Trồng hoa anh đào ở Hà Nội có thực sự phù hợp?

Hà Nội đã từng 2 lần nhận và trồng hoa anh đào Nhật Bản với số lượng hơn 1.500 cây. Tuy nhiên đến nay, phần lớn các cây anh đào đó đã chết. Những cây còn sống thì phát triển chậm hoặc không ra hoa.

Chiều 15.2, trong cuộc họp giao ban Thành ủy Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội có thông tin, Nhật Bản đề nghị tặng Hà Nội 200 cây hoa anh đào trồng vào dịp Lễ hội hoa anh đào dự kiến tổ chức từ ngày 20-21.3 sắp tới.

Chủ tịch Hà Nội cho hay, phía Nhật Bản đã tìm hiểu và thấy rằng hoa anh đào vùng Đông Bắc Nhật Bản khá phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết tại Hà Nội.

Ngày 17.2, trao đổi với phóng viên, ông Vũ Khắc Liên – Chủ tịch Hội giao lưu văn hóa Việt-Nhật cho biết, đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội nhận và trồng thử hoa anh đào Nhật Bản trên đất nội thành.

“Phía Nhật Bản đã từng tặng cây 2 lần cho thành phố Hà Nội. Những lần trước đó, hoa được trồng ở một số địa điểm như công viên Hòa Bình, công viên Thống Nhất, Đại sứ quán Nhật Bản trên đường Liều Giai (quận Ba Đình)… nhưng đều chết hoặc phát triển chậm hoặc không ra hoa”, ông Liên cho hay.

Trồng hoa anh đào ở Hà Nội có thực sự phù hợp? - 1

Hoa anh đào trồng ở Hà Nội khó ra hoa vì không hợp khí hậu (ảnh minh họa:Tất Định)

Theo ông Liên, lần thứ nhất, Tập đoàn Mitsui tặng hơn 1.000 cây hoa anh đào nhân chuyến thăm Nhật Bản của Tổng Bí thư Đỗ Mười vào tháng 1.1996. Cây được tiếp nhận làm 2 đợt vào tháng 2.1996 và tháng 1.1997 do Công ty Công viên cây xanh (nay là Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Công viên cây xanh) tiếp nhận trồng, chăm sóc và quản lý.

Sau khi tiếp nhận, hoa anh đào được công ty trồng ở một số địa điểm như: Sở Kinh tế Đối ngoại, Đại sứ quán Nhật Bản, bán đảo Phong Lan trong Công viên Thống Nhất, vườn hoa Hoàn Kiếm, vườn hoa Chí Linh, Công viên Bách Thảo… Tuy nhiên, đến khoảng tháng 2.1997, hơn một nửa số cây hoa anh đào đã bị chết. Những cây còn lại cũng phát triển chậm và không ra hoa.

Lần thứ hai, Hội hữu nghị Nhật Việt khu vực Chukyo tặng Hà Nội hơn 500 cây hoa anh đào vào tháng 2.2012. Những cây hoa anh đào này được UBND TP. Hà Nội giao Vườn thú Hà Nội trồng và chăm sóc tại công viên Hòa Bình.

Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Thị Thu Dung (Giám đốc Xí nghiệp số 6, trực thuộc Vườn thú Hà Nội) cho biết: Năm 2012, đơn vị có nhận 500 cây hoa anh đào từ thành phố Hà Nội về trồng ở công viên Hòa Bình. Tuy nhiên đến nay, số lượng cây hoa anh đào ở công viên chỉ còn hơn 300 cây.

Chị cho hay: “Dù đã được các kỹ sư Nhật Bản hướng dẫn cách trồng và chăm sóc kỹ lưỡng nhưng sau đó, cây vẫn chết nhiều. Họ có mang cây sang trồng bổ sung và phân bón riêng nhưng cây phát triển chậm, chết rải rác”.

Chị Dung cũng cho biết thêm, sau khoảng 4 năm trồng, hiện nay các cây hoa anh đào ở công viên Hòa Bình chỉ phát triển với đường kính khoảng 1cm. Một số cây trong đó đã nở hoa nhưng với số lượng ít và lác đác.

Tiến sĩ Đặng Văn Hà – Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Nội thất (Đại học Lâm nghiệp) cho biết, cây hoa anh đào Nhật Bản phù hợp với khí hậu lạnh, nhiều ánh ánh sáng và đất phải thoát nước tốt.

“Cây hoa anh đào có sức sống rất mạnh mẽ. Mùa hè hơn 40 độ C, cây vẫn sinh trưởng tốt. Tuy nhiên, để cây có thể ra hoa thì mùa đông phải có một quãng thời gian vài tháng nhiệt độ lạnh từ 0-5 độ C”, tiến sĩ Hà nói.

Theo ông Hà, đất ở Hà Nội nếu làm đúng kỹ thuật, cây hoa anh đào có thể phát triển bình thường. Tuy nhiên, khí hậu mới là thứ quyết định sự ra hoa của cây. Do cây ưa lạnh nên với khí hậu Hà Nội như hiện nay thì cây không thể ra hoa.

Ông Hà cho biết thêm, ở một số vùng như Ba Vì, Sa Pa, Đà Lạt… cây hoa anh đào Nhật Bản đã được trồng và phát triển rất tốt. Đến mùa, hoa nở rất nhiều và đẹp bởi, khí hậu ở những nơi đó thấp, có mùa đông lạnh. Nhiệt độ phù hợp cho cây tích lũy dinh dưỡng để ra hoa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN