Trừng phạt Nga, ai chịu thiệt hại nhiều hơn?
Mới đây, Mỹ và Phương Tây đã áp dụng những biện pháp trừng phạt nặng nề nhất đối với Nga kể từ Chiến tranh Lạnh, nhưng liệu ai sẽ là người chịu thiệt hại nhiều nhất?
Lần trừng phạt này bao gồm các biện pháp: cấm buôn bán vũ khí với Nga, hạn chế giao thương dầu mỏ và hạn chế các ngân hàng Nga huy động vốn tại thị trường tài chính châu Âu.
Đòn trừng phạt nhằm bóp nghẹt nền kinh tế Nga, bắt buộc Nga phải dừng ngay việc hỗ trợ quân ly khai Ukraine trong cuộc xung đột ở miền Đông nước này.
Kinh tế Nga so với các nước phương Tây là một nền kinh tế khá nhỏ bé, chỉ tương đương với Ý, nhưng lại có nguồn tài nguyên năng lượng khá lớn. Nga chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô và khoảng 60% số này là các sản phẩm năng lượng. 45% lượng xuất khẩu của Nga là sang thị trường Châu Âu. Ngược lại, chỉ có khoảng 3% lượng xuất khẩu của Châu Âu là sang thị trường Nga.
Vì vậy, liệu đòn trừng phạt lần này của Châu Âu sẽ rất có lợi cho mình?
Theo lời chuyên gia về tài chính ngân hàng Ralph Silva thì sau việc các ngân hàng Nga bị trừng phạt thì sẽ đến lượt nền kinh tế phương Tây bị tổn thất khá lớn. Ông cho hay: “Đây rất có thể sẽ là lần đầu tiên người Nga nhận ra rằng họ có thể đứng vững mà không cần phải trông cậy vào nền kinh tế dịch vụ tài chính toàn cầu”. Ông còn khẳng định nước Nga đang dần mạnh lên sau những đòn trừng phạt của phương Tây và nếu tổng thống Putin có thể đưa đất nước vượt qua được những khó khăn hiện tại , nước Nga dường như sẽ không còn phụ thuộc gì vào phương Tây nữa.
Nhà phân tích tài chính Chris Skinner cho rằng những biện pháp trừng phạt ngân hàng Nga có thể sẽ khiến Nga rút khỏi thị trường châu Âu và đi tìm những vùng đất mới, có thể là Hong Kong hoặc Thượng Hải.
Lần trừng phạt này bao gồm các biện pháp: cấm buôn bán vũ khí với Nga, hạn chế giao thương dầu mỏ và hạn chế các ngân hàng Nga huy động vốn tại thị trường tài chính châu Âu.
Theo tuyên bố của các công ty thẻ tín dụng lớn như Mastercard hay Visa thì đòn trừng phạt mới này của phương Tây cũng không hề ảnh hưởng gì đến hoạt động của các công ty này tại Nga.
Ngân hàng Moscow của Nga cũng khẳng định không hề chịu thiệt hại gì và cũng không có kế hoạch đi vay từ các thị trường nước ngoài.
Bên cạnh những thiệt hại về ngành tài chính, đòn trừng phạt lần này còn gây ra nhiều tổn thất trong việc mua bán vũ khí với Nga, cụ thể nhất là hợp đồng bán 2 chiếc tàu chiến lớp Mistral trị giá khoảng 1.6 tỉ Đô la Mỹ của Pháp cho Nga có thể sẽ phải hủy bỏ.
Các công ty sản xuất vũ khí của Nga nhấn mạnh rằng Mỹ đang phải chịu nhiều thiệt thòi với lệnh cấm vận này khi không còn có thể nhập khẩu và sử dụng vũ khí của Nga.
Về năng lượng, lệnh cấm vận này có thể sẽ làm cho một số quốc gia châu Âu đang phụ thuộc khá nhiều vào việc nhập khẩu dầu mỏ từ Nga lao đao.
Với việc ngừng bán các công nghệ và máy móc trong ngành khai thác dầu mỏ của mình cho Nga, châu Âu hi vọng có thể hạn chế và gây tổn thất cho ngành công nghiệp năng lượng nước này. Tuy nhiên, theo một tuyên bố mới đây của công ty khí ga hàng đầu nước Nga Gazprom thì công ty này có thể sẽ tự sản xuất một số chi tiết máy móc khai thác khí ga. Như vậy, châu Âu có thể sẽ mất một khoản lời lên tới 166 triệu Bảng khi Nga đã không còn phải nhập khẩu những chi tiết máy móc này.