Truy vấn Bộ Công an về sự lãng phí khi áp dụng CMND mới

Tại phiên thảo luận ở tổ sáng nay (9/6), các đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM truy vấn đại diện Bộ Công an về sự lãng phí khi áp dụng đổi sớm chứng minh nhân dân (CMND) 12 số.

Sáng nay (9/6), Quốc hội thảo luận ở tổ để cho ý kiến về dự án Luật Căn cước công dân và Luật Hộ tịch.

Tại tổ TP.HCM, ông Đỗ Văn Cương (Vụ Pháp chế - Bộ Công an - đơn vị được Chính phủ giao chủ trì xây dựng Luật Căn cước công dân) giới thiệu CMND theo công nghệ mới, với 12 số, sau này là thẻ căn cước công dân, chỉ thay đổi mỗi tên gọi. CMND mới chứa đựng rất nhiều thông tin trong đó có mã vạch chứa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước. "Công nghệ mới không thể làm giả và một người không thể có 2 CMND như các đại biểu nói" - ông Cương nói.

Truy vấn Bộ Công an về sự lãng phí khi áp dụng CMND mới - 1

Mẫu CMND mới.

Sau khi nghe đại diện Bộ Công an giới thiệu về CMND mới 12 số, ĐB Trần Du Lịch chất vấn: Nếu Luật Căn cước công dân được thông qua và có hiệu lực vào tháng 7/2015, thì đổi CMND mới làm gì để sau đó lại chuyển qua thẻ căn cước gây lãng phí?

ĐB Trần Du Lịch nhắc lại câu hỏi thì ông Cương cho biết, Ban soạn thảo chưa chỉnh lý kịp vẫn đưa dự thảo cũ ra. Trong dự thảo, ý định của Ban soạn thảo lấy hiệu lực từ 1/1/2016.

"Kể cả ngày 1/1/2016, tại sao đi đổi, ví dụ người chưa làm CMND đến hạn làm thì làm mới, còn người đang có rồi, đang sử dụng thì chờ đổi. Tôi cảm thấy Bộ Công an và Bộ Tư pháp cơ quan soạn thảo luật này không có thống nhất" - ĐB Lịch nêu vấn đề.

Ông Đỗ Văn Cương tiếp tục giải thích. Tuy nhiên, thấy đại diện Bộ Công an lý giải không thỏa đáng, ĐB Đỗ Văn Đương nhắc lại câu hỏi của ông Lịch một cách rõ ràng hơn: "Sao thẻ này để đến 2016 đổi luôn, tại sao giờ thí điểm làm gì cho tốn kém, cứ sử dụng cái cũ". Đại diện Bộ Công an cho rằng chỉ làm thí điểm ở 4 quận ở Hà Nội, giờ đã làm đại trà.

"Cái đó vừa lãng phí, vừa làm ảnh hưởng đến giao dịch dân sự bình thường của người dân như nhà đất, các tài sản gắn với CMND cũ giờ theo cái mới khó cho công dân", ĐB Đỗ Văn Đương nói.

Theo ông Cương, những ý kiến các ĐB sẽ ghi lại và phản ánh với lãnh đạo Bộ Công an.

Cũng cho ý kiến về Luật Căn cước công dân, ĐB Phạm Quang Nghị (Hà Nội) cho rằng cần lộ trình thời gian phù hợp. Nhiều cái cũ chưa bỏ, cái mới bắt đầu làm khiến chồng chéo dẫn đến sự lãng phí tiền của. Làm gì cũng phải thuận tiện cho người dân, đừng tự làm khó mình và khó người dân. Cái gì cũng cần CMND, từ hộ chiếu, hộ khẩu, nhà đất, sổ tiết kiệm... Giờ lấy cái này thay cái kia thì làm thế nào để thay thế. Nói là đơn giản hoá thủ tục hành chính, nhưng cái này ra đời mà cái cũ chưa có phương án khắc phục thì có khả thi không?" - ông Nghị nêu vấn đề.

ĐB Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) cho rằng cần phải nghiên cứu kỹ tác động của luật này, bởi hiện có nhiều chồng chéo. Đề án 986 không biết có chờ luật này không.

ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) cho rằng cần phải biết việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hiện thế nào mới có cơ sở để bàn về dự án Luật Căn cước công dân.

ĐB Đỗ Văn Đương và ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) đều cho rằng cần bổ sung thêm nội dung trên thẻ căn cước về nhóm máu. Bởi đây là vấn đề nhân đạo, khi không may người đó xảy ra tai nạn đi cấp cứu cần tiếp máu thì nhìn vào thẻ biết ngay. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi để thực hiện vấn đề trên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lương Kết - Đức Hiếu (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN