Trung Quốc kêu gọi Nhật Bản đàm phán

Liên quan đến việc tranh chấp lãnh hải, phía Trung Quốc đã điều 11 tàu hải giảm tới gần quần đảo Điếu Ngư, trong khi đó phía Nhật Bản tuyên bố sẽ cảnh giác cao độ và thực hiện mọi biện pháp có thể...

Làn sóng các cuộc biểu tình chống Nhật để biểu thị sự phẫn nỗ trước việc Tokyo quốc hữu hóa một số đảo trong quần đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku) vẫn tiếp tục diễn ra tại khắp Trung Quốc. Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh đã có những hành động kiểm duyệt và cấm biểu tình ở một số khu vực. Những người biểu tình bị nhắc nhở hãy “bày tỏ tình cảm yêu nước một cách vừa phải và ôn hòa”.

Trung Quốc kêu gọi Nhật Bản đàm phán - 1

Những lời kêu gọi biểu tình ở Trung Quốc được gửi qua điện thoại hay Internet đều bị chặn lại.

Tại các tỉnh khác, nhiều cuộc tập hợp bị cấm ở một số điểm như tại thành phố Tây An (tỉnh Thiểm Tây), những lời kêu gọi biểu tình được gửi qua điện thoại hay Internet đều bị chặn lại. Những biện pháp răn đe của chính quyền như vậy, vẫn không ngăn cản được các cuộc tuần hành.

Liên quan đến các cuộc biểu tình chống Nhật đang diễn ra trên khắp cả nước Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - ông Hồng Lỗi - cho rằng, các cuộc biểu tình này là "tự phát" và "nhằm phản đối việc Nhật Bản mua trái phép quần đảo Điếu Ngư cũng như lên án hành động khiêu khích của Nhật Bản đối với những thành quả chiến thắng của cuộc Chiến tranh thế giới chống phát xít và trật tự quốc tế thời hậu chiến".

Ông Hồng nói: "Chúng tôi hối thúc Nhật Bản đối diện với thái độ nghiêm túc của Trung Quốc, lắng nghe lời kêu gọi đúng đắn của người dân Trung Quốc và sửa chữa những sai lầm". Ông cũng hối thúc Nhật Bản có thái độ đúng đắn, hành động phù hợp, ngừng mọi hành động phá hoại chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, tôn trọng sự nhất trí đã đạt được giữa hai nước và quay trở lại con đường đàm phán để giải quyết tranh chấp.

Tờ báo tài chính Bloomberg cho biết, dự báo căng thẳng tranh chấp biển đảo Trung – Nhật đến nay có thể gây thiệt hại 340 triệu USD trong quan hệ thương mại giữa hai nước.

Trong lúc căng thẳng ở đất liền vẫn có chiều hướng leo thang, ở ngoài khơi biển Hoa Đông - khu vực quần đảo có tranh chấp vẫn không có dấu hiệu hòa dịu. AFP dẫn thông báo của lực lượng tuần duyên Nhật Bản cho biết chiều 18/9, Trung Quốc đã điều 11 tàu hải giám tới gần quần đảo Điếu Ngư để bảo vệ cho khoảng 1.000 tàu cá của Trung Quốc đã ồ ạt đổ tới vùng biển có tranh chấp.

Còn tại Đài Loan, khoảng 100 ngư dân lại tiếp tục có hành động khiêu khích làm phức tạp thêm tình hình khi thông báo dự tính ngày 21/9 họ sẽ đưa tàu tới các hòn đảo đang có tranh chấp. Tại Tokyo, các quan chức hàng đầu của Chính phủ Nhật đã họp khẩn để thảo luận về cách ứng phó với tình trạng căng thẳng gia tăng tại các thành phố Trung Quốc và cả ở ngoài biển.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Osamu Fujimura, dẫn lời Thủ tướng Yoshihiko Noda nói: “Chúng tôi sẽ cảnh giác và thực hiện mọi biện pháp có thể”. Tuy nhiên, ông Fujimura cũng đã phủ nhận các tường thuật của báo chí Nhật về việc Bộ Quốc phòng nước này đặt lực lượng phòng vệ trên biển vào tình trạng báo động trước đợt đổ xô đến Senkaku của các tàu cá Trung Quốc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Minh (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN