Truy lùng thuốc “trị ung thư”
Từ khi Viện Dược liệu trung ương cho rằng mẫu xáo tam phân lấy ở Hòn Hèo (xã Ninh Vân, Ninh Hòa, Khánh Hòa) ức chế 5 dòng tế bào ung thư, từ nhiều tỉnh thành, mỗi ngày hàng trăm người đổ về Hòn Hèo lùng mua.
Mờ sáng, tại những nơi có đường mòn lên núi Hòn Hèo, người dân đã í ới gọi nhau vào rừng. Bám theo đoàn người tay cuốc tay rựa đi tìm cây thuốc, chúng tôi leo núi.
Rủ nhau đi đào
Người dân vào rừng đào xới tìm rễ xáo tam phân
Chỉ chừng hơn 15 phút, cảnh tượng tan hoang đã hiện ra với một khoảnh rừng lớn bị đào xới ngổn ngang. Đoàn người bắt đầu chia ra, len giữa những đám cây bụi lúp xúp, hì hục bới móc tìm kiếm.
Dừng tay cuốc vì va phải đá, ông Trần Văn Danh ở xã Ninh Thủy, hổn hển nói: “Cả mấy giờ mới đào được một mẩu rễ. Tưởng ngon ăn ai dè bầm trầy, giống cây này rễ len vào đá, không biết phải đào bao nhiêu cục đá mới lấy hết đoạn rễ này”.
Ông Danh chưa từng đi đào rễ cây xáo tam phân, song do mấy bữa nay giá loại dược liệu này tăng lên vùn vụt nên bỏ đi biển đánh cá, sắm cuốc xà beng đi đào. Ông cho biết mấy chục người đang đào bới quanh đây đến từ các xã Ninh Hà, Ninh Phước, Ninh Thủy, Ninh Vân... đều là dân đi biển, không ai rành việc tìm cây thuốc nhưng thấy thiên hạ đổ xô đi đào “thần dược” nên cũng cơm đùm, cơm nắm đi theo.
Ngược sang một triền núi khác, một số người đang moi đất, khoét núi nham nhở. Cả thảm thực vật bị tàn phá, đất đá bị xới tung dễ nhầm tưởng đây là bãi khai thác vàng. Anh Nguyễn Văn Hùng (xã Ninh Hà, thị xã Ninh Hòa) đang tỉ mẩn với những cây xáo tam phân mới nhú, giải đáp cơn tò mò của chúng tôi: “Không còn cây lớn thì đi đào cây con. Mỗi cây về bán cho mấy người ươm giống cũng được 7.000 đồng. Đào nhanh chứ vài bữa nữa chắc gì còn”.
Sau nhiều giờ lần mò trên Hòn Hèo, chúng tôi không thấy ai tìm được cây “thần dược” lớn nào. Có chăng chỉ là những cây nhỏ xíu, cao chừng gang tay. Lân la dò hỏi mãi mới biết “thần dược” trên núi Hòn Hèo hầu như không còn, chỉ còn các cây mới nhú. Nhưng cũng chưa chắc đấy là xáo tam phân, vì ở đây có nhiều loại cây giống nó mà những người đang “săn” cây thuốc kia chẳng thể nào phân biệt được do chỉ quen kéo lưới đánh cá mà thôi.
Rất may, chúng tôi gặp được ông Nguyễn Văn Vương, người dân địa phương chính hiệu, giải thích: “Có nhiều cây giống xáo tam phân, nhất là cây vú bò. Thân và rễ cây này trộn với xáo tam phân rất khó phân biệt. Trước đây, khi cây xáo tam phân còn nhiều, không ai dám đào các loại cây này để bán. Bây giờ thuốc quý đã cạn, giá lại cao ngất trời nên người ta sẵn sàng đào cả những cây na ná về bán kiếm tiền”.
Cây xáo tam phân
“Thần dược” sốt giá
Theo chỉ dẫn của ông Vương, chúng tôi xuống núi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Trường ở thôn Tây, xã Ninh Vân, một trong những “đầu nậu” mua bán “thần được” với số lượng lớn. Trước nhà thấy xe cộ tấp nập đứng chờ, trong nhà có nhiều người đang cân thuốc từ những bao tải. Đứng trước một đống rễ cây, ông Trường khẳng định: “Thuốc của tôi chính hiệu xáo tam phân Ninh Vân, yên tâm đi, không có pha trộn chút nào đâu”.
Chẳng biết đâu thật đâu giả, chúng tôi đành đi tìm ông Lương Sinh, người đầu tiên phát hiện cây “thần dược” ở Ninh Vân để nhờ dẫn đi khảo sát một số “đầu nậu” lớn. Kết quả, theo ông Sinh, có đến hơn một phần ba cây thuốc xắt ra bán không phải xáo tam phân. Ngay chiều 17/12, tại nhà ông Sinh, có năm người mua thuốc mang đến nhờ ông kiểm tra, cả năm trường hợp ông Sinh khẳng định đó không phải là xáo tam phân khiến họ vô cùng thất vọng.
Thôn Tây chỉ mấy trăm nóc nhà nhưng có đến 20 “đầu nậu” lớn chuyên cung cấp “thần dược” đi các nơi. Giá thuốc được đẩy lên vùn vụt. Tháng trước giá 200.000 đồng/kg, thì khi chúng tôi có mặt ở Ninh Vân đã lên 800.000 đồng/kg. “Không mua nhanh tay, vài hôm nữa lên trên một 1 triệu đồng là cái chắc” - một đầu nậu phán.
Dù giá bán khá cao nhưng phần lớn thuốc bán ở đây chẳng phải khai thác từ rừng địa phương mà từ nơi khác tuồn về để gắn nhãn “xáo tam phân Hòn Hèo”. Bà Trà Thị Bông Sen - chủ tịch UBND xã Ninh Vân - khẳng định thuốc hiện bán ở đây đều là hàng trôi nổi được các đầu nậu nhập từ nơi khác về bán, bởi nguồn xáo tam phân tại địa phương đã cạn kiệt.
Bình quân mỗi ngày khoảng 1 tấn cây xáo tam phân được các điểm buôn bán nhập từ địa phương khác về và cũng từng đó lượng thuốc được bán đi. Chỉ trong vòng một buổi chiều, chúng tôi thấy xuất hiện ba taxi chở hàng chục bao cây xáo tam phân từ vùng Đá Bàn, Dục Mỹ (Ninh Hòa) về cho các đầu nậu ở Ninh Vân. Điều ngạc nhiên nhất là tất cả điểm buôn bán mà chúng tôi hỏi đều khẳng định chưa bị cơ quan hữu quan nào đến kiểm tra.
Vượt tầm kiểm soát
Sáng 18/12, sau gần mười ngày “cơn sốt” xáo tam phân hoành hành ở Ninh Vân, lực lượng bộ đội biên phòng có mặt ở đây để ngăn chặn người dân lên núi và những người khắp nơi đổ về lùng mua thuốc. Nhưng bộ đội biên phòng chặn nơi này, người dân lẩn sang nơi khác để vào rừng. “Gặp dân cũng chỉ vận động chứ không thể bắt bớ, tịch thu gì” - một sĩ quan biên phòng phân trần.
Một đầu nậu ở Ninh Vân với kho “thần dược” xáo tam phân
Đại tá Dương Đăng Hướng - tham mưu trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hòa, cho biết thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa, Bộ đội biên phòng tỉnh phối hợp với Kiểm lâm Ninh Hòa ra quân truy quét các đối tượng khai thác, mua bán cây xáo tam phân. “Tuy nhiên, đợt ra quân này chỉ có thể hạn chế tình trạng khai thác, mua bán chứ không giải quyết triệt để được. Hiện nay đang thiếu cơ sở pháp lý và chưa có chế tài để xử lý việc khai thác, mua bán cây thuốc, chỉ có thể xử lý việc phá rừng” - ông Hướng nói.
Trước đó, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Sở Y tế tỉnh chủ trì cùng Sở NN&PTNT, Hội đông y tỉnh, UBND thị xã Ninh Hòa, Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh khảo sát, khoanh vùng để quản lý, bảo tồn và phát triển xáo tam phân. Tuy nhiên, khi các ngành chưa triển khai biện pháp nào thì dân đã vào rừng đào xới lùng từng đoạn rễ cây thuốc này.
Không giấu được vẻ căng thẳng trên nét mặt, bà Trà Thị Bông Sen nói: “Tình trạng khai thác và buôn bán cây xáo tam phân hiện đã vượt khỏi tầm kiểm soát của địa phương. Chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng vì lực lượng mỏng và không đủ thẩm quyền nên không thể xử lý rốt ráo được. Nếu các ngành chức năng không có giải pháp kịp thời, cây xáo tam phân ở đây sẽ không còn”.
Chưa có hướng dẫn cần thiết Theo GS Phạm Hoàng Hộ (Cây cỏ Việt Nam, 1999), xáo tam phân có tên khoa học là Paramignya trimera, thuộc họ cam quýt (Rutaceae). Theo nhiều tài liệu, xáo tam phân được tìm thấy ở các tỉnh Bình Dương, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Khánh Hòa... Theo công văn 539/vdl-qlkhđt ngày 14/11/2012 của Viện Dược liệu (Bộ Y tế) gửi Sở Y tế Khánh Hòa, xáo tam phân mẫu lấy ở Hòn Hèo có các thành phần: flavonoid, saponin, alcaoid và chủ yếu là courmarin và triterpenoid. Các thí nghiệm trên chuột nhắt trắng cho thấy xáo tam phân có tác dụng ức chế tốt viêm gan cấp; có tác dụng ức chế, tiêu diệt đối với năm dòng tế bào ung thư: ung thư gan Hep-G2, ung thư đại tràng HTC116, ung thư vú MDA MB231, ung thư buồng trứng OVCAR-8 và ung thư cổ tử cung Hela (mạnh nhất với ung thư gan Hep-G2 và ung thư cổ tử cung). Tuy nhiên, theo quy định của Bộ Y tế về hướng dẫn thử thuốc trên lâm sàng, Sở Y tế Khánh Hòa sẽ tiếp tục đề nghị Bộ Y tế và các cơ quan chức năng hướng dẫn những bước cần thiết nhằm khẳng định tác dụng điều trị (trên người) của cây thuốc này. Theo khuyến cáo của Viện Dược liệu, Sở Y tế Khánh Hòa nên đề nghị UBND tỉnh có biện pháp hữu hiệu bảo vệ nguồn gen và phát triển cây xáo tam phân, ngăn chặn tình trạng khai thác bừa bãi. Trước đó, từ đầu năm 2012 theo mách bảo tự phát, nhiều người dân ở thị xã Ninh Hòa uống nước sắc xáo tam phân để chữa “bá bệnh”, kể cả ung thư. Nhiều bệnh nhân cho kết quả tốt, tin đồn lan truyền dấy lên cơn sốt xáo tam phân. |