Trùm mafia TQ: Từ ma cô quèn tới tỉ phú
Bằng thủ đoạn tàn bạo, anh em họ Lưu đã tích trữ được khối tài sản khổng lồ.
Trong chiến dịch "đả hổ, bắt ruồi" chống tham nhũng gần đây, Trung Quốc đang điều tra cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang, từng là một trong những nhân vật quyền lực nhất trong giới lãnh đạo nước này. Hàng trăm quan chức, doanh nhân có quan hệ mật thiết và hậu thuẫn đắc lực cho Chu Vĩnh Khang cũng đã bị bắt giữ, xét xử, trong đó nổi bật có Lưu Hán, một tỉ phú lừng danh ngành khai mỏ Trung Quốc. Ít ai ngờ vị tỉ phú đầy tham vọng này lại là ông trùm của một đường dây mafia tàn bạo, sẵn sàng thanh trừng mọi đối thủ bằng súng đạn bất chấp luật pháp và chính quyền. Trong loạt bài này, xin giới thiệu với độc giả về chân dung của ông trùm khét tiếng Trung Quốc này cùng những thủ đoạn xảo quyệt, tàn bạo mà hắn đã sử dụng để lộng hành trong một khu vực rộng lớn trong suốt thời gian dài. |
Ở kỳ trước, chúng ta đã có thể hình dung về một tên trùm mafia mang danh tỉ phú Trung Quốc Lưu Hán, một "doanh nhân thành đạt" đi lên bằng súng đạn của mình, máu và nước mắt của nhiều nạn nhân. Vậy hành trình từ một tên ma cô quèn ở Tứ Xuyên trở thành tên trùm mafia tàn bạo bậc nhất Trung Quốc này như thế nào, mời các bạn tiếp tục theo dõi.
Hơn 100 người dân được cho là đã trở thành nạn nhân của băng nhóm do Lưu Hán cầm đầu, nhưng rất ít người dám đứng ra tố cáo tội các của bọn chúng. Các nạn nhân và gia đình họ thậm chí còn không dám nói to tên “Lưu” mà chỉ gọi bọn chúng là “nhà họ”.
Cô Trương Lệ, em gái của nạn nhân Trương Vĩ bị tay chân của Lưu Hán đâm chết cho biết: “Bố tôi nằm liệt giường sau khi anh trai tôi bị chúng đâm chết. Hằng ngày ông ấy đều khóc và gọi tên anh trai tôi. “
Còn người bố của nạn nhân Chu Dương thậm chí còn không dám nói về vụ con trai mình bị băng của Lưu Hán thanh toán. Ông nói: “Một thành viên trong gia đình tôi đã bị giết, và chúng tôi không thể mất thêm một người nào nữa.”
Một đàn em trong băng mafia của Lưu Hán bị cảnh sát bắt giữ
Năm 2008, Trần Phú Vĩ, một ông trùm có máu mặt trong giới giang hồ ở Quảng Hán được ra tù và đe dọa sẽ trả thù anh em nhà họ Lưu. Đáp lại, Lưu Duy đã cho gọi 2 tay chân thân tín của mình và ra lệnh cho chúng “trừ khử Trần”, còn hắn sẽ “gánh chịu mọi trách nhiệm”.
Vụ thanh toán này diễn ra ngay giữa ban ngày vào ngày 10/1/2009.
Sau vụ giết người công khai này, Lưu Hán sắp xếp cho em trai lánh đi một thời gian và tìm cách chạy án gỡ tội cho em. Trong thời gian Lưu Duy chạy trốn, Lưu Hán đã nhiều lần tới gặp em và đưa cho hắn ta hàng triệu tệ để chi tiêu, và viết một thư kêu oan gửi tới Bắc Kinh rằng “Lưu Duy vô tội”.
Các bằng chứng do cảnh sát thu thập được cho thấy băng đảng của Lưu Hán đã dính líu tới hàng chục vụ án nghiêm trọng với đủ loại tội ác, từ giết người, hành hung cho tới giam giữ người trái pháp luật trong giai đoạn hơn 10 năm. Ít nhất đã có 9 nạn nhân thiệt mạng dưới tay chúng, trong đó có 5 người bị bắn bằng súng.
Những hoạt động phạm tội của băng đảng Lưu Hán không phải là điều gì quá bí mật đối với người dân Tứ Xuyên. Năm 2007, trên Internet đã xuất hiện những thông tin cáo buộc Lưu Hán trốn thuế và cầm đầu một băng nhóm tội phạm địa phương.
Người đàn ông họ Tôn, cánh tay phải đắc lực của Lưu Hán khai báo: “Khi tôi gây sức ép để xóa các thông tin này, Lưu Hán đã bảo tôi loại bỏ cáo buộc trốn thuế nhưng giữ lại thông tin về băng đảng tội phạm, vì điều đó có lợi cho công việc làm ăn.”
Lưu Hán bảo vệ công việc làm ăn của mình bằng những tên côn đồ sẵn sàng đâm thuê chém mướn trong băng, và lấy lợi nhuận từ việc kinh doanh để nuôi những tên tội phạm này. Thủ đoạn vừa tinh vi vừa tàn bạo của hắn đã khiến cho gia tài của họ Lưu tăng lên theo cấp số nhân.
Vào tháng 3/1997, khi Lưu Hán thành lập Tập đoàn Hán Long ở Miên Dương, hắn đã bảo với Tôn tuyển một những tên côn đồ lưu manh về làm cho công ty dưới danh nghĩa nhân viên bảo vệ. Hắn cũng yêu cầu Lưu Duy mua sắm thật nhiều vũ khí, đạn dược đề dùng khi hữu sự, và bọn chúng còn xây hẳn cả một kho súng ngầm ở Quảng Hán.
Kho súng do Lưu Hán xây dựng ở Quảng Hán
Khi băng đảng này bị triệt phá vào năm 2013, cảnh sát đã tịch thu 3 quả lựu đạn, 20 khẩu súng trường, 677 viên đạn, 2.163 viên đạn súng săn và hơn 100 dao kiếm các loại.
Băng đảng của Lưu Hán được phân chia thứ tự, cấp bậc rất rõ ràng và chặt chẽ. Lưu Hán là thủ lĩnh, Lưu Duy và Tôn là “quan võ” và “quan văn”, bên dưới là một số thành viên chủ chốt có trách nhiệm báo cáo mọi việc cho Lưu Duy và Tôn. Còn tầng lớp ở phía dưới nữa là vô số những tên lưu manh vô lại sẵn sàng làm bất cứ việc gì.
Lưu Hán luôn tìm cách tuyển mộ những chiến binh hung hãn và dữ dằn nhất, và miễn là chúng chiến đấu cho “tổ chức”, băng đảng này sẽ luôn tìm cách che giấu tội ác của chúng, bất kể mức độ và hậu quả như thế nào.
Theo luật trong băng do Lưu Hán đặt ra, bọn tay chân không được phép hé răng nửa lời về sự liên quan tới tập đoàn Hán Long nếu chúng bị cảnh sát bắt. Những tên tiết lộ bí mật của tổ chức sẽ bị trừng phạt rất nặng nề.
Những tên nhát gan hoặc ngần ngừ không chịu ra tay giết người sẽ bị loại bỏ, trong khi những kẻ sát nhân như Đường Xiên Bình lại được đề bạt lên các vị trí quản lý với mức lương hàng năm lên tới 100.000 nhân dân tệ.
Sau khi Tôn Hoa Trung và Diệu Quân sát hại Vương Vĩnh Thành, Lưu Hán đã thu xếp cho bọn chúng bỏ trốn, đồng thời thưởng cho tên Tôn một chiếc xe Cadillac, một xe Audi và hơn 300.000 tệ, còn tên Diệu Quân nhận được 600.000 tệ.
Hệ thống tổ chức chặt chẽ trong băng đảng mafia của Lưu Hán
Bằng chính sách “cây gậy và củ cà rốt” này, Lưu Hán đã thiết lập quyền lực tột đỉnh bên trong băng đảng tội phạm của mình. Máu đã dọn đường cho công việc làm ăn của Lưu Hán, và xung quanh hắn là những tên gangster sẵn sàng làm bất cứ mọi việc để dẹp tan mọi đối thủ cạnh tranh, khiến cho Lưu Hán nhanh chóng phất lên thành một tỉ phú.
Theo hồ sơ của cảnh sát, sau vụ sát hại Chu Dương vào năm 1998, Lưu Hán và Lưu Duy đã độc quyền thâu tóm hoạt động cờ bạc và cho vay nặng lãi ở Quảng Hán. Lĩnh vực làm ăn của chúng được mở rộng sang hoạt động khai thác cát, buôn bán vật liệu xây dựng ở Quảng Hán và các thị trường lân cận.
Vụ sát hại Trương Vĩ và Vương Vĩnh Thành đã dọn đường cho anh em nhà họ Lưu tiến sâu vào lĩnh vực bất động sản ở Miên Dương. Lưu đã giành được rất nhiều dự án béo bở, chẳng hạn như dự án xây dựng sân bay Miên Dương và cầu Hán Long. Hắn ta cũng đã dễ dàng thâu tóm được nhà máy Chế biến Rượu Forgood với giá vô cùng rẻ mạt nhờ quyền lực đen của mình.
Năm 2000, Lưu Hán chuyển trụ sở tập đoàn Hán Long từ Miên Dương tới Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên để mở rộng địa bàn và lĩnh vực làm ăn. Một khi tổ chức của hắn nhòm ngó một dự án nào thì tất cả các đối thủ khác đều phải biết ý mà lẳng lặng rút lui.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Wall Street Journal của Mỹ vào năm 2010, Lưu đã cao ngạo tuyên bố: “Lưu Hán luôn luôn là người thắng cuộc, không hề thua bao giờ.”
Từ năm 2000 trở đi, Lưu Hán ngày càng ít phải dùng đến bạo lực trong các phi vụ làm ăn của mình, bởi băng đảng của hắn đã hoàn thành nhiệm vụ gieo rắc nỗi sợ hãi khắp mọi nơi. Lưu Hán và băng của hắn khống chế cả hoạt động chính trị và kinh tế ở địa phương bằng chính sách hăm dọa và khủng bố là chủ yếu.
Lưu Hán và tập đoàn Hán Long của hắn đã nhảy vào và độc quyền khống chế rất nhiều lĩnh vực kinh doanh. Những phi vụ làm ăn của hắn luôn lấp ló ánh thép của súng và dao kiếm. Cảnh sát Trung Quốc cho biết hắn và băng đảng của mình đã thu được nguồn lợi khổng lồ trong lĩnh vực khai mỏ, điện năng, cho vay nặng lãi và thao túng thị trường chứng khoán bằng những cuộc sáp nhập và thâu tóm bất hợp pháp cùng nhiều biện pháp tinh vi xảo quyệt khác.
Lưu Hán và đồng bọn kiểm soát hơn 70 công ty, trong đó có 2 công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán cùng 4 chi nhánh ở nước ngoài. Bọn chúng làm giả những khoản vay lên tới 4,6 tỉ nhân dân tệ, mua cổ phần của các công ty cờ bạc nước ngoài, và kiếm hơn 230 triệu đô-la Hong Kong từ việc đưa người dân từ Trung Quốc đại lục tới Macao đánh bạc.
Đế chế tội phạm của Lưu Hán đã thu về gần 40 tỉ nhân dân tệ tài sản cùng hàng trăm xe hơi, trong đó có nhiều siêu xe vô cùng đắt tiền như Roll-Royce, Bentley, Ferrari.
Phòng làm việc của ông trùm mafia Lưu Hán
Theo giới truyền thông, con trai của cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc Chu Vĩnh Khang là Chu Bân từng làm ăn với Lưu Hán khi đầu tư vào thủy điện, dầu khí tại tỉnh Tứ Xuyên. Năm 2003, Lưu Hán đã bỏ ra tới 20 triệu tệ để mua lại của Chu Bân một công ty khai mỏ, trong khi giá trị thực của nó chỉ vào khoảng 3 triệu tệ. Lưu Hán quyết chịu lỗ trong thương vụ này vì muốn tạo quan hệ tốt với quý tử của Chu Vĩnh Khang, khi đó đang là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.
Năm 2005, để đền đáp lại, Chu Bân đã đứng ra mua 20% cổ phần của một công ty điện lực ở Tứ Xuyên, sau đó bán lại cho Lưu Hán để Tập đoàn Hán Long thâu tóm công ty này nhằm né quy định bảo hộ tài nguyên của chính quyền.
Ngoài kinh doanh hầm mỏ ở tỉnh Tứ Xuyên, Tập đoàn Khai thác khoáng sản Hán Long còn đầu tư sang châu Phi, thao túng các mỏ sắt ở Cameroon. Khi sang thăm Cameroon, Lưu Hán đã mời Tổng thống nước này cùng một số bộ trưởng tới Thành Đô với tư cách khách của Tập đoàn Khai thác khoáng sản Hán Long để dễ bề chiếm lĩnh thị trường châu Phi. Tập đoàn Khai thác khoáng sản Hán Long cũng từng muốn thôn tính Công ty Australia Sundance Resources Ltd với giá hơn một tỉ USD, tuy nhiên các kế hoạch này đều bị đổ bể khi Lưu Hán bị bắt.
Cơ quan chức năng thống kê, băng đảng do Lưu Hán cầm đầu đã đầu tư, góp vốn, tham gia cổ phần với 70 công ty, trong đó có 2 công ty đã lên sàn, 4 công ty ở nước ngoài với tổng trị giá tài sản lên tới 40 tỷ NDT (gần 7 tỷ USD). Mặc dù hoành hành ngang ngược tại tỉnh Tứ Xuyên, nhưng Công an Bắc Kinh lại là nơi đầu tiên phát hiện ra các hành vi phạm tội của băng nhóm Lưu Hán.
----------------------------------
Những thủ đoạn tinh vi xảo quyệt và tàn bạo mà Lưu Hán sử dụng đã giúp hắn trở thành một tên trùm mafia đầy tiền bạc và quyền lực. Tuy nhiên hắn không thể lộng hành trong một thời gian dài như thế nếu không xây dựng cho mình được một chiếc ô bảo kê vững chắc từ chính các quan chức địa phương và trung ương. Chiếc ô bảo kê đó được hình thành như thế nào, mời các bạn đón đọc kỳ 3 "Trùm mafia TQ: Chiếc ô bảo kê khổng lồ" vào 0h5 ngày 9/4.