Trở lại Hòa Phước sau vụ ô tô lao vách núi
Với thầy cô và các em học sinh Trường Tiểu học số 2 Hòa Phước (huyện Hòa Vang, TP Ðà Nẵng) thì năm nay là một “mùa phượng buồn”. Vụ TNGT thảm khốc ngày 7/6 vừa qua đã làm 3 cô giáo của trường vĩnh viễn ra đi. 11 thầy cô giáo may mắn thoát chết cũng đang phải vật lộn với những chấn thương khủng khiếp để có thể trở lại bục giảng.
Chúng tôi trở lại Hòa Phước vào những ngày cuối tháng 7/2013. Gần hai tháng trôi qua từ sau vụ TNGT thảm khốc, trên khuôn mặt những thầy, cô giáo ở ngôi trường hiền hòa này vẫn in hằn nỗi bàng hoàng đau xót. Thầy hiệu trưởng Trần Sơn nghẹn ngào: “Đây là nỗi mất mát quá lớn đối với nhà trường. Những giáo viên vĩnh viễn ra đi cũng như những người chưa gượng dậy nổi bởi những vết thương trên mình đều là những giáo viên nhiều năm tận tụy trên bục giảng”.
Trường Tiểu học số 2 Hòa Phước tọa lạc bên con đường bê tông nhỏ, giữa vùng quê yên bình ở ngoại thành Đà Nẵng. Ngày 7/6, chiếc xe khách BKS 43S-6320 chở đoàn tham quan du lịch gồm CBGV nhà trường và một số người nhà của các thầy cô đang trên hành trình từ Đà Lạt xuống Nha Trang thì xảy ra tai nạn tại đèo Hòn Giao. Vụ tai nạn thảm khốc đã cướp đi sinh mạng 7 người. Trong đó có 3 cô giáo, 3 người thân của các cô giáo và tài xế. 22 người còn lại đều bị trọng thương phải nhập viện cấp cứu. Sự kiện này đã làm rúng động TP Đà Nẵng cũng như cả nước.
Cô giáo Đinh Thị Thu Thủy hiện vẫn đang phải vật lộn với những chấn thương khủng khiếp sau tai nạn tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng
Chuyến đi xa lần đầu tiên trong đời của nhiều giáo viên đã kết thúc bằng cảnh những người chồng, những đứa con thơ và người thân trong gia đình “đón về” trong tang tóc. Những người may mắn thoát chết thì đang phải vật lộn với những chấn thương trên mình.
Ngày 16/7/2013, chúng tôi có dịp tiếp xúc với những nạn nhân đang còn điều trị. Cô giáo Võ Thị Kim Anh, do bị gãy tay trái và gãy xương đùi chân trái, nên mọi sinh hoạt cá nhân phải cần đến sự hỗ trợ của người thân. Được điều trị tại Bệnh viện Khánh Hòa hơn nửa tháng, sau khi phẫu thuật gắn ốc vít vào tay và đùi, cô được chuyển về Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Hiện, tay trái cô đã cử động nhẹ được, nhưng muốn ngồi dậy cũng phải có người giúp.
“Trước khi xe bị tai nạn, tôi đang lơ mơ ngủ thì thấy mùi khét, cảm giác như xe đang chạy nhanh, nhưng tài xế bảo cứ yên tâm, không có vấn đề gì. Sau đó tôi lại thiếp đi, khi tỉnh lại tôi hoảng hốt thấy mình nằm trong bệnh viện”, cô Kim Anh chưa hết bàng hoàng.
Tại Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, chúng tôi gặp cô giáo Đinh Thị Thu Thủy đang nằm điều trị. Ngoài bị gãy tay trái, nứt xương chậu và 7 xương sườn, cô Thủy còn bị chấn thương lá lách và thận. Sau hơn một tháng rưỡi bó nẹp xương chậu nay đã được tháo ra.
Trường Tiểu học số 2 Hòa Phước
Càng thảm thương hơn khi chồng của cô Thủy là thầy giáo Trịnh Bảy cũng bị trọng thương. Vụ tai nạn đã làm thầy nứt xương sườn, xương chậu, ảnh hưởng thần kinh. Từ sau tai nạn, thầy Bảy bỗng dưng… nói nhiều. Các bác sỹ cho biết, do tâm lý của thầy bị hoảng loạn nên mất cân bằng.
Cô giáo Bùi Thị Hoài Bắc
Cô giáo Bùi Thị Hoài Bắc - người bị văng ra khỏi xe khi xảy ra vụ tai nạn, nay vẫn còn trong tình trạng cần người nâng đỡ. Cô bị chấn thương đầu phải khâu mười mấy mũi, gãy xương vai trái đã phẫu thuật và bị dập gan gây liệt toàn thân. Sau hơn một tháng chữa trị, bây giờ tay cô đã có thể cử động nhẹ nhưng thị lực thì rất yếu.
“Hôm nhà trường đi tham quan tôi định không đi, phần vì sợ say xe, phần vì đứa con gái chuẩn bị thi đại học. Nhưng chẳng còn mấy năm nữa tôi nghỉ hưu nên các thầy cô và gia đình động viên nên đi. Nào ngờ…” cô Hoài Bắc rùng mình kể lại rồi rưng rưng: “Năm nay chắc là trường thiếu giáo viên lắm, tôi ước sao sớm bình phục để được trở lại đứng trên bục giảng”.
Cô giáo Kim Anh và con gái Kim Quyên
Ước ao của cô giáo Hoài Bắc cũng là ước ao của các thầy, cô giáo đang vật lộn với nỗi đau thể xác cũng như tinh thần. Ông Lê Thành Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phước xúc động đưa cho chúng tôi xem bức ảnh tập thể đoàn tham quan của Trường chụp tại Đà Lạt. Bức ảnh được ép nhựa cẩn thận và lưu giữ tại UBND xã. Nhìn những khuôn mặt tươi vui rạng ngời trong ảnh, không ai có thể ngờ rằng đó là bức ảnh cuối cùng của đoàn tham quan trước khi vụ tai nạn thảm khốc xảy ra làm nhiều người vĩnh viễn không về nữa.
Thầy Sơn cho biết để có được kinh phí cho chuyến du lịch, 3 năm qua, các thầy cô giáo phải trích mỗi tháng 100.000 đồng từ tiền lương của mình. Nhiều giáo viên còn nhường suất đi du lịch cho người thân, hoặc gom góp thêm để cho mẹ, cho con… được đi cùng. Suốt hành trình, mọi người rất háo hức và luôn liên lạc với gia đình kể về chuyến đi. Thế nhưng định mệnh thật nghiệt ngã.
Mặc dù hiện nay, bản thân và gia đình những người gặp nạn đã nhận được nhiều sự giúp đỡ của các cơ quan, đoàn thể, nhưng với nhiều thầy cô, những nỗ lực để có thể sớm trở lại bục giảng hẳn sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn phía trước, và vẫn còn cần lắm những tấm lòng!