Truy tố 2 đăng kiểm viên với cáo buộc trục lợi hàng tỉ đồng
4 đăng kiểm viên phương tiện thủy nội địa thuộc Chi cục đăng kiểm số 8 (đóng tại TP Cần Thơ) bị cáo buộc nhận hối lộ hàng tỉ đồng để đăng kiểm ‘"theo yêu cầu".
VKSND TP Cần Thơ đã ban hành cáo trạng truy tố 4 đăng kiểm viên về tội nhận hối lộ xảy ra tại Chi cục đăng kiểm số 8 (đăng kiểm phương tiện thủy nội địa).
Công an đọc lệnh bắt giữ đăng kiểm viên Mai Công Hưng. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Đăng kiểm bỏ qua lỗi, làm nhanh, làm theo yêu cầu
Theo đó, các bị can Mai Công Hưng, Lương Duy Long, Vũ Văn Huyền, Đoàn Bá Quỳnh cùng bị truy tố về tội nhận hối lộ theo khoản 3, 4 Điều 354 BLHS (có khung hình phạt tù 15 năm, 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình).
Theo cáo trạng, Chi cục Đăng kiểm số 8 (đóng tại TP Cần Thơ) thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, có nhiệm vụ tham mưu cho Cục Đăng kiểm thực hiện quản lý nhà nước về đăng kiểm đối với phương tiện giao thông vận tải đường thủy nội địa, thiết bị thăm dò, khai thác, vận chuyển trên biển, máy, thiết bị vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; tổ chức thực hiện công tác đăng kiểm về an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường, an toàn lao động đối với các phương tiện trên địa bàn TP Cần Thơ, các tỉnh Đồng Tháp, Hậu Giang và khu vực khác khi được cục trưởng phân công.
Từ năm 2017 đến 2022, Hưng và Huyền lần lượt được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận đăng kiểm phương tiện thủy nội địa hạng II, I, chuyên ngành vỏ tàu.
Từ năm 2017 đến 2023, Quỳnh lần lượt được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận đăng kiểm phương tiện thủy nội địa hạng II, I, chuyên ngành máy tàu.
Từ năm 2015 đến 2022, Long lần lượt được Cục đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận đăng kiểm phương tiện thủy nội địa hạng III, II, chuyên ngành máy tàu.
Các đăng kiểm viên này được giao nhiệm vụ kiểm tra, lập biên bản kiểm tra định kỳ, trên đà, hàng năm, bất thường, hoán cải đối với các phương tiện thủy nội địa để tham mưu cho lãnh đạo Chi cục Đăng kiểm 8 ký cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, các đăng kiểm viên này đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để thực hiện không đầy đủ thủ tục, không đúng quy trình, quy định, bỏ qua một số lỗi, nhiều trường hợp không trực tiếp đi kiểm tra, giải quyết nhanh, kiểm tra đạt theo yêu cầu của các chủ phương tiện để từ đó tính thêm chi phí ngoài quy định, hưởng lợi cá nhân và chia nhau.
Trụ sở Chi cục Đăng kiểm số 8. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Chi đăng kiểm ngoài quy định từ 2-10 triệu đồng
Trong đó, trường hợp kiểm tra đăng kiểm hàng năm và kiểm tra bất thường, phần chi phí ngoài quy định khoảng 2 triệu đồng; kiểm tra trên đà khoảng 3 triệu đồng; kiểm tra định kỳ từ 3-10 triệu đồng. Khách hàng chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của bốn bị can hoặc đưa trực tiếp cho Hưng.
Sau khi nhận tiền, bốn bị can nộp chi phí kiểm định về chi cục, các phí thiết kế, phí sổ ứng cứu tràn dầu, phí hóa đơn hoán cải, phí sửa chữa, mua mẫu thử vật liệu, phần tiền còn lại, bốn bị can hưởng lợi cá nhân khi tự đi đăng kiểm, chia cho đăng kiểm viên cùng đi đăng kiểm trong trường hợp có hai đăng kiểm viên đăng kiểm phương tiện.
Cáo trạng quy kết từ năm 2018 đến tháng 4-2023, Hưng thực hiện kiểm tra 393 lượt phương tiện, tổng số chịu trách nhiệm hình sự gần 1,7 tỉ đồng.
Huyền kiểm tra 150 lượt phương tiện, phải chịu trách nhiệm hình sự gần 540 triệu đồng.
Quỳnh kiểm tra 49 lượt phương tiện, chịu trách nhiệm hình sự gần 830 triệu đồng.
Long kiểm tra 84 lượt phương tiện, chịu trách nhiệm hình sự với tổng số tiền hơn 1,3 tỉ đồng.
Sau đó, đại diện gia đình các bị can Quỳnh đã khắc phục 100 triệu đồng, Long 70 triệu đồng, Huyền hơn 408 triệu đồng, Hưng 800 triệu đồng.
Nguồn: [Link nguồn]
Ông Đỗ Trung Học, nguyên Trưởng Phòng Tàu sông sau khi nhận hối lộ hơn 2,8 tỉ đồng đã trốn ra nước ngoài và đang bị Công an TP.HCM truy nã.