Trung Quốc xả nước khẩn cấp xuống hạ lưu Mê Kông từ 15/3
Từ đề nghị của Việt Nam, các cơ quan chức năng Trung Quốc cho biết sẽ triển khai kế hoạch xả nước khẩn cấp xuống hạ lưu sông Mê Kông từ ngày 15/3 đến 4/4.
Một con kênh ở tỉnh Hậu Giang đã cạn nước - Ảnh: NGỌC TRINH
Ngày 14-3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết thông tin liên quan đến việc Việt Nam đề nghị Trung Quốc có biện pháp hỗ trợ gia tăng lưu lượng xả nước để khắc phục tình trạng hạn hán tại một số tỉnh của Việt Nam, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết: "Chúng tôi cho rằng việc cùng bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước Mê Kông là trách nhiệm chung của các quốc gia thuộc lưu vực sông, nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của các quốc gia liên quan và cuộc sống của người dân trong khu vực".
Theo bà Hằng, vừa qua, Việt Nam đã thông qua kênh ngoại giao đề nghị phía Trung Quốc gia tăng lưu lượng xả nước từ Thủy điện Cảnh Hồng (Vân Nam) xuống hạ lưu sông Mê Kông để khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Các cơ quan chức năng Trung Quốc cho biết sẽ tích cực phối hợp, sớm triển khai kế hoạch xả nước khẩn cấp trong thời gian từ ngày 15-3 đến 4-4.
Chưa bao giờ ĐBSCL lại gặp hạn hán, xâm nhập mặn sớm và khắc nghiệt như hiện nay. Lúa chết đầy đồng, người dân thiếu nước sinh hoạt. Do mực nước xuống mức thấp nhất trong vòng 90 năm qua, hiện tượng xâm nhập mặn đã xuất hiện sớm và diễn biến gay gắt, làm ảnh hướng lớn đến đời sống người dân 9/13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL.
Theo đánh giá của Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xâm nhập mặn năm 2016 diễn ra sớm hơn 2 tháng so với thông thường và chưa từng xuất hiện trong lịch sử quan trắc xâm nhập mặn. Đây cũng là đợt thiên tai nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm qua dưới tác động của đợt El Nino kéo dài nhất trong lịch sử nhân loại.
Xâm nhập mặn đã ăn sâu vào đất liền tại khu vực các cửa sông: Vàm Cỏ, sông Tiền, sông Hậu, sông Cái Lớn, trong đó khu vực sông Vàm Cỏ có phạm vi xâm nhập vào đất liền diễn ra nặng nề nhất, tới 90 – 93km, sâu hơn trung bình nhiều năm 10 – 15km. Tình trạng này đã gần như vô hiệu hóa khả năng lấy nước ngọt từ các khu vực cửa sông cách biển từ 30 – 45km, tiếp tục gây thiếu nước ngọt nghiêm trọng cho sản xuất và sinh hoạt. Hạn hán khiến nhiều khu vực trong tình trạng cảnh báo cháy cao (cấp 4, cấp 5), đặc biệt là hai cánh rừng lớn U Minh Thượng và U Minh Hạ.
Một số tỉnh có xâm nhập mặn đến mức báo động là Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu… Tỉnh Bến Tre đã công bố tình trạng thiên tai do xâm nhập mặn. Qua thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện có khoảng 155.000 hộ gia đình (khoảng 575.000 người) ở ĐBSCL thiếu nước sinh hoạt.
Trước tình hình hạn, mặn diễn ra gay gắt, ngày 7-3, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với các địa phương bàn cách "cứu nguy" ĐBSCL.