Trúng độc đắc nhờ “lời tiên tri” của ông lão ăn mày
Suốt 15 năm, cuộc mưu sinh của gia đình 7 miệng ăn ấy chỉ bám víu vào một thửa đất chưa đầy một công, mùa vụ thất thường. Đã vậy, người chồng lại đau ốm liên miên, thêm 5 đứa con tuổi ăn tuổi học, tình cảnh gia đình đã khổ càng thêm thê thảm.
Chính vì thế, chị Nguyễn Thị Hiên (SN 1965,ngụ ấp Chánh, xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) lúc nào cũng chỉ mong được đủ cơm ăn, đủ tiền dóng học cho đàn con nheo nhóc, chứ không dám mơ ước giàu sang. Nhưng rồi ông trời như mủi lòng thương, họ trúng liền 2 tờ vé số giải độc đắc. Cầm trong tay số tiền lên tới 250 triệu đồng, chị Hiên vẫn ngỡ đó chỉ là giấc mộng hoang đường trong cơn bĩ cực dài dằng dặc.
Trúng số độc đắc nhờ ông lão ăn mày
Từ ngày còn thơ dại, chị Nguyễn Thị Hiên đã phải theo mẹ chạy khắp các cánh đồng Đức Lập Hạ kiếm từng hạt lúa, củ khoai. Tới khi lấy chồng, chị Hiên cũng không thể thoát khỏi cái nghèo quẩn quanh. Đã nghèo lại gặp “cái eo”, chồng chị không may bị ngã xe và trở nên ốm yếu từ đó. Trụ cột của gia đình “gãy đổ”, bao gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền đều dồn cả lên vai chị. Thương chồng thương con, chị không quản ngại việc gì, miễn sao kiếm đủ một ngày hai bữa cho đại gia đình 7 miệng ăn.
Cuộc sống chật vật khiến người phụ nữ này luôn ấp ủ giấc mơ thoát nghèo. Thế nhưng, ngó trước nhìn sau trên mảnh đất nghèo khó này, chị chẳng biết phải bắt đầu từ đâu để biến giấc mơ thành hiện thực. Một lần tình cờ, chị gặp lại người bạn cũ và người này mách nước rằng đi buôn nông sản lãi rất nhanh. Như cởi được nút thắt bấy lâu, chị khấp khởi vay lãi khắp nơi lấy vốn làm ăn. Nhưng với một người quanh năm chỉ biết cày thuê cuốc mướn như chị, công việc tính toán buôn bán quả là khó hơn lên trời.
Hậu quả là, sau hai tháng đi buôn, chị Hiên gánh thêm khoản nợ hơn 20 triệu đồng. Buôn bán thua lỗ, tiền lãi cận kề hạn trả khiến cuộc sống của gia đình chị càng thêm khốn đốn. Vừa hoảng sợ, vừa từ trách bản thân khiến gia đình thêm cùng khổ, người phụ nữ ngày chỉ còn biết ôm mặt khóc nấc. Anh Tư – chồng chị Hiên, chứng kiến vợ suy sụp càng thương xót. Anh không trách chị một lời, còn nén đau đi làm thuê lấy tiền trả nợ giúp vợ. Nhưng số nợ quá lớn, anh chị dù oằn mình cả ngày lẫn đêm vẫn không đru tiền trả lãi. Tưởng như hai vợ chồng sắp phải bán cả mảnh đất hương hỏa của bố mẹ để lại trả nợ, bỗng chị gặp được một cơ duyên thay đổi cả cuộc đời.
Chị Hiên tâm sự với phóng viên.
Trong một lần đi dự sinh nhật người em họ, khi chị đang dừng đèn đỏ, tình cờ một ông lão ăn mặc rách rưới đến xin bố thí mấy ngàn mua nước uống. Chị Hiên lục khắp các túi không còn đồng lẻ nào, tiền đi sinh nhật cũng phải mượn người hàng xóm, nên định cáo lỗi với lão ăn mày. Chợt nhớ đến chai nước mang theo, chị liền đưa cho ông lão, mong ông hiểu cho hoàn cảnh của mình. Ông lão mỉm cười cảm ơn và khuyên chị: “Cô tốt bụng quá, hôm nay mà cô mua vé số thì đài nào cũng trúng”. Nghe vậy, chị chỉ cho rằng ông lão nói làm vui, mà thực tình, chị muốn mua cũng chẳng có tiền.
Ý nghĩ mua vé số có lẽ chẳng bao giờ chị nhớ đến nữa, nếu gia chủ không thương tình chị nghèo khó, kiên quyết không lấy tiền mừng. Cầm số tiền 100 ngàn đi vay còn nguyên vẹn, chị khấp khởi dự tính sẽ trả lại toàn bộ cho người hàng xóm. Nhưng buổi chiều hôm đó, khi đang trên đường về, chị lại được một câu bé chạy theo mời mua vé số. Chợt nhớ lại lời nói của ông lão hành khất vào buổi sáng, chị dừng xe định bụng mua thử mấy tờ thử thời vận. Định là thế mà nghĩ tới khoản nợ, chị cứ cầm xấp vé số lên lại đặt xuống. Sau cùng vì thương cậu bé nhỏ tuổi chỉ bằng đứa con út của mình đã phải mưu sinh, nó lại bám vào xe không cho đi, chị cũng bấm bụng rút lấy 2 tờ ủng hộ.
Sau khi mua vé, chị Hiên cứ thấy nao nao như sắp xảy ra chuyện gì với gia đình mình. Sợ ở nhà có chuyện không hay, chị đạp xe một mạch về nhà, thấy chồng và các con yên lành chị vui mừng ra mặt. Nhưng cái cảm giác nao nao không hề thay đổi làm chị rất khó chịu. Định đem nói chuyện hồi chiều với chồng, nhưng sợ chồng mắng vì đã nghèo lại chơi vé số, chị đành im lặng.
Chiều tối hôm ấy, khi gia đình đang quây quần bên mâm cơn đạm bạc và nghe radio, chị bỗng nhiên bỏ bát xuống nhảy cẫng lên. Chồng chị không hiểu chuyện gì liền quát lớn: “Bộ bà bị giật kinh phong hay sao mà nhảy hú như con khùng vậy?”. Không trả lời chồng, chị chạy thẳng vào trong nhà lấy 2 tờ vé số ra, rồi nghẹn ngào: “Mình trúng số rồi chồng ơi. Từ nay, cả nhà ta không phải khổ sở nữa rồi!”. Thấy vợ nói vậy, anh Tư cũng nửa tin nửa ngờ. Nhưng khi xem tờ vé số, anh như mờ cả hai mắt, dãy số anh mới nghe trên đài cũng chính là dãy số anh đang cầm trên tay. Để chính xác hơn, anh bảo cậu con trai ra đại lý xin một tờ kết quả về dò lại, và kết quả không hề thay đổi. Mừng mừng tủi tủi, cả gia đình 7 người bỗng nhiên cùng ôm nhau khóc, vì biết cuộc đời họ chuẩn bị bước sang trang mới từ đây. Đêm hôm ấy, cả nhà không ai ngủ được, chỉ mong cho trời sáng để có thể đi lãnh tiền.
Trúng số độc đắc nhưng vẫn nghèo
Khi chúng tôi hỏi chuyện trúng số, chị Hiên vẫn còn nguyên cảm giác vui mừng: “Con số tôi trúng hôm đó là 66847, vé của đài Tiền Giang, ngày 13/8/2007. Nói thiệt nha, đến giờ tôi vẫn không quên được cảm giác sung sướng ngày hôm ấy. Tôi cứ nghĩ mình nằm mơ. Khi so dãy số của tờ vé với tớ kết quả ngoài đại lý, tôi cũng chỉ dám tin một phần. Ngày chồng đi lấy tiền, tôi ở nhà cứ bần thần hết chân tay. Khi tận mắt nhìn thấy số tiền quá lớn, tôi nhưu muốn hét lên vì sung sướng, người lâng lâng”.
Có tiền trong tay, vợ chồng chị lập tức trả hết các món nợ, cả gốc lẫn lãi. Số tiền còn lại, chị bàn với chồng tìm kế làm ăn. Sau nhiều đêm suy nghĩ, vợ chồng chị Hiên quyết định mở một cơ sở giết mổ heo. Những tưởng cuộc sống gia đình khởi sắc từ đây, nhưng không ngờ chỉ trong một năm, từ vị trí chủ lò mổ họ lại trở thành người làm thuê. Chị Hiên tiếc nuối kể: “Những ngày đầu làm ăn cũng có đồng ra đồng vào, nhưng không hiểu sao công việc của gia đình tôi cứ ngày một khó khăn. Sau một năm, chúng tôi đành để cơ sở giết mổ lợn ngưng hoạt động và sang tên cho người khác”. Nhắc lại chuyện không vui này, chị Hiên chỉ biết cười buồn: “Không hiểu sao số mình lại vậy, bao năm làm ăn gì cũng thất bát hết, từ buôn bán nông sản, mở xưởng, mở quán cà phê. Cái gì cũng được thời gian đầu, rồi cứ lụi bại dần. Âu cũng là cái số mình, có muốn cũng không được”.
Tấm gương sáng cho cả ấp Trao đổi cùng P/V, ông Mai Văn Chấn, Trưởng ấp Chánh, xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An cho biết: “Gia đình họ lúc chưa trúng số thuộc diện nghèo khó nhất trong ấp. Nhưng sau khi trúng số, họ đã thay đổi được cuộc sống, tuy không giàu có nhưng cũng tạm đủ. Họ cũng không vì vé số mà phải tán gia bại sản như bao người khác. Điều đáng mừng nhất, họ đã tạo cơ hội cho các con ăn học đàng hoàng, đứa nào cũng vào đại học và có công việc ổn định sau khi ra trường. Gia đình cô Nguyễn Thị Hiên chính là tấm gương cho mọi người trong ấp học tập về cách nuôi dạy các con”. |
Làm ăn thua lỗ liên tục, người phụ nữ có số phận vất vả này vẫn vô cùng lạc quan. Theo chị, nhờ 2 tờ vé trúng giải độc đắc, gia đình chị mới đủ tiền trang trải nợ nần, các con ăn học nên người. Mặt khác, chị không có duyên làm ăn, nhưng lại có duyên dạy con, đứa con nào của chị cũng chăm ngoan học giỏi. Chị bảo, giàu nghèo không quan trọng bằng các con ngoan ngoãn, học hành chăm chỉ. “Tiền có thể làm ra, chứ con cái mà hư hỏng thì khó chữa lắm. Vì thế, tôi chỉ mong ước chồng con luôn khỏe mạnh, yêu thương chăm sóc nhau là đủ lắm rồi”, chị Hiên chia sẻ.
Còn anh Tư, từ khi có tiền, anh đã chữa khỏi phần nào bệnh tình. Giờ đây, anh đã có thể chạy xe máy và vào làm thuê trong xưởng mổ heo trước đây của mình. Khi chúng tôi thắc mắc tại sao anh Tư lại chấp nhận làm thuê cho chính cơ sở của mình, chị Hiên cười ngặt nghẽo: “Tôi có xúi ông ấy đi làm đâu, tại ở nhà mãi cũng buồn nên ông ấy tự đi đó chứ. Nhiều khi tôi nói có tuổi rồi, về nhà làm đất của nhà cũng đủ ăn mà ông cứ không chịu. Thôi kệ ổng, muốn làm cũng được”.
Trúng số độc đắc không biến chị Hiên thành tỷ phú hay triệu phú, nhưng lại cho chị khối tài sản không gì có thể mua được, đó là một gia đình hạnh phúc, các con được ăn học nên người. “Tài sản lớn nhất của tôi là một ông chồng biết yêu vợ thương con, và 5 đứa con ngoan ngoãn, học hành nên người”, đó là những chia sẻ của chị Hiên khi tiễn chân chúng tôi.