TS Khuất Thu Hồng: Nếu là tôi, tôi sẽ viết tâm thư mời dân về ăn Tết
TS Khuất Thu Hồng cho rằng, việc viết tâm thư vận động người dân không về quê đón Tết Nguyên đán 2022 là không nên.
Mấy ngày gần đây, dư luận có những phản ứng trái chiều liên quan đến một số địa phương ra tâm thư, thư ngỏ vận động người dân không về quê đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 để chung tay chống dịch Covid-19.
Một số địa phương ra "tâm thư" vận động người dân không về quê ăn Tết Nhâm Dần 2022 (ảnh minh họa)
Luận bàn về nội dung này, trao đổi với PV Báo Giao thông, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng, những quan ngại về sự bùng phát dịch Covid-19 của một số địa phương khi người dân về quê ăn Tết là có cơ sở. Tuy nhiên, việc gửi tâm thư khuyên người dân không về quê đón tết là điều không nên.
"Tết thì người Việt chúng ta có quan niệm là về quê hương đoàn tụ với gia đình sau một năm làm việc vất vả, thế mà bây giờ quê hương mình lại khuyến cáo là không về. Những tâm thư thế này là không nên", bà Hồng nói.
TS Khuất Thu Hồng cho biết: "Nếu tôi là chính quyền ở các địa phương ấy thì tôi cũng viết một tâm thư, nhưng nội dung là mong muốn người dân trở về quê hương đón Tết, kèm theo đó là đề nghị bà con tuân thủ các quy định 5K, phòng chống dịch tốt".
TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội
Lý giải về quan điểm trên, TS Khuất Thu Hồng cho rằng, việc người dân về quê đón Tết không chỉ có ý nghĩa tinh thần, khơi dậy lòng yêu quê hương mà còn giúp kích cầu kinh tế.
"Với việc hàng chục thậm chí hàng trăm nghìn người về một địa phương nào đó đón Tết thì chắc chắn sẽ kích thích tiêu dùng, mua sắm, đi lại, từ đó góp phần vào phục hồi phát triển kinh tế. Trải qua thời gian bị "tổn thương", nền kinh tế rất cần những dòng kích cầu như thế", bà Hồng nêu quan điểm.
Xét về quy định pháp luật thì những thư ngỏ, tâm thư khuyên người dân không về quê ăn Tết Nhâm Dần không có giá trị pháp lý, bởi không có quy định nào hiện hành "cấm người dân về quê đón Tết".
"Tuy nhiên, việc khuyến cáo như vậy thì khiến không ít người băn khoăn, nó giống như là đẩy trách nhiệm đạo đức cho người dân, nếu người dân về quê ăn Tết thì sẽ làm tăng gánh nặng cho quê hương", bà Hồng nói.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội khẳng định, Tết không phải cái gì đó ngẫu nhiên, mà năm nào cũng có Tết và việc người dân trở về quê hương đã trở thành thông lệ. Các cơ quan chức năng ở địa phương cần chuẩn bị tinh thần ứng phó với tình huống như vậy thay vì khuyến cáo người dân không về quê đón Tết.
Quan điểm chống dịch của chúng ta đã chuyển từ “Zero Covid-19” sang “sống chung an toàn với dịch”, chính vì thế một số quy định về phòng chống dịch cũng khác so với trước.
“Việc động viên người lao động ở lại nhà máy, xí nghiệp sản xuất trong dịp tết thì còn có thể nên làm, bởi đây cũng là quyền lợi của họ. Khi họ ở lại lao động dịp Tết số tiền lương sẽ được nhân gấp nhiều lần. Nhưng việc viết “tâm thư” khuyến cáo người dân không về quê đón Tết là chuyện khác. Việc thận trọng, cảnh giác với đại dịch Covid-19 là điều rất cần thiết, tuy nhiên không vì thế mà quá lo sợ ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân”, Bà Hồng nói.
Trái với chỉ đạo của Chính phủ Cũng bàn về nội dung này, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật nêu quan điểm, hiện nay chúng ta đã có một số kinh nghiệm bước đầu được đúc kết từ thực tiễn phòng, chống dịch. Năng lực ứng phó của hệ thống y tế từng bước được nâng lên. Diện bao phủ vaccine nhất là đối với nhóm người có nguy cơ cao, các đô thị lớn tăng nhanh giúp chúng ta chủ động hơn trong phòng, chống dịch. Từ thực tiễn tình hình, ý kiến phân tích của các nhà khoa học, chuyên gia, ý kiến của các địa phương và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Chính phủ xác định mục tiêu công tác phòng, chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội; chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". "Chính phủ đã ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" kèm theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, do đó việc các tỉnh thành thiết lập các chốt hay ra "tâm thư" động viên người dân hạn chế về quê trong dịch Tết nguyên đán là không phù hợp, trái với chỉ đạo của Chính phủ", luật sư Bình nói. |
Nguồn: [Link nguồn]
Tỉnh Quảng Ngãi sẽ không yêu cầu xét nghiệm SAR-CoV-2, tạo điều kiện cho người dân từ các tỉnh về quê ăn Tết.