Trung Quốc đang sốt sắng “hâm nóng” quan hệ với Triều Tiên?

Quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên được cho là đang có dấu hiệu tan băng khi Bắc Kinh tỏ rõ ý định muốn tăng cường hợp tác hơn nữa với Bình Nhưỡng trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc ra sức củng cố liên minh.

Trung Quốc đang sốt sắng “hâm nóng” quan hệ với Triều Tiên? - 1
 Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Dấu hiệu đầu tiên báo hiệu sự tan băng trong quan hệ Trung-Triều là thông báo của Bắc Kinh về việc các tỉnh biên giới nước này tăng cường hợp tác kinh tế với Bình Nhưỡng.

Chính quyền tỉnh Cát Lâm và tỉnh Liêu Ninh của Trung Quốc còn quyết định mở rộng các tour du lịch tới Triều Tiên - đất nước được cho là bí ẩn nhất thế giới.

Tuần này, Triều Tiên đã tuyên bố nối lại các tour du lịch và đón các du khách, trong đó bao gồm nhiều người Trung Quốc tới thăm nước này. Cách đây 4 tháng, Bình Nhưỡng ra tuyên bố đình chỉ các tour du lịch quốc tế để ngăn chặn virus Ebola lây lan vào nước này.

Ngoài ra, Triều Tiên cũng gửi lời mời tới các vận động viện Trung Quốc để tham gia vào cuộc thi Marathon quốc tế thường niên do nước này đăng cai tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 12.4 tới.
 
Các hoạt động hợp tác kinh tế và du lịch Trung-Triều được nối lại trong bối cảnh, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trực tiếp tuyên bố với báo giới rằng, hai nước có thể tổ chức hội nghị thượng đỉnh song phương khi thời gian "chín muồi" mà hai bên đều cảm thấy "thích hợp".

 "Vì nền tảng cơ bản của quan hệ Trung-Triều rất mạnh mẽ, do đó, mối quan hệ này sẽ không thể hoặc không nên bị lung lay bởi những sự kiện nhỏ, không đáng kể", ông Vương Nghị nhấn mạnh.
Trung Quốc đang sốt sắng “hâm nóng” quan hệ với Triều Tiên? - 2
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.

Nhiều nhà phân tích bình luận rằng, Trung Quốc đang ra sức hàn gắn quan hệ với đồng minh ruột Triều Tiên vì cảm thấy cần phải giải quyết những căng thẳng gần đây giữa hai nước để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng rất có thể sẽ xảy ra trong thời gian sắp tới, đó là cuộc gặp đầu tiên giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Theo các chuyên gia, hai nhà lãnh đạo có thể sắp xếp một cuộc gặp riêng bên lề lễ kỷ niệm Liên Xô chiến thắng Đức Quốc xã trong Chiến tranh thế giới thứ 2 dự kiến được tổ chức tại thủ đô Moscow của Nga vào ngày 9.5 tới.
Điện Kremlin đã gửi lời mời tới cả hai lãnh đạo Trung, Triều tới Moscow để tham dự sự kiện này và phát ngôn viên của Tổng thống Nga Putin từng xác nhận, Bình Nhưỡng đã nhận lời mời tới Moscow.
Quan hệ song phương Trung-Triều đã xấu đi kể từ khi Bình Nhưỡng bị phương Tây cáo buộc, tiến hành thử hạt nhân lần thứ 3 tháng 2.2013 bất chấp áp lực của cộng đồng quốc tế, thậm chí cả Bắc Kinh. Sau đó, dưới áp lực từ cả trong và ngoài nước, Trung Quốc cuối cùng đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Liên Hợp Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Triều Tiên vì vụ thử trên.
 
Mối quan hệ giữa 2 nước tiếp tục rạn nứt sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un tử hình người được mệnh danh là nhân vật quyền lực thứ 2 ở Triều Tiên cũng là chú rể của ông, Jang Song-thaek. Ông Jang vốn chủ trương thân Trung Quốc và đóng vai trò quan trọng trong các quan hệ hợp tác song phương, đặc biệt là thương mại giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh.

Một dấu hiệu cho thấy, quan hệ Trung-Triều lạnh nhạt là kể từ khi lên cầm quyền năm 2013, Chủ tịch Tập Cận Bình chưa một lần thăm Triều Tiên, gặp lãnh đạo Kim Jong-un, trong khi ông đã hội đàm với nữ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye 6 lần.

Trung Quốc đang sốt sắng “hâm nóng” quan hệ với Triều Tiên? - 3

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) tươi cười bắt tay nữ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye trong một cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo.

Trong khi đó, về phần mình, do quan hệ với Trung Quốc rạn nứt, Triều Tiên quay sang củng cố quan hệ với Nga, được phản ánh thông qua một số dự án lớn. Truyền thông nhà nước Triều Tiên ngày 11.3 mới đây đăng tải thông báo của Bình Nhưỡng tuyên bố 2015 là “năm hữu nghị” Triều Tiên - Nga, cho thấy quan hệ với Moscow ngày càng khăng khít.

Chuyên gia Ahn Chan-il, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên nhận định: "Tôi cho rằng, Trung Quốc đang tiến hành các bước đi rõ ràng để tăng cường quan hệ với Triều Tiên. Việc này chứng tỏ Bắc Kinh mong muốn Bình Nhưỡng theo đuổi một chính sách ngoại giao cân bằng (thay vì tập trung quá nhiều vào Nga)".
 
Ngoài ra, theo chuyên gia này, việc Mỹ đang dự tính triển khai Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) - một hệ thống tên lửa đánh chặn tối tân tới bán đảo Triều Tiên để đối phó với các mối nguy hiểm đến từ Bình Nhưỡng cũng là nguyên nhân khiến Bắc Kinh sốt sắng "hâm nóng" quan hệ với Triều Tiên.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn tại cuộc gặp với người đồng cấp Hàn Quốc ở Seoul từng bày tỏ sự lo ngại về việc Mỹ có ý định triển khai hệ thống (THAAD) tại Hàn Quốc.

THAAD là một trong những hệ thống tên lửa đánh chặn hiện đại nhất thế giới do tập đoàn Lockheed Martin chế tạo nhắm mục tiêu là các loại tên lửa đạn đạo tầm trung. Lý do chính thức cho kế hoạch của Mỹ để triển khai hệ thống này ở khu vực Đông Á là để ngăn chặn tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
 
Tuy nhiên, Bắc Kinh quan ngại, hệ thống này là nhằm để chống lại các tên lửa đạn đạo của Trung Quốc khi các loại tên lửa đạn đạo tầm trung vẫn là thành phần chính trong các lực lượng hạt nhân chiến lược của quân đội nước này.
 
Dù có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên đang được "hâm nóng", song một số chuyên gia vẫn lập luận rằng, quyết tâm theo đuổi chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục cản trở 2 nước xích lại gần nhau để khôi phục mối quan hệ "môi hở rămg lạnh" một thời.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Đăng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN