Trúng đấu giá rồi... bỏ chạy: Đề xuất phạt 50% số tiền trúng đấu giá
Uỷ ban Kinh tế cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định điều khoản phạt trong trường hợp trúng đấu giá nhưng không mua tài sản, có thể quy định khoản tiền phạt vi phạm bằng 50% giá mà người trúng đấu giá đã trả.
Chiều 8-11, Quốc hội thảo luận tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Đấu giá tài sản năm 2016.
Liên quan đến quy định về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá tại Điều 48 Luật Đấu giá tài sản 2016, dự thảo luật không có điều khoản sửa đổi, bổ sung.
Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra dự luật, có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính trong trường hợp trúng đấu giá nhằm ngăn chặn tình trạng lũng đoạn, gây rối loạn thị trường; nếu quá thời gian này mà không thực hiện nghĩa vụ tài chính thì phải hủy kết quả đấu giá, trường hợp này cần làm rõ cấp có thẩm quyền hủy kết quả trúng đấu giá, nhất là đối với tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất trong trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư.
Đồng thời, nghiên cứu quy định chế tài xử lý vi phạm theo hướng không cho tham gia đấu giá trong một thời hạn bên cạnh việc hủy kết quả trúng đấu giá, đồng thời quy định rõ trách nhiệm cấp có thẩm quyền hủy kết quả trúng đấu giá (UBND cấp tỉnh hoặc UBND cấp huyện).
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo của cơ quan thẩm tra dự luật. Ảnh: QH
Đáng chú ý, có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về việc phạt vi phạm nghĩa vụ trong hoạt động đấu giá tài sản.
Cụ thể, quy định điều khoản phạt trong trường hợp trúng đấu giá nhưng không mua tài sản (có thể quy định khoản tiền phạt vi phạm bằng 50% giá mà người trúng đấu giá đã trả).
“Với giải pháp này, số tiền đặt trước có thể thấp nhằm thu hút nhiều người tham gia đấu giá, song số tiền phạt vi phạm nghĩa vụ là lớn sẽ ngăn chặn tình trạng trả giá cao bất thường rồi bỏ tiền đặt trước, gây lũng đoạn thị trường”- báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế nêu.
Cũng có ý kiến cho rằng trong thực tiễn sau khi trúng đấu giá, người trúng đấu giá chuyển nhượng quyền trúng đấu giá cho người khác mà pháp luật chưa có quy định; do đó, đề nghị nghiên cứu luật hóa việc chuyển nhượng quyền trúng đấu giá trong dự thảo Luật.
Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra, Ủy ban Kinh tế cho rằng, các ý kiến trên là có cơ sở. Do đó, cơ quan này đề nghị Bộ Tư pháp - cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu.
Luật sư, công chứng viên không còn được miễn đào tạo nghề đấu giá? Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản đã bỏ quy định về miễn đào tạo nghề đấu giá đối với một số trường hợp đang được quy định hiện nay gồm: người đã là luật sư, công chứng viên, thừa phát lại, quản tài viên, trọng tài viên có thời gian hành nghề từ 2 năm trở lên; người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên. Theo Tờ trình của Chính phủ, một trong những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Đấu giá tài sản là “Một bộ phận đấu giá viên còn hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề; việc cập nhật kiến thức pháp luật, kỹ năng của đội ngũ đấu giá viên còn chưa được thực hiện thường xuyên”. Ủy ban Kinh tế cho rằng để có cơ sở xem xét, quyết định việc bỏ quy định này cần tổng kết, đánh giá rõ “một bộ phận” này có phải chủ yếu rơi vào các trường hợp được miễn đào tạo nghề đấu giá hay không; đồng thời đánh giá tác động của việc bỏ quy định này. Bởi vì nếu bỏ quy định về miễn đào tạo sẽ không thu hút được những người có kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực tư pháp, bổ trợ tư pháp tham gia vào hoạt động đấu giá tài sản. Bên cạnh đó, hiện nay một số luật trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp cũng có quy định về miễn đào tạo đối với một số trường hợp, như Luật Luật sư, Luật Công chứng. |
Khách hàng trúng đấu giá đã chuyển tiền bằng tài khoản cá nhân và gần hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Nguồn: [Link nguồn]