Trung Quốc trách móc Triều Tiên
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc vừa trách móc Triều Tiên đã đẩy tình hình khu vực lên mức căng thẳng, khi Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng không nước nào được đẩy thế giới vào tình thế hỗn loạn, còn Bộ trưởng Ngoại giao cảnh báo Bắc Kinh sẽ không cho phép những hành động sai trái ngay bên thềm cửa nhà mình.
Bình luận được đưa ra cuối tuần qua là phản ứng mạnh nhất của Trung Quốc sau hơn 1 tháng Triều Tiên liên tục đe dọa tấn công, bao gồm tấn công hạt nhân vào Mỹ và chiến tranh với Seoul.
Không nước nào “được quyền đưa khu vực, thậm chí cả thế giới vào tình thế hỗn loạn nhằm đạt được mục đích ích kỷ của mình”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại một diễn đàn trên đảo Hải Nam của nước này. Ông Tập Cận Bình không nói thẳng tên Triều Tiên nhưng ai cũng hiểu đó là Bình Nhưỡng.
Chó nghiệp vụ được binh lính Triều Tiên huấn luyện tấn công hình nộm dán ảnh của Bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin. (Nguồn: Reuters)
Cựu Đại sứ Mỹ tới Trung Quốc Jon Huntsman cho rằng những lời lẽ của ông Tập Cận Bình là chưa có tiền lệ.
“Theo dõi rất kỹ phản ứng của lãnh đạo Trung Quốc sau nhiều năm qua, tôi thấy họ đã chạm tới điểm sôi khi nói về Triều Tiên”, ông Huntsman nói.
Triều Tiên bắt đầu tung ra hàng loạt đe dọa sau khi Liên Hợp Quốc thông qua biện pháp thắt chặt cấm vận nước này sau vụ thử hạt nhân hôm 12/2.
Dù mạnh miệng, Bình Nhưỡng vẫn chưa có hành động quân sự nào và chưa có dấu hiệu cho thấy nước này sắp đưa 1,2 triệu binh lính ra chiến trường. Điều đó khiến nhiều chuyên gia cho rằng hành động của Bình Nhưỡng có thể chỉ để củng cố địa vị của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un trong lòng người dân trong nước.
Báo chí Hàn Quốc tuần trước nói rằng Triều Tiên đã đưa 2 tên lửa tầm trung tới bờ biển phía đông, nhưng thông tin đó chưa được xác nhận. Washington nói họ sẽ không ngạc nhiên nếu Triều Tiên thực hiện thêm một vụ thử tên lửa nữa.
Lính Triều Tiên tập bắn hôm 6/4/2013. (Nguồn: Reuters)
Trung Quốc, nước hậu thuẫn ngoại giao và tài chính chủ yếu của Triều Tiên, gần đây đã tỏ ra khó chịu với Bình Nhưỡng.
Bắc Kinh đồng ý với Mỹ về bản nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc và nói muốn biện pháp cấm vận đó được thực hiện để thắt chặt tài chính của Bình Nhưỡng, kiểm tra bắt buộc các chuyến hàng nghi ngờ và tăng cường cấm nhập khẩu hàng xa xỉ vào đất nước.
“Chúng tôi phản đối những hành động và lời lẽ khiêu khích từ bất kỳ bên nào và không cho phép ai gây rối ngay trên bậc cửa của Trung Quốc”, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Wang Yi nói trong một thông báo về cuộc điện đàm với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon hôm 6/4.
Hôm qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” khi tình hình ngày càng căng thẳng, và cho biết Trung Quốc đã đề nghị Triều Tiên “bảo đảm an toàn cho các nhà ngoại giao ở Triều Tiên theo công ước Vienna và luật pháp, quy tắc quốc tế”.
Không có chuyên gia về Triều Tiên nào cho rằng Trung Quốc sẽ bỏ rơi nhà lãnh đạo Kim hay thực hiện các biện pháp cấm vận mới, nhưng Trung Quốc có vẻ đã hết kiên nhẫn sau nhiều năm nỗ lực dỗ dành Bình Nhưỡng.
Thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc, gồm cả ông Tập Cận, không có quan hệ gắn bó với Triều Tiên như những người tiền nhiệm.
Nhà lãnh đạo 30 tuổi Kim Jong-un cũng chưa thể hiện lòng trung thành với Trung Quốc như cha và ông nội mình, các chuyên gia về Triều Tiên nhận xét. Nhà lãnh đạo này chưa sang thăm Trung Quốc kể từ khi lên kế nhiệm vào cuối năm 2011.
Trong khi đó, các chính trị gia Mỹ nói rằng Trung Quốc vẫn chưa làm đủ.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain, thành viên của Ủy ban quân sự Thượng viện, chỉ trích Trung Quốc “không thể kềm chế tình huống tệ hại trong khu vực” và Bắc Kinh nên gia tăng sức ép bằng cách sử dụng ảnh hưởng kinh tế của mình đối với Bình Nhưỡng.
“Hành động của Trung Quốc cực kỳ đáng thất vọng. Không chỉ một lần, chiến tranh bắt đầu từ những vụ việc tình cờ và bây giờ tình thế đã rơi vào mức nguy hiểm”, ông McCain nói.