế giới. Trong vụ này, Trung Quốc bỏ một lá phiếu trắng giúp Nga lấy Crưm về. Đổi lại, Trung Quốc giờ có được sự im lặng của Nga trong khi ngang ngược xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

TT Nga Putin thăm Trung Quốc: Vì lợi ích kinh tế - 1

 PGS.TS Nguyễn An Hà, Viện trưởng Viện nghiên cứu Châu Âu

Ông Hà cho rằng, đây là thời điểm hai nước cần nhau hơn bao giờ hết. Liên bang Nga sau vụ Ukraine đang bị cấm vận, đặc biệt Mỹ và Liên minh Châu Âu có sự điều chỉnh rất mạnh để giảm bớt sự phụ thuộc của Liên minh vào năng lượng của Nga. Trong 10 năm gần đây động lực chính để Nga phát triển là dầu khí và khí đốt. Vì thế Nga cần mở rộng thị trường sang phía Châu Á. Đối tác quan trọng nhất lại là anh bạn láng giềng Trung Quốc, một đại công xưởng của thế giới. Ở đây có sự gặp gỡ một bên là đại công xưởng thế giới, một bên là người cung cấp nguyên nhiên liệu chính của thế giới. Dường như lợi ích kinh tế này cần tới mức dù biết đây là thời điểm nhạy cảm nhưng họ vẫn tiến hành cuộc gặp gỡ này. Thương vụ này được đánh giá trị giá hàng trăm tỷ đô và được Putin cho là ưu tiên số một.

Cần tính lại chuyện được, mất

"Chúng ta có quá quan ngại về vấn đề này hay không. Quan điểm của chúng ta là không. Đây là cuộc gặp gỡ vì lợi ích kinh tế của Nga và Trung Quốc là chính, có ảnh hưởng nhưng không trực tiếp tới Việt Nam", ông Hà nói.

Theo ông Hà, dù Putin cho rằng quan hệ giữa Nga và TQ đang ở giai đoạn tốt nhất nhưng nhìn lại từ khi thành lập nước Cộng Hòa ND Trung Hoa có nhiều thăng trầm, những năm 70 đã có xung đột biên giới. Sau khi Liên bang Nga tách ra cũng phải đến khi Putin có chuyến thăm đầu tiên mối quan hệ này mới phát triển và mang tính đối tác về thương mại, kinh tế nhiều hơn.

Đặc biệt, ông Hà cho biết, tuy hai nước này hiện có quan hệ tốt nhưng những vấn đề di dân, lao động trong vùng viễn Đông của Nga rất rộng lớn Nga vẫn tỏ ra cương quyết, chặt chẽ với Trung Quốc. Putin có những động thái trên là trong bối cảnh Nga cần bán năng lượng và Nga được sự ủng hộ của TQ tại Ukraine.

Theo Viện nghiên cứu Châu Âu, các nước lớn ngoài chú trọng tới lợi ích của chính mình cũng phải quan tâm tới lợi ích của các nước hàng xóm, láng giềng. Nếu đã là nước lớn là nước phải hành động theo chính nghĩa, đạo lý, pháp luật quốc tế. Khi nước lớn vì lợi ích của nhau mà vi phạm đạo nghĩa, chính nghĩa phải tính lại chuyện được mất vì hành xử của TQ là vi phạm đạo lý vì truyền thống hai nước láng giềng và vi phạm pháp lý. Hơn nữa đó là các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc, người cầm cân nảy mực mà hành xử vì lợi ích của mình mà đạp lên lợi ích của các nước láng giềng, láng giềng thì phải tính lại cái được mất.

Ông Hà cho rằng, điều chúng ta mong muốn là Nga có tiếng nói trong việc ủng hộ quan điểm của Bộ quy tắc ứng xử DOC vì ngoài Trung Quốc, Nhật Bản thì khu vực ASEAN, đặc biệt là Việt Nam cũng có vai trò quan trọng với Nga. Khối ASEAN đã lên tiếng thể hiện sự đoàn kết, đồng thuận đối với hành xử của TQ. Đây cũng là thời điểm thuận lợi để Nga nói lên quan điểm của mình ủng hộ Bộ quy tắc ứng xử DOC 1982. Nga ủng hộ Việt Nam chính là ủng hộ các nước ASEAN và ủng hộ tốt nhất là ủng hộ Bộ quy tắc ứng xử DOC.

Bộ quy tắc ứng xử về biển Đông (DOC) dựa trên Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (Unclos 1982), quy định các vùng thềm lục địa thuộc về lãnh thổ, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế để các nước hành xử với nhau.

Bộ quy tắc này có quy định rất cụ thể về điểm mốc để tính như vùng lãnh thổ thềm lục địa là vùng hoàn toàn bất khả xâm phạm của một quốc gia. Vùng xa tới 200 hải lý thì các nước khác vẫn có quyền đi lại nhưng vẫn thuộc quyền tài phán, đặc quyền kinh tế của nước đó.

Việc này có thể dẫn tới một số chồng lấn giữa các khu vực nhưng có thể khẳng định vùng từ vĩ tuyến 18 trở xuống giữa Việt Nam và TQ là không chồng lấn, thuộc 200 hải lý của Việt Nam.

Trung Quốc một mặt né tránh đạo luật đó, một mặt TQ luôn muốn có tranh chấp để giải quyết tranh chấp.

"Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng bộ quy tắc đó và khó có thể ngồi vào đàm phán về vấn đề này", ông Hà nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Tân ([Tên nguồn])
TQ đặt giàn khoan trái phép trên Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN