Trụ sở công: Thà bỏ hoang chứ không nhả
Lượng tài sản công hiện nay rất lớn nhưng nếu không quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc khai thác thì nguồn tiền sẽ không chảy vào Nhà nước.
Việc quản lý, sử dụng tài sản công cần phải công khai, minh bạch, phân bổ tài sản công rõ ràng, tránh tình trạng lãng phí hạ tầng, tham nhũng tài sản công. Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) đã nêu quan điểm như thế tại buổi thảo luận tổ QH về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) diễn ra sáng 31-10.
Bỏ hoang cả chục năm, không chịu cho xây trường học
Dẫn chứng cho tình trạng sử dụng trụ sở làm việc của các bộ, ngành trung ương, bà Tâm cho hay Chính phủ đã từng có ý tưởng xây dựng trụ sở hành chính tập trung các văn phòng đại diện phía Nam của các bộ, ngành tại TP.HCM nhưng các bộ không đồng ý vì ai cũng muốn xây trụ sở riêng.
Theo bà Tâm, có nhiều trụ sở các cơ quan đại diện bộ/ngành trung ương ở phía Nam bỏ trống không phải hai năm mà mấy chục năm không làm gì cả nhưng không thu hồi được. Bà Tâm cho hay HĐND TP.HCM đi giám sát thấy thực tế này và đề nghị thu hồi để làm bệnh viện, trường học nhưng không được. Kể cả khi thành phố đưa đất, ứng vốn để xây dựng, rồi sau đó đề nghị giao lại trụ sở bỏ phí này cũng không được cơ quan chủ quản đồng ý.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) dẫn chứng thêm: “Tôi nhớ có trường mẫu giáo ở quận 5 xuống cấp trầm trọng, trong khi đó có những trụ sở của bộ, ngành đóng tại TP.HCM lại bỏ trống. Hay như trên địa bàn quận 8 có hàng loạt nhà kho, bãi ven sông thuộc quyền quản lý của bộ, ngành đang để lãng phí, gây ô nhiễm môi trường. Nhiều lúc địa phương đề xuất điều chuyển, thu hồi đất để xây dựng hạ tầng phục vụ dân sinh nhưng các bộ, ngành gây khó khăn, rồi phải thông qua Bộ Tài chính nên TP.HCM cũng bó tay” - vị này nêu thực tế.
Trước thực trạng trên, ông Trần Hoàng Ngân đề xuất nên giao lại cho lãnh đạo địa phương thẩm quyền điều chuyển tài sản công nhiều hơn. Bởi họ là những người hiểu địa bàn nên sẽ thuận tiện theo dõi, giám sát việc quản lý sử dụng tài sản công cũng như đưa tài sản công sử dụng đúng mục đích, hợp lý.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân: “Nợ công đang tăng cao, áp lực trả nợ đến hạn đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải thống nhất việc sử dụng tài sản công một cách tiết kiệm, hiệu quả nhất”. Ảnh: TRÀ PHƯƠNG
Sử dụng kém hiệu quả, thất thoát
Về việc quản lý tài sản công, ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng hiện nay nợ công đang tăng cao, áp lực trả nợ đến hạn, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải thống nhất việc sử dụng tài sản công một cách tiết kiệm, hiệu quả nhất. Ông Ngân đề nghị Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) cần quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu quản lý tài sản công bởi hiện nay sử dụng tài sản công đang phân tán.
ĐBQH Văn Thị Bạch Tuyết (TP.HCM) đề nghị cần phải công khai đầy đủ tài sản công bao gồm cả phần diện tích đất do cơ quan nào quản lý, ai đang sử dụng. Bởi theo bà Tuyết, tài sản công đang tồn tại dưới cơ chế hợp tác, liên kết giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. “Nhìn qua cứ nghĩ đó là phần đất của doanh nghiệp nhưng khi cơ quan chức năng vào kiểm tra mới biết đó là đất công. Trách nhiệm của Bộ Tài chính là phải công khai đầy đủ tài sản công (ngoại trừ những hạng mục thuộc bí mật an ninh quốc gia)” - ĐB Tuyết kiến nghị.
Theo Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, tài sản công ở ta là rất lớn nhưng việc sử dụng lại hết sức kém hiệu quả, lãng phí, chưa kể bị lợi dụng kinh doanh và không kiểm soát được. “Có tình trạng rất nhiều đơn vị sự nghiệp sử dụng tài sản công vào kinh doanh, làm thêm nhưng số tiền này không ai quản lý được”. Ông Hiển nói thế và cho rằng tài sản công nếu đem ra kinh doanh đều phải được kiểm soát ở nhiều góc độ khác nhau, nếu không tài sản công lớn, khai thác rất mạnh nhưng tiền không vào Nhà nước.
Phải thống nhất mô hình khu hành chính tập trung ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng dự thảo luật đang quy định “nước đôi” về khu hành chính tập trung và trụ sở độc lập. Bà dẫn chứng trường hợp tòa tháp hành chính của TP Đà Nẵng, khi xây tòa tháp hành chính, làm việc tập trung thì nói rất hay nhưng tới khi muốn bỏ lại nêu lý do “không đảm bảo kỹ thuật”. “Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm khi 2.000 tỉ đồng ngân sách đã bỏ ra xây trụ sở hoành tráng như vậy?” - ĐB Khánh đặt câu hỏi. Từ thực tế này, ĐB Khánh đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan phải ngồi lại để xây dựng mô hình khu hành chính tập trung áp dụng chung cả nước. “Công sở nhà nước thì phải hướng đến cái chung, đồng bộ. Ở Malaysia, tám bộ làm việc tập trung ở tháp đôi, mình mỗi bộ một nơi” - ĐB Khánh dẫn ví dụ. Khoán điện thoại, nhà công vụ... Sáng 31-10, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày trước QH về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi). Theo đó, dự thảo đã bổ sung một số hình thức mới trong đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng, xử lý tài sản công. Trong đó việc khoán kinh phí sử dụng tài sản được áp dụng đối với nhà công vụ, ô tô phục vụ chức danh và ô tô phục vụ công tác chung của cơ quan nhà nước; điện thoại công vụ tại nhà riêng, điện thoại di động và các tài sản khác theo chế độ quản lý, sử dụng đối với từng loại tài sản công do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. ______________________________ 281.000 tỉ đồng, đó là tổng trị giá tài sản tại các cơ quan nhà nước nhưng không rõ trong đó cụ thể bao nhiêu trị giá nhà đất, xe công… |