Trung ương thảo luận đề án sáp nhập tỉnh, xã

Sự kiện: Thời sự
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Ngày làm việc đầu tiên, Hội nghị Trung ương 11 thảo luận tại tổ về 8 đề án, trong đó có sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Thông cáo phát chiều 10/4 từ Văn phòng Trung ương Đảng cho biết bên cạnh đề án sáp nhập đơn vị hành chính, Trung ương cũng tập trung thảo luận về Báo cáo sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo Kết luận số 127 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Các đề án khác được đưa ra thảo luận trong ngày đầu tiên bao gồm:

Đề án sắp xếp, tinh gọn cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ (từ Trung ương đến cấp xã).

Đề án tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy Tòa án nhân dân nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.

Đề án tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy Viện Kiểm sát nhân dân theo định hướng không tổ chức cấp huyện.

Đề án hệ thống tổ chức đảng ở địa phương (cấp tỉnh và cấp xã).

Đề án rà soát, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Dự thảo Quy định thi hành Điều lệ Đảng và dự thảo Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.

Phiên khai mạc hội nghị Trung ương 11, sáng 10/4. Ảnh: Nhật Bắc

Phiên khai mạc hội nghị Trung ương 11, sáng 10/4. Ảnh: Nhật Bắc

Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 11 sáng nay, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định những kết quả tinh giản bộ máy trong 4 tháng qua đã cho thấy "tính cách mạng" của chủ trương này. Tuy nhiên, mô hình tổ chức bộ máy hệ thống chính trị vẫn chưa thực sự hoàn thiện, đặc biệt ở cấp địa phương.

Để tiếp tục "cuộc cách mạng" tinh gọn bộ máy, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp nhiều phiên, "bàn bạc thấu đáo nhiều khía cạnh và thống nhất cao" trình Trung ương Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Người đứng đầu Đảng nhấn mạnh đề án này cùng các đề án kèm theo là những vấn đề "rất hệ trọng, có tính lịch sử". Đây không chỉ đơn thuần là sắp xếp tổ chức, bộ máy, cán bộ mà còn bao gồm phân cấp thẩm quyền, bố trí lại đơn vị hành chính, phân bổ nguồn lực và tạo không gian phát triển mới. Mục tiêu tối thượng là xây dựng chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn, đồng thời mở ra một cục diện phát triển mới cho đất nước với tầm nhìn chiến lược, ít nhất là trong 100 năm tới.

Tổng Bí thư Tô Lâm thông báo về kế hoạch tái cấu trúc hành chính quy mô lớn, dự kiến giảm số tỉnh, thành xuống còn 34; không tổ chức cấp huyện và giảm một nửa số đơn vị hành chính cấp xã. Mô hình chính quyền địa phương hai cấp dự kiến được áp dụng từ ngày 1/7. Song song với đó, hệ thống Tòa án và Viện Kiểm sát cũng sẽ được tổ chức lại theo mô hình ba cấp, đi kèm với việc điều chỉnh thẩm quyền và sửa đổi Hiến pháp cùng các quy định pháp luật liên quan.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập kỳ họp thứ 9, sửa Hiến pháp và nhiều luật để phục vụ sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vũ Tuân ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN