Trung Quốc: Dịch vụ vớt xác giá cắt cổ
Anh Tan Sheng bị choáng váng khi vừa nghe tin em trai chết đuối, vừa biết rằng anh phải bỏ ra tới 12.000 tệ (hơn 41 triệu đồng) để vớt xác người thân.
“Tôi cảm thấy như mình đang bị tống tiền”, anh Tan cho biết sau 1 tháng xảy ra bi kịch, và cho biết khoản phí trục vớt đắt đỏ đã làm hoàn cảnh của anh thêm khốn khó.
Tan và em trai Liu Neng dời quê nhà Trùng Khánh đến thành phố biển Ôn Lĩnh, tỉnh Chiết Giang để làm việc trong một nhà máy sản xuất giầy. Hôm 25/5, khi hai anh em cùng đi làm về, Liu Neng nhận được điện thoại của một cô gái, có thể là người yêu. Họ cãi nhau, rồi tình hình còn tồi tệ hơn khi cô gái đến nhà họ. Sau đó cả hai kéo nhau đi. Đó là lần cuối cùng anh Tan thấy em trai mình còn sống.
11h đêm đó, Tan nhận được cuộc gọi từ cảnh sát nói rằng em trai anh và cô gái vừa được phát hiện chết đuối trên con sông gần đó. Tan vội đến hiện trường, nhưng xác em trai anh lúc đó đã chìm.
“Tôi van xin cảnh sát hãy làm mọi điều có thể để đưa xác em trai tôi lên, nhưng họ nói rằng họ không thể làm gì nên họ gọi một đội vớt xác tư nhân đến giúp. Đội vớt xác bảo trời lúc đó tối quá rồi nên phải đợi đến sáng hôm sau”, Tan kể lại.
Tuy nhiên, mãi đến 10h sáng hôm sau, khi Tan đề nghị cảnh sát gọi lại thì đội vớt xác mới xuất hiện.
“Họ nói rất khó vớt được xác em tôi trong điều kiện như thế, và họ sẽ không làm nếu tôi không trả họ ít nhất 12.000 tệ. Nếu không vớt được, tôi vẫn phải trả họ 8.000 tệ”. Dù bị mọi người chỉ trích, đội thợ lặn vẫn khăng khăng đòi số tiền đó.
Ở Trung Quốc, vớt xác bị coi là nghề bạc bẽo, nên ít ai muốn làm Nguồn: Global Times
“Công nhân di cư như tôi thì làm gì có số tiền đó, nhưng tôi cũng không thể để xác em mình dưới sông được”, Tan chua chát.
Vì không phải dân địa phương, Tan quen biết rất ít người ở Ôn Lĩnh để có thể vay tiền. Nhưng may mắn là một số người đã giúp anh tìm đội thợ lặn khác chỉ đòi 2.200 tệ (7,5 triệu đồng). Sau khi mặc cả, đội này chấp nhận mức giá 3.000 tệ để vớt cả đôi. Hai tiếng đồng hồ sau đó, thi thể của hai người được đưa lên bờ.
Câu chuyện của Tan nhanh chóng trở thành đề tài tranh luận của mọi người. Người ta không những chỉ trích đội vớt xác có trái tim sắt đá mà còn đặt câu hỏi tại sao lại có kiểu dịch vụ nhẫn tâm như vậy.
Tan không phải trường hợp đầu tiên suýt bị “chém đẹp”. Vài năm qua, không ít trường hợp tương tự xảy ra trên khắp Trung Quốc.
Nổi tiếng nhất là vụ việc xảy ra ở Kinh Châu, tỉnh Hồ Bắc năm 2009, khi 3 sinh viên 19 tuổi bị chết đuối trên sông Dương Tử vì cố cứu người rơi xuống sông. Đội vớt xác được gọi đến hiện trường nhất quyền đòi tiền công 36.000 tệ thì mới chịu trục vớt.
Theo bức ảnh được trao giải cao nhất trong giải Máy ảnh vàng 2010 của Trung Quốc, đội thợ lặn buộc xác các sinh viên vào thuyền của họ rồi đòi những người trên bờ phải trả tiền trước. Nhóm sinh viên và giáo viên phải lột sạch túi họ mà không đủ, nên đề nghị cho nợ phần còn lại, nhưng đội vớt xác không đồng ý.
Bức ảnh này khiến cả đất nước bị choáng. Dù nhóm thợ lặn bị lên án mạnh mẽ nhưng điều đó cũng không ngăn chặn được các vụ tương tự liên tục xảy ra.
Sự thất bại của nhà nước
Nguyên nhân của tình trạng này một phần là do cảnh sát và cơ quan hàng hải không có dịch vụ cứu hộ tử thi. Một cán bộ của Hội cứu hộ Trung Quốc cho biết các lực lượng cứu hộ chính thức chỉ tập trung vào khu vực bể bơi chứ ít khi cứu hộ ở những vùng sông nước tự nhiên. Trong khi đó, cảnh sát không thể cứu người chết đuối hay trục vớt tử thi vì thiếu trang thiết bị hoặc kỹ năng chuyên nghiệp.
Hầu hết các thành phố đều không có lực lượng đặc biệt phụ trách việc vớt xác, ngay cả ở những thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải.
“Vấn đề là chính phủ không thể cung cấp nên dịch vụ này không có ai quản lý. Vì thế, không ngạc nhiên là chúng ta sẽ ngày càng thấy những vụ việc như ở Ôn Lĩnh và Kinh Châu xảy ra”, ông Zhang Daiji, phó giám đốc thường trực của Hiệp hội lặn và trục vớt Trung Quốc, nhận xét.
Tuy nhiên, theo giáo sư xã hội học Gu Jun ở ĐH Thượng Hải, việc các đội thợ lặn có quyền ra giá cao là quy luật của thị trường.
“Chính phủ không thể làm hết mọi thứ. Ngoài ra, vớt xác không liên quan tới lợi ích của số đông, nên nó phải theo quy luật của thị trường”, GS. Gu nói.
Theo ông, trong quan điểm của người Trung Quốc thì vớt xác bị coi là nghề bạc bẽo, nên rất ít người sẵn sàng làm. Điều đó dẫn đến tình trạng độc quyền mà nhiều người tự ý đặt mức giá cao. GS. Gu cho rằng nên khuyến khích hoạt động này phát triển dưới sự giám sát của chính quyền.