Trong Việt phủ Thành Chương có những gì?
Việt phủ Thành Chương có địa chỉ tại dốc Dây Diều, xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội, nằm trong khuôn viên khoảng 8.000m2. Tính từ trung tâm Hà Nội, quãng đường đến Việt phủ khoảng 35km.
Họa sỹ Thành Chương đã bỏ rất nhiều tiền bạc, tâm sức để sưu tầm hiện vật, thiết kế, xây dựng nên một công trình mang đậm nét văn hóa của làng quê Bắc bộ - Ảnh: K.Linh
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, trong khuôn viên này gồm 30 điểm lớn nhỏ bao gồm những công trình kiến trúc mang đặc trưng văn hóa và tâm linh của người Việt. Từ cổng chính đi vào, ngay phía bên phải là một gian nhà mô phỏng nhà hàng Việt phủ (chủ yếu để giới thiệu các thông tin về Việt phủ), trước mặt nhà hàng là sân khấu rối nước.
Trong số các công trình nằm trong quần thể Việt phủ, có thể kể đến Lầu Mạc Hương, nằm bên cây cầu đá cổ Nam Định. Phía bên trái là hầu hết các phòng ở cá nhân, bao gồm phòng khách và khu riêng bí ẩn của gia đình họa sĩ Thành Chương được xây ngầm dưới mặt đất. Tầng trên của ngôi nhà là một gian nhà cổ hơn 200 năm tuổi.
Tiếp đó là một ngôi nhà sàn mới được sưu tầm, sau khi ngôi nhà sàn Mường 100 năm tuổi đã bị thiêu rụi do một du khách hút thuốc lá khi tham quan vào năm 2013. Ở dưới nhà sàn là phòng chiếu phim lịch sử về Việt phủ. Đứng trên nhà sàn, du khách có thể nhìn thấy Tháp Sơn Tinh và hồ bán nguyệt.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2006, Phủ Thành Chương có nguồn gốc đất quy hoạch là đất rừng đặc dụng, trước đây HTX giao cho ông Lưu Văn Sỹ quản lý bằng sổ lâm bạ. Đến năm 2001, ông Sỹ bán cho ông Nguyễn Thành Chương (có giấy xác nhận của xã). Sau khi mua, ông Chương đã xây dựng công trình kiên cố, suốt quá trình xây dựng chỉ một lần chính quyền xã phạt 10 triệu đồng (phạt cho tồn tại). |
Nằm ở trung tâm khu Việt phủ là Nhà Thanh Tĩnh - ngôi nhà cổ lớn làm bằng gỗ lim với tuổi đời 200 năm. Đây vốn là một nhà thờ họ của người Công giáo ở Nam Định đã được họa sĩ Thành Chương chế tác lại. Phía trong ngôi nhà trưng bày bộ sưu tập đồ gốm, đồ gỗ cổ của chủ nhân. Phía sau Nhà Thanh Tĩnh có một khu nhà tranh vách đất. Ngay bên cạnh đó là một khu quần thể Điện Mẫu, đền thờ Đức Thánh Trần, bàn thờ Mẫu, Tháp Thiên Hương... mô phỏng những kiến trúc dân gian.
Tiếp theo là Nhà Tường Vân, tiêu biểu cho ngôi nhà cổ của tầng lớp thượng lưu ở kinh đô Huế thời Nguyễn. Tại hậu cung, tầng 1 của tòa nhà là “Không gian trắng Kim Lân”, được họa sĩ Thành Chương dựng lên để báo hiếu cha là nhà văn Kim Lân. Dẫn vào nhà tưởng niệm là một chiếc cổng làng nhỏ, một khoảng sân... Tiếp đó là Nhà Đại khoa, được làm bằng gỗ xoan, dựng theo kiểu nhà cổ đặc trưng vùng đất Bắc Ninh, dành cho những người đỗ đạt, thành danh trong xã hội xưa.
Đáng chú ý, thay vì bán vé, Việt phủ tổ chức bán sách “Việt phủ Thành Chương” (giới thiệu thông tin về Việt phủ) cho du khách với mức giá 150 nghìn đồng, người cao tuổi và trẻ em có mức giá 130 nghìn đồng (trẻ nhỏ cao dưới 1,1m được miễn phí).
Một nhân viên bán sách cho biết, du khách tới Việt phủ đông nhất vào các ngày cuối tuần, trong đó có rất nhiều khách nước ngoài. Các dịp lễ, Tết, có thời điểm Việt phủ cùng lúc đón cả nghìn người đến tham quan.
PV cũng đã liên hệ với họa sĩ Thành Chương để tìm hiểu thêm thông tin, tuy nhiên ông Chương từ chối và cho biết “thời điểm này chưa thích hợp”.
Chiều 4/12, bên lề Kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội, Bí thư huyện ủy Sóc Sơn Phạm Xuân Phương cho biết, sau phát biểu của...