Trúng độc đắc vì mua vé số chống ế cho người nghèo

Quanh năm nghèo khó, cuộc sống vật chất thiếu trước hụt sau, vợ chồng chị Hoa chỉ mong một ngày kinh tế khá hơn để có điều kiện nuôi con cái ăn học. Trong lần đi làm về, tình cờ gặp một bà lão bán vé số đang ế ẩm, chị Hoa liền móc ví mua giúp bà cụ hai tờ.

Cặp vợ chồng nghèo không ngờ, hai tờ vé số ấy lại mang đến khoản lộc trời khổng lồ. Để rồi nhờ đó, anh chị đã khéo tính toán, sử dụng hiệu quả đồng tiền để thoát khỏi đói nghèo, trở thành hộ gia đình kinh tế vững nhất nhì trong xã.

Trúng giải độc đắc vì mua vé số ế

Lâu nay, khu vực gần bến phà Cần Giuộc (thị trấn Cần Giuộc, tỉnh Long An) vãn được biết đến là nơi có nhiều người trúng số. Khổ nỗi, khi đứng trên núi tiền, không ít người vung tay chi tiêu quá đà. Kết quả là sau một thời gian ngắn thì “của thiên trả địa”, nghèo lại hoàn nghèo. Nhưng những ngày rong ruổi tại địa phương này, trong cuộc “trà dư tửu lậu”, chúng tôi cũng được nghe chuyện về tấm gương thoát nghèo nhờ vé số của gia đình chị Huỳnh Thị Lệ Hoa (42 tuổi, khu phố 4, thị trấn Cần Giuộc).

Theo những người dân địa phương, sau khi trúng liền hai vé số độc đắc, từ chỗ đói nghèo, chị Hoa đã trở thành hộ khá giả nhất nhì trong khu phố. Đáng quý hơn, kể cả khi đã giàu lên, anh chị vẫn giữ thói quen sinh hoạt giản dị và giáo dục những đứa con phải chăm học hành, không được phép ỷ lại đồng tiền trúng số của cha mẹ.

Trúng độc đắc vì mua vé số chống ế cho người nghèo - 1

Ngôi nhà vợ chồng chị Hoa đang xây dựng

Tò mò tìm đến ngôi nhà 2 tầng bề thế đang được xây dựng dở dang, chúng tôi được chị Hoa xác nhận câu chuyện và niềm nở kể lại hành trình đổi đời ngoạn mục nhờ vé số của gia đình. Mở đầu cuộc trò chuyện, chị triết lí: “Người ta thường nói “lấy chồng bằng tuổi, nằm duỗi mà ăn”. Nhưng cái số tôi lúc trẻ, lấy chồng bằng tuổi đấy mà làm đến còng lưng.

Từ sáng sớm đến tối, hai vợ chồng xoay trần với đủ thứ công việc. Để có thêm đồng ra đồng vào sinh hoạt, anh Lâm (chồng chị - PV) ngoài những lúc làm mướn lại phải ra bến phà xin bốc vác. Công việc nặng nhọc nhưng thu nhập chẳng bao nhiêu”. Thấy công việc bấp bênh quá, đêm ngủ chị Hoa thủ thỉ với chồng mang giấy tờ nhà đất cắm để lấy vốn làm ăn buôn bán. Nghe xong, chồng chị giãy nảy gạt ngang: “Nông dân quanh năm không ra khỏi làng thì buôn bán cái gì? Không khéo thì mất nhà ra đường ở như chơi”. Không được chồng hưởng ứng, ý định của chị đành gác lại, vợ chồng an phận sống trong cái nghèo. Cho đến một ngày, bước ngoặt số phận đã đến khi anh chị bất ngờ trúng số.

Nhìn căn nhà khang trang đang hoàn thành công đoạn cuối, chị Hoa vui vẻ kể cho chúng tôi nghe về cái ngày định mệnh làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống gia đình mình. Cách đây khoảng 9 năm, vào một buổi trưa tháng 10, trời nắng như thiếu đốt, chị Hoa cùng chồng đi làm về thì chợt thấy một bà lão đang ngồi thất thểu bên vệ đường. Nhìn tình cảnh bà lão tội nghiệp, chị liền bảo chồng dừng lại xem có giúp được gì không.

Hỏi ra mới biết, bà lão đang bán vé số nhưng do đi quá nhiều từ sáng sớm nên đuối sức. Giữa trưa nóng bức, bà đành ngồi bên đường, trông chờ lòng hảo tâm của khách hàng. Song suốt mấy tiếng đồng hồ, người hỏi mua chẳng đáng là bao nên xấp vé số trên tay bà lão vẫn gần như nguyên vẹn. Cảm thương bà lão tội nghiệp, anh Lâm bèn ngỏ lời chở bà cụ về nhà. Khổ nỗi, bà cụ nhất quyết không chịu mà chỉ van lơn hai người mua giúp tờ vé số.

Nhà vốn chạy ăn từng bữa, vợ chồng chị Hoa chưa bao giờ nghĩ tới chuyện bỏ những đồng tiền mồ hôi nước mắt chơi vé số. Bởi vậy khi nghe bà lão mời mọc, anh Lâm chỉ lắc đầu rồi móc túi lấy tờ tiền lẻ biếu bà lão ăn quà. Thế nhưng, vừa định quay xe đi, anh đã thấy bà lão dúi trả lại đồng tiền lẻ và nói: “Tôi đi bán vé số chứ không đi xin ăn. Anh chị tốt bụng thì mua giúp lão mấy tờ chứ cho tiền tôi không lấy”. Dù trong lòng không muốn mua nhưng nghe bà nói dứt khoát, anh Lâm cũng miễn cưỡng bỏ ra 10 ngàn đồng mua giúp hai tờ vé số (mỗi tờ giá 5000 đồng). Trên đường về, chồng chị còn tiếc rẻ bảo: “Đáng lẽ đừng mua vì tiền bạc thấm mồ hôi, đâu có dư để cá cược may rủi”. Nghe vậy, chị Hoa liền nói vui động viên chồng: “Mình khổ mãi rồi, biết đâu trời thương lại cho trúng số thì sao?”.

Trúng độc đắc vì mua vé số chống ế cho người nghèo - 2

Chị Hoa trò chuyện với phóng viên

Và không ngờ, câu nói đùa lại hóa thành sự thật. Chiều hôm đó, vợ chồng chị Hoa đi ngang một đại lý vé số, tiện thể ghé vào lấy vé ra dò kết quả. Khi nhìn vào giải 8 không trùng dãy số trên vé, anh Lâm đã định ném bỏ. Thế nhưng, nhìn kỹ lại một lần số của giải đặc biệt trùng ngay vớ dãy số 26189 trên hai tờ vé của đài Tiền Giang (Công ty xổ số kiến thiết tỉnh Tiền Giang). Quá vui sướng, hai vợ chồng ôm nhau khóc vì hạnh phúc. Đêm ấy, vợ chồng chị Hoa mãi trằn trọc không sao chợp mắt được, cứ nằm một hồi lại bật dậy lấy hai tờ vé ra mân mê. Sáng sớm, anh chị thu xếp chở nhau trên chiếc xe đạp cà tàng, chạy một mạch xuống Tiền Giang lĩnh thưởng. Hai giải đặc biệt (loại vé 5000 thời điểm đó trị giá 125 triệu/vé) vợ chồng chị Hoa được nhận tổng cộng là 250 triệu đồng, số tiền không nhỏ đối với gia đình nghèo.

Đời sang trang nhờ khéo dụng “lộc trời”

Khác với những người bỗng nhiên giàu từ vé số thường lao vào ăn chơi phung phí, vợ chồng chị Hoa tính toán kỹ đến từng đồng. Ngày nhận 250 triệu đồng trúng số, anh chị ngồi lại lên kế hoạch chi tiết, từng khoản một sẽ được dùng vào việc gì, làm sao để thoát khỏi đói nghèo. Sau những suy tính, chị Hoa bèn khuyên chồng nghỉ làm bốc vác tại bến phà rồi sắm chiếc xe ba gác để đi chở hàng thuê. Chị tính toán, nghề này hơi vất vả nhưng được cái chủ động, không phụ thuộc vào ai. Còn về bản thân mình, chị Hoa dành ra một phần để thực hiện hóa ý tưởng kinh doanh. Số còn lại, chị mang gửi hết vào ngân hàng làm vốn, dự định mai này cho các con học hành.

Tấm gương cho những người… trúng số

Ông Hai Hóa – Trưởng khu phố 4 cho biết: “Cả vùng này, hầu như ai cũng thích chơi vé số. Nhờ đó, số lượng người trúng giải, thậm chí cả giải độc đắc cũng khá nhiều. Thế nhưng, những trường hợp biết tính toán, sử dụng tiền trúng số một cách hợp lý như vợ chồng anh Lâm, chị Hoa thì rất hiếm có. Nhờ 250 triệu đồng, hai anh chị không những thoát nghèo mà còn trở thành hộ khá giả nhất nhì khu phố. Ở đây, chúng tôi luôn coi vợ chồng anh chị là tấm gương cho tất cả mọi người noi theo”.

Có tiền, chị Hoa bắt tay vào việc mua nông sản của bà con trong vùng rồi bán lại cho thương lái. Chuyến buôn đầu tiên lỗ mất 5 triệu đồng nhưng người phụ nữ chịu thương chịu khó không nản chí.

Tính toán lại, chị nhận thấy mình thất bại là do chọn hàng không kỹ. Bên cạnh đó, tiền công vận chuyển bị đội lên cao trong lúc giá bán quá rẻ nên chuyên thâm hụt khó lòng tránh khỏi. Rút kinh nghiệm, chuyến buôn sau, chị Hoa bảo chồng làm tài xế kiêm phụ chị chọn hàng. Không ngoài dự đoán, lần này, chị thu được khoản lời lớn. Chừng một tháng đi nuôn chị hoa đã gỡ được khoản lỗ 5 triệu và tích cóp được thêm một khoản vốn nho nhỏ.

Được một thời gian thấy công việc không có tính bền vững, chị Hoa lại trăn trở tìm cho mình hướng kinh doanh ổn định hơn. Nhận thấy địa thế nhà gần bến đò đông người qua lại, chị Hoa nảy ra ý tưởng mở một sạp hàng bán rau củ, công việc nhẹ nhàng, đồng thời có nhiều thời gian chăm sóc cho chồng con. Thế rồi nhờ sự cần cù, khéo mua giỏi bán, sạp rau quả của chị chẳng mấy chốc trở nên có tiếng, trở thành điểm ghé mua của nhiều khách hàng.

Sau hơn 10 năm tần tảo, biết dụng “lộc trời”, vợ chồng chị Hoa đã vượt qua được “vòng kim cô” nghèo đói và vươn lên thành hộ có của ăn của để, con cái học hành tới nơi tới chốn. Trong ngôi nhà mới khang trang sắp hoàn thiện, anh Lâm không giấu được niềm tự hào tâm sự: “Ngày xưa, mình nghèo khổ quá. May nhờ được trời thương cho trúng số, vợ mình lại biết tính toán vẹn toàn thì mơ có được ngày hôm nay”. Nhớ lại những ngày đầu, chị Hoa cũng tươi cười: “Đúng là nếu không táo bạo, dám nghĩ dám làm thì tôi nghĩ, có trúng số cũng chừng ấy chứ thêm nữa thì cũng hết. Cơ ngơi vợ chồng tôi có được ngày hôm nay là nhờ bà lão vé số năm xưa nhiều lắm”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Tuấn (Đời sống & Hôn nhân)
Hậu vận của những người bỗng dưng thành tỷ phú Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN