Trở về sau 46 năm vụ thảm sát Khánh Giang- Trường Lệ

Trưa 17-4, anh Nguyễn Sang, người sống sót và lưu lạc từ sau vụ thảm sát năm 1969 do đơn vị lính Mỹ thuộc lực lượng Tiger Force (Mãnh Hổ) gây ra, đã trở về quê nhà sau 46 năm biệt tích. Vụ thảm sát xảy ra ở Khánh Giang - Trường Lệ, xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi.

Bà con trong làng đến thăm nhà anh đông nghịt. Anh Sang hết đứng lại ngồi, đôi mắt vui mừng của ngày đoàn tụ thoáng chốc lại đỏ hoe...

Trở về sau 46 năm vụ thảm sát Khánh Giang- Trường Lệ - 1

Anh Sang, người sống sót trở về sau 46 năm kể từ vụ thảm sát Khánh Giang - Trường Lệ, vui mừng gặp lại bà con nơi quê nhà. Ảnh: VQC

Sống sót

Sau khi thắp hương lên bàn thờ mẹ ở ngôi nhà của người em gái, anh Sang tất tả cùng người thân ra khu vực thảm sát bên mé vườn nhà ông Thủy. Tay run run bật quẹt đốt hương thắp trên ngôi mộ chôn chung của bà nội và cô em gái Nguyễn Thị Liễu và những ngôi mộ chôn chung người làng đã khuất trong vụ thảm sát, anh thì thầm: “Nội ơi, em ơi. Bà con ơi. Thế là con đã về với nội, với em, với quê hương, với bà con chòm xóm. Con về rồi đây, bằng xương bằng thịt, bằng tất cả lòng mình mà mọi người đã đi xa ngái...”.

Lặng đi một hồi lâu, anh đưa tay chỉ qua phía bên kia tỉnh lộ 623B - nối TP Quảng Ngãi - Nghĩa Hành - Ba Tơ rồi nói: “Tôi nhớ mà. Cái ngày hôm đó, lính Mỹ sau khi vào làng, chúng đốt nhà, bắn giết trâu bò, gà heo. Bà con thấy vậy chạy xuống hầm trốn. Lính Mỹ đã đến từng nhà chĩa súng buộc lên trên rồi gom nhiều người thành từng điểm, phát đồ hộp cho ăn. Rồi đến tầm 3 giờ chiều, đột nhiên chúng xả súng bắn...”.

Sau nhiều loạt súng, thi thể của bà con vắt trên bờ tre, ruộng lúa. Nhìn đâu cũng thấy máu và máu. Nội vội lấy thân che cho hai anh em anh Sang. Rồi tiếp theo sau, nhiều phát súng và lựu đạn nổ, nội đã ngã xuống. Anh Sang hoảng quá, ngã theo nội và ngất đi trong mớ xác người...

Sớm ra, anh Sang tỉnh lại, nhìn quanh đống xác người và nghe tiếng rên, rồi em của anh Sang là bé Liễu (mới bốn tuổi) thấy anh nó gào lên giọng khản đặc: “Đau, đau quá anh”. Bé Liễu bị thương ở tay, máu ra nhiều.

Cùng lúc đó, anh Sang thấy trong đống xác người có một người lớn tuổi hơn anh, thân hình cũng đầy máu me - mà bây giờ anh nhớ lại là chị Nguyễn Thị Đa, cũng là một người làng sống sót được phát hiện ngay sau vụ thảm sát, bảo: “Này em, mình cùng chạy qua mé đồi lên núi Lớn, biết đâu sẽ có người lớn cứu”. Nhưng tình huynh đệ đã trỗi dậy trong anh - đứa trẻ mới lên bảy tuổi. “Không chạy được. Chạy thì ai cứu bé Liễu đây?” - anh Sang nghĩ thế.

Một lát sau, anh Sang nghe nhiều tiếng nói lồ xồ của những người lính Mỹ. Rồi ngay lập tức anh bị kéo đi và đưa lên máy bay trực thăng đậu gần đó chuyển về sân bay Gò Hội dưới quận lỵ Đức Phổ.

... Và lưu lạc

Về quận lỵ Đức Phổ, cách thôn Trường Lệ, xã Hành Tín Đông chừng 15 km đường chim bay, anh Sang được đưa đến Cô nhi viện Đức Phổ. “Ở đó có núi Vàng, có ông cha đạo tên Bích” - anh Sang kể. Nhiều người đã hỏi họ tên nhưng anh không nhớ rõ họ của mình nên một cái tên khác được đặt cho anh là Lý Chí Hùng, sinh năm 1965, nhỏ hơn tuổi thật của anh ba tuổi. Ở đó được vài năm, anh được chuyển vào cô nhi viện ở Vũng Tàu mà bây giờ theo anh là gần sân bay Vũng Tàu cũ.

Sau năm 1975, anh Sang được cha đạo người Pháp mà mọi người thường gọi là cha Huy đưa về nuôi ăn học ở khu vực Bãi Dâu, TP Vũng Tàu. Nhưng sau đó một năm, cha Huy về Pháp, anh Sang bắt đầu cuộc đời lang thang ở Ấp Đông, xã Hòa Long, TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Hết chăn bò lại tập tành cày ruộng cho ông Tám Ca và nhiều người chủ khác. Nhiều thanh niên ở Hòa Long thấy anh Sang hiền lành như đất, quanh năm suốt tháng hết làm thuê cho chủ này đến chủ khác và như chẳng biết một nụ cười. Thương cái thằng hiền lành, chăm chỉ mà tứ cố vô thân, một chủ nhà tốt bụng đã gả con gái cho anh, rồi cho đất cất nhà. Cuộc đời anh ấm áp hơn từ đó. Cho đến giờ vợ chồng anh đã có hai con.

Tìm quê

Cũng những năm làm thuê khi chưa có vợ con, có những đêm nằm trong ký ức lờ mờ anh nhớ: Cha mình mất trước vụ thảm sát một năm, còn mẹ trong ngày xảy ra vụ thảm sát đã đi chợ nên không biết có bị giết không. Rồi bé Liễu chẳng biết có còn sống hay không nữa. Suy nghĩ chán rồi tự vấn với bản thân mình: Mình cũng có mẹ, có cha, có quê, có bà con họ hàng nên dứt khoát phải tìm lại quê nhà.

Nhưng tìm quê bắt đầu từ đâu là câu hỏi lớn không có lời giải đáp.

Anh thấy giận và thương cho thân mình, một đứa trẻ lên bảy ở quê nhà chiến tranh chưa được học hành, chưa ra khỏi làng nên chẳng thể nhớ được tên làng tên xóm mà chỉ nhớ được tên của người thân trong gia đình mà thôi. Một đêm và nhiều đêm anh Sang nằm nghĩ như thế. Nhưng rồi sớm ra anh lại quăng quật trên đồng, hết làm thuê cho chủ này lại làm thuê cho chủ khác. Cho đến một hôm, tình cờ anh xem tivi đưa tin về vụ thảm sát Sơn Mỹ (nay thuộc xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi) có đưa những bức ảnh quân đội Mỹ gom người rồi xả súng. Anh bừng tỉnh: “Biết đâu quê mình là Sơn Mỹ. Biết đâu về đó mình tìm được người thân và nếu người thân không còn thì cũng còn bà con chòm xóm”.

Thế là đầu năm 1989, anh tất tả đón xe đò về Quảng Ngãi tìm đến Sơn Mỹ. Anh dõi mắt nhìn những bức ảnh trong khu chứng tích để may ra nhận ra được người thân. Nhưng rồi hết cái tên này đến cái tên khác trong danh sách người bị thảm sát, hết bức ảnh này đến bức ảnh khác treo trong khu chứng tích, anh không hề nhận ra ai.

Anh bỏ cả ngày đi khắp làng quê Sơn Mỹ hỏi thăm có ai tên Thừa có con tên Liễu bị chết trong vụ thảm sát không. Nhưng đáp lời anh là những cái lắc đầu nên anh ngậm ngùi quay lại Bà Rịa. Còn vợ anh Sang - chị Võ Thị Ngọc Thu kể: “Cũng có những đêm nằm anh thở dài thườn thượt rồi nói: “Anh sẽ trở lại quê””. Nhưng quê ở đâu anh không hề biết. Anh chỉ nói được tên mẹ và tên em. Thương chồng, chị Thu cũng lặng tiếng thở dài...

Về với quê nhà

Anh Sang kể năm 2005 khi biết VTV có chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly, anh hy vọng qua chương trình sẽ tìm được người thân nên đánh bạo viết thư gửi chương trình. Nhưng rồi những thông tin ít ỏi của anh, chương trình chưa thể hồi đáp. Thế rồi năm 2014, sau chương trình có những thông tin vắn tắt tìm người thân của anh với đôi dòng ngắn ngủi về tên anh là Sang tìm mẹ tên Thừa và em tên Liễu bốn tuổi bị thương trong vụ thảm sát.

Thật bất ngờ, chị Lê Thị Mân (ở quận 6, TP.HCM), chị con dì anh Sang, xem được. Chị Mân kể: “Tui nghe đọc đến cái tên đó mừng đến bủn rủn cả người, vội hét to làm cả nhà toáng lên: “Ơ! Vậy chắc là thằng Sang còn sống rồi. Tìm được rồi. Vậy mà dì Thừa (tức bà Nguyễn Thị Thừa - mẹ anh Sang) đã mất không kịp nhìn con”.

Nghe tin ngày hôm trước, ngày hôm sau chị tất tả tìm đến Đài VTV ở TP.HCM và gọi điện thoại về cho người em gái của anh Sang ở quê nhà. Cuộc gặp mặt người thân của chương trình Như chia hề có cuộc chia ly vừa qua, anh Sang được hội ngộ trong nước mắt và trong nụ cười. Cuộc gặp mặt ấy đã là chỉ dấu để anh Sang cùng vợ con và chị Mân trở lại quê nhà Khánh Giang - Trường Lệ sau 46 năm xa cách.

Theo địa chí Quảng Ngãi: Vụ thảm sát Khánh Giang - Trường Lệ, xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành do đơn vị lính Mỹ thuộc lực lượng Tiger Force (Mãnh Hổ) gây ra ở ba địa điểm gồm: Gò Đập Đá, vườn nhà ông Xu và mé vườn nhà ông Thủy.

Còn theo những người dân địa phương, những năm 1969, quân đội Mỹ đóng quân ở khu vực sân bay Gò Hội, quận Đức Phổ, bị quân ta liên tục tấn công nên Mỹ sử dụng máy bay và những toán lính đặc nhiệm để truy tìm và họ đã gây nên vụ thảm sát Khánh Giang - Trường Lệ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Võ Quý/Pháp luật TP.HCM
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN