Trung Quốc “đau đầu” vì IS ra sức “quyến rũ” Tân Cương
Một quan chức cấp cao của khu tự trị Tân Cương, miền Tây Trung Quốc vừa xác nhận, chính quyền khu vực đang "đau đầu" khi phải đối mặt với thực tế, Nhà nước Hồi giáo (IS) đang nỗ lực "quyến rũ" người dân ở đây. Không ít công dân Tân Cương đã vượt biên, tìm đường gia nhập tổ chức khủng bố này.
"Một số người dân Tân Cương đã vượt biên để tham gia IS. Nhóm này đang có ảnh hưởng quốc tế ngày càng gia tăng. Tân Cương cũng đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ nhóm này", ông Zhang Chunxian, một lãnh đạo hàng đầu của Tân Cương, khu vực xa xôi, hẻo lánh, đầy bất ổn của Trung Quốc lần đầu tuyên bố ngày 10.3.
"Chúng tôi vừa phá vỡ một nhóm khủng bố do những cựu binh từng chiến đấu trong hàng ngũ của IS trở về địa phương cầm đầu", ông Zhang tuyên bố.
Ông Zhang Chunxian, Bí thư đảng ủy khu tự trị Tân Cương
Theo vị quan chức này, IS - tổ chức khủng bố khét tiếng đã chiếm được một khu vực rộng lớn ở miền Đông Syria cũng như miền Bắc và Tây Iraq, đang là mối đe dọa lớn đối với cho các nước trên toàn thế giới và cộng đồng quốc tế cần hợp sức để chống lại tổ chức này.
Ông Adudulrekep Tumniaz, Chủ tịch Viện Hồi giáo Tân Cương nhấn mạnh, Tân Cương có tới hơn 12 triệu người Hồi giáo, chiếm 52% dân số theo đạo Hồi của Trung Quốc. Do đó, việc ngăn chặn khu vực khỏi sự ảnh hưởng của chủ nghĩa cực đoan tôn giáo cũng như chủ nghĩa khủng bố được xem là vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia.
Theo ông Eziz Musar, một quan chức cấp cao khác ở Tân Cương, tại huyện Hotan, chính quyền đã phát hiện được nhiều đối tượng bị IS ảnh hưởng.
IS đang ra sức "quyến rũ" người dân khu vực Tân Cương của Trung Quốc.
Tân Cương là khu vực bất ổn của Trung Quốc với số lượng các vụ tấn công mang tính chất cực đoan, khủng bố trong khu vực ngày càng gia tăng trong những năm gần đây.
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc thường xuyên đưa tin, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ từ Tân Cương tìm cách vượt biên sang một số nước Đông Nam Á như Thái Lan hay Malaysia để rồi tìm đường tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Chính quyền các nước Thái Lan, Malaysia và Thổ Nhĩ Kỳ ước tính, có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người Duy Ngô Nhĩ trốn khỏi Trung Quốc bằng con đường này từ vài năm qua.
Một số lượng lớn người tị nạn Duy Ngô Nhĩ là những kẻ cực đoan, muốn đi từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Syria và Iraq để gia nhập IS cũng như các các nhóm phiến quân khác rồi sau đó quay về nước tấn công khủng bố.
Trước đó, hồi tháng 12.2014, chính quyền Trung Quốc xác nhận, 300 người Duy Ngô Nhĩ đã đi qua ngả Malaysia để gia nhập IS ở Syria và Iraq.
Hồi tháng 3.2014, nhà chức trách Thái Lan đã phát hiện 300 người Duy Ngô Nhĩ trốn trong rừng, tự xưng là công dân Thổ Nhĩ Kỳ và muốn đi đến nước này. Hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ có hàng nghìn người tị nạn Duy Ngô Nhĩ đang định cư.
Trong khi đó, IS - với những kỹ năng chiêu mộ tân binh tinh vi, ngày càng có sức hút lớn đối với nhiều ngoại binh, bất kể tuổi tác, tôn giáo, giới tính.
IS tự xưng hiện nỗ lực "quyến rũ" những tân binh nước ngoài gia nhập lực lượng của chúng bằng những lời hứa hẹn về những hành động phiêu lưu, có nhà cửa, việc làm và thậm chí là cả tình yêu.
"IS quảng bá về một xã hội không tưởng để dụ dỗ ngoại binh. Chúng nói với họ rằng đây là nhà nước Hồi giáo thực sự duy nhất trên thế giới và rằng họ có thể trở thành những nhân vật quan trọng trong xã hội đó", bà Lina Khatib, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Đông thuộc Quỹ Carnegie ở Beirut bình luận.
Bằng những lời hứa hấp dẫn và phương thức chiêu dụ đa dạng thông qua mạng Internet, IS đang thu hút hàng nghìn kẻ ủng hộ từ khắp thế giới, đặc biệt là từ các nước phương Tây đầu quân cho chúng.
Theo ông Zhang, chính quyền Tân Cương đang nỗ lực để loại bỏ chủ nghĩa tôn giáo cực đoan đồng thời ngăn chặn sự xâm nhập của các nhóm khủng bố mới. Tuy nhiên, đây là một việc cần có phải có thời gian để xử lý.