Trung Quốc đưa cố vấn quân sự tới Syria giúp tiêu diệt IS
Tiếp bước Nga, Trung Quốc tuyên bố sẽ đưa các cố vấn quân sự tới Syria, giúp chính quyền Tổng thống Bashar Assad chiến đấu chống lại tổ chức khủng bố khét tiếng Nhà nước Hồi giáo (IS).
Các chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) diễu hành trên phố.
"Các cố vấn quân sự người Trung Quốc sẽ tới (Syria) trong vài tuần tới", trang tin tức Al-Masdar Al-‘Arabi dẫn lời một quan chức quân đội Syria cho hay. Theo bản tin của Al-Masdar Al-‘Arabi, một tàu Hải quân Trung Quốc chở theo hàng chục cố vấn quân sự đang trên đường tới Syria. Tàu này được quân đội Trung Quốc hộ tống và đã vượt qua kênh đào Suez ở Ai Cập. Hiện nó đang vượt biển Địa Trung Hải.
Theo nguồn tin quân sự Syria, các cố vấn quân sự người Trung Quốc sẽ gia nhập đoàn quan chức quân sự của Nga ở khu vực Latakia.
Trong khi đó, một trang tin tức quân sự của Israel, DEBKAfile cũng trích dẫn nguồn tin quân sự tiết lộ, một tàu sân bay của Trung Quốc, dường như là Liêu Ninh-CV-16, đã bị phát hiện neo đậu tại cảng Tartus của Syria trên bờ biển Địa Trung Hải. Tàu này dường như được một tàu tuần dương tên lửa dẫn đường hộ tống.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc
Thông tin Trung Quốc cử cố vấn quân sự tới Syria để giúp chế độ Tổng thống Bashar Assad chiến đấu chống lại các chiến binh IS được đưa ra trong bối cảnh Nga tái khẳng định sự ủng hộ của nước này đối với chính quyền Assad bất chấp sự gièm pha và hoài nghi của phương Tây.
Mỹ và phương Tây đang sôi sục cáo buộc Nga tăng cường sự hiện diện quân sự ở Syria bằng cách gửi thêm máy bay chiến đấu, xe tăng và các thiết bị quân sự khác cho quân đội Assad.
Mới đây, khi báo chí đặt câu hỏi về sự hiện diện của quân đội Nga tại Syria, Tổng thống Vladimir Putin đã thẳng thắn xác nhận sự ủng hộ của Điện Kremlin đối với chế độ Assad. Ông cũng cho hay, các hoạt động quân sự của nước này tại đất nước Trung Đông bao gồm cung cấp vũ khí cho chính phủ Syria, huấn luyện binh sĩ và viện trợ nhân đạo cho người dân Syria.
"Chúng tôi hành động dựa trên Hiến chương Liên Hợp Quốc - tức là dựa trên các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế hiện đại. Chúng tôi đã và đang cung cấp sự hỗ trợ cho chính phủ hợp pháp. Tổng thống Assad đang phải đối mặt với sự phản đối của một số đối tác của chúng tôi. Trong khi, trên thực tế quân đội Assad đang phải chiến đấu chống lại một tổ chức khủng bố khét tiếng", ông Putin nhấn mạnh. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Nga cũng tuyên bố, những nỗ lực của Mỹ để đào tạo lực lượng ly khai Syria trở thành lực lượng nòng cốt chống IS đã thất bại.
Tổng thống Putin cho rằng, nỗ lực đào tạo chiến binh nổi dậy Syria để chống lại IS của Mỹ đã thất bại.
Trích dẫn tài liệu trong các cuộc điều trần của Thượng viện Mỹ mới đây, ông chủ Điện Kremlin bình luận, Mỹ đã đặt ra mục tiêu đào tạo 12.000 chiến binh nổi dậy Syria song trên thực tế đến nay chỉ có khoảng 60 người đã hoàn thành chương trình đào tạo.
Đặc biệt, chỉ 4, 5 chiến binh nổi dậy được Mỹ đào tạo đang chiến đấu trong hàng ngũ của lực lượng ly khai. Số còn lại đã tháo chạy sang Iraq cùng với số vũ khí do Mỹ cung cấp. Các chiến binh nổi dậy Syria thậm chí còn giao nộp vũ khí của Mỹ cho các tổ chức cực đoan có liên quan tới mạng lưới khủng bố toàn cầu al-Qaeda.
Trong một diễn biến mới nhất, theo hãng tin Sputnik, giới chức Nga, Mỹ đã nhất trí sắp xếp cuộc hội đàm riêng giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Obama bên lề Hội nghị thượng đỉnh thường niên của Liên Hợp Quốc vào lúc 21h giờ GMT ngày thứ Hai (28.9) tức 4h sáng 29.9 theo giờ Hà Nội. Cuộc gặp được mong đợi nhất bên lề Hội nghị thượng đỉnh thường niên của Liên Hợp Quốc sẽ chỉ kéo dài 60 phút, diễn ra sau khi cả hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ đã trình bày xong diễn văn của mình tại Đại hội đồng.
Tổng thống Nga Putin (trái) và Tổng thóng Mỹ Obama (phải) sẽ có cuộc hội đàm riêng để bàn về nhiều vấn đề hệ trọng hôm nay (28.9). Ảnh minh họa.
Theo giới quan sát, nội dung nghị sự chính trong cuộc hội đàm của ông Putin và Obama là về cuộc khủng hoảng Ukraine, chiến sự ở Syria và mối đe dọa đến từ Nhà nước Hồi giáo (IS).
Theo hãng tin Sputnik, cuộc hội đàm giữa lãnh đạo Nga, Mỹ được cho là một trong những sự kiện quan trọng nhất năm 2015 vì hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về đề xuất của Moscow trong việc tạo liên minh mới ở Trung Đông chống khủng bố Hồi giáo. Theo đó, sự phối hợp giữa hai nước để chống lại IS có thể sẽ là bước khởi đầu quan trọng giúp xoa dịu căng thẳng quan hệ Mỹ - Nga.
Quan hệ giữa Moscow và Washington rạn nứt nghiêm trọng, thậm chí có thời điểm căng thẳng Nga - Mỹ đạt đỉnh điểm kể từ thời Chiến tranh Lạnh bởi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra năm 2014. Sau khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga, phương Tây lên án nước này gay gắt và áp đặt nhiều lệnh trừng phạt đối với Moscow.