Trung Quốc "làm cao" với Nhật Bản
Trung Quốc yêu cầu Nhật Bản muốn đàm phán phải thiết lập khu vực cấm xâm phạm xung quanh Senkaku.
Trước thông tin Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shotaro Yachi bí mật lên đường sang Trung Quốc nhằm tháo gỡ bế tắc trong quan hệ giữa hai nước, ngày 22/6, Trung Quốc đã “làm cao” khi đặt điều kiện tổ chức hội đàm Trung-Nhật về tranh chấp trên nhóm đảo Senkaku trên biển Hoa Đông bằng cách yêu cầu Tokyo thừa nhận tranh chấp lãnh thổ và nhất trí về một khu vực cấm xâm phạm 12 hải lý xung quanh nhóm đảo này.
Hơn một năm trước, các quan chức hai nước đã nhất trí khởi động các cuộc hội đàm nhằm tránh nguy cơ xung đột bất ngờ nổ ra trên biển. Tuy nhiên, từ đó đến nay Trung Quốc và Nhật Bản vẫn chưa tổ chức bất kỳ một cuộc hội đàm nào để xây dựng một “cơ chế liên lạc hàng hải”.
Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shotaro Yachi đã bí mật lên đường sang Trung Quốc
Trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng và nguy cơ nổ ra xung đột xung quanh nhóm đảo Senkaku ngày càng hiện hữu, hồi tháng 12 năm ngoái, Nhật Bản đã cử Thứ trưởng Ngoại giao Chikao Kawai và Cục trưởng Cục Các vấn đề Châu Á và Hải dương Shinsuke Sugiyama lên đường sang Trung Quốc.
Hai quan chức này đã thực hiện các nỗ lực ngoại giao nhằm giúp các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Trung Quốc đạt được thỏa thuận về cơ chế liên lạc hàng hải, trong đó có việc thiết lập một đường dây nóng giữa hai nước.
Tuy nhiên, các cuộc hội đàm giữa quan chức cấp cao của hai nước đã bị hủy bỏ, hội nghị ba bên giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc dự kiến diễn ra vào mùa xuân năm nay cũng không được tổ chức, và quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản với Trung Quốc vẫn lâm vào thế bế tắc.
Tàu Hải giám Trung Quốc và tàu cảnh sát biển Nhật Bản trên biển Hoa Đông
Về phần mình, Nhật Bản đã bác bỏ yêu cầu của phía Trung Quốc “gác lại” tranh chấp về chủ quyền nhóm đảo Senkaku hiện do Nhật Bản kiểm soát thực tế nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền đối với nhóm đảo này.
Lập trường của Tokyo là nhóm đảo Senkaku là một phần lãnh thổ của Nhật Bản trong lịch sử, do vậy không hề có tranh chấp tồn tại trên lãnh thổ vốn được Nhật Bản thiết lập quyền kiểm soát thực tế từ năm 1895 này.