Trở lại “chén vàng” ở miền Bắc, nơi người dân giăng đèn xuyên đêm đi nhặt vàng

Sự kiện: Tin nóng

Khi màn đêm buông xuống, dòng người nối đuôi nhau dài hàng cây số, ai cũng cầm theo những chiếc đèn dầu, đèn bão ra suối nhặt vàng.

Trở lại “chén vàng” ở miền Bắc, nơi người dân giăng đèn xuyên đêm đi nhặt vàng - 1

Những ngọn núi đá trùng điệp ở Kim Bôi (Hòa Bình) chứa nhiều vàng khiến nạn “vàng tặc” hoành hành một thời gian.

Kim Bôi - “Chén vàng” ở miền Bắc

Anh Toàn, 48 tuổi, quê ở huyện Kim Bôi (Hòa Bình) – một người bạn, người anh tôi tình cờ gặp ở Hà Nội. Trong một lần “chén chú, chén anh”, tôi được nghe anh kể về nơi anh sinh ra, vùng đất lắm vàng nhiều của nhưng đời sống người dân vẫn còn khó khăn.

Anh Toàn kể, hồi anh còn nhỏ đã từng chứng kiến người dân quê anh đi làm vàng rất nhiều. Người không đi đào, đãi thì đi mót (nhặt) với hy vọng có lộc. Bố mẹ anh cũng từng giăng đèn dầu xuyên đêm, đi dọc các con suối với hy vọng sẽ thấy một ánh sáng lóe lên dưới lớp đất đá.

Trở lại “chén vàng” ở miền Bắc, nơi người dân giăng đèn xuyên đêm đi nhặt vàng - 2

Những con suối chỉ còn trơ sỏi do đã bị đào bới và sàng sảy hết đất, cát tìm vàng.

“Hồi ấy, trong hang, trong núi người ta bảo kê hết. Tiếng máy nổ, máy xúc, máy hút… vang vọng cả một vùng. Người dân chỉ đi mót lại ở ven suối với hy vọng nhặt được vài mẩu vàng cám, bằng hạt đỗ, hạt ngô là may rồi. Trời tối, mang đèn đi soi, nếu có vàng thì nó sẽ ánh lên”, anh Toàn chia sẻ.

Thế nhưng, đó là câu chuyện của những năm 70, 80 thế kỷ trước. Trải qua hàng chục năm, với sự can thiệp của chính quyền, công an, nạn “vàng tặc” đã không còn hoành hành như xưa.

Những ngày cuối năm 2018, tôi tìm về với “chén vàng” Kim Bôi. Từ Hà Nội về Kim Bôi có rất nhiều đường, nhưng con đường nhanh nhất là đi Quốc lộ 21B. Chạy xe qua huyện Thanh Oai, Ứng Hòa và rìa giáp ranh với huyện Mỹ Đức (Hà Nội) rồi cắt ngang đường mòn Hồ Chí Minh, đến ngã 3 Ba Đồi rẽ phải là đến. Quãng đường di chuyển khoảng hơn 80km.

Huyện Kim Bôi trước kia thuộc huyện Lương Sơn, được tách ra từ ngày 17/4/1959. Đây là một huyện miền núi của tỉnh Hòa Bình, vì vậy, đến đây, điều đầu tiên lọt vào tầm mắt của tôi là những dãy núi đá cao vút, trùng trùng điệp điệp.

Kim Bôi nổi tiếng với các suối nước nóng tự nhiên nhưng có lẽ, cái tên của huyện đã nói lên thứ khoáng sản quý giá nhất của vùng. Người dân địa phương phân tích: Kim tức là vàng, Bôi là chén, ly. Vậy Kim Bôi có nghĩa là chén vàng, ly vàng.

Một thời “vàng tặc” lộng hành

Là “chén vàng” của miền Bắc thế nên những năm 80, nạn “vàng tặc” bắt đầu lộng hành ở Kim Bôi. Khắp các hang động, chân núi, đồng ruộng… bị đào xới bởi những phu vàng.

Trở lại “chén vàng” ở miền Bắc, nơi người dân giăng đèn xuyên đêm đi nhặt vàng - 3

Các hố sâu xuất hiện khắp nơi do người dân đào đất tìm vàng.

Bà Dương Thị Tiếp (xã Nam Thượng) nhớ lại, hồi đó, dân tứ xứ đổ về Kim Bôi đào vàng rất đông. Có những bãi vàng đến cả ngàn người, dòng người, xe cộ xếp hàng rồng rắn hàng cây số để đi làm vàng.

“Hễ chỗ nào “đỏ vàng” là người ta đổ xô về khai thác, tìm kiếm. Dân xếp hàng cả cây số, người đào đất, người sàng, người lọc… tiếng máy nổ, máy xúc đinh tai nhức óc”, bà Tiếp nhớ lại.

“Đỏ vàng” là cụm từ người ta dùng để miêu tả nơi có nhiều vàng. Trong đó có xã Sào Báy, xã Mỵ Hòa của huyện Kim Bôi là những nơi dân đào vàng trúng mánh.

Anh Bùi Văn Tĩnh (55 tuổi) ở xã Bình Sơn – hiện đang đi nuôi gà thuê cho một trang trại ở xã Nam Thượng cho hay, khoảng những năm 86-87, người trong làng anh đi đào vàng rất nhiều. Cuộc sống lúc đó khó khăn, thế nên, anh cũng theo mọi người đi đào vàng.

Trở lại “chén vàng” ở miền Bắc, nơi người dân giăng đèn xuyên đêm đi nhặt vàng - 4

Anh Tĩnh – một phu vàng từng đi đào vàng ở khắp Kim Bôi.

Mọi người tập trung thành nhóm nhỏ khoảng 10 người, rồi “đấu thầu” đất của các đầu gấu. Bỏ ra khoảng 300.000-400.000 đồng để “mua” một miếng đất rộng chừng 10m2 rồi đào.

“Được ăn, thua chịu. Nói chung là cũng được một chút nhưng chia nhau và trừ chi phí bỏ ra đào, đãi, ăn uống nhiều ngày trời thì cũng chẳng còn đáng là bao. Quan trọng là thời đó đói với cả người dân không có công ăn việc làm gì nên đi đào vàng”, anh Tĩnh chia sẻ.

Những người trúng mánh có thể kiếm vài chỉ sau mỗi lần đi đào vàng. Hồi đó, vàng rất có giá, vài chỉ vàng có thể sắm được một chiếc xe máy sang. Tuy vậy, chẳng có mấy ai phất lên nhờ vàng.

“Dân gian quan niệm: “Được bạc thì sang, được vàng thì lụi”. Những người được nhiều thì ăn chơi, cờ bạc… người được ít thì trang trải nợ nần”, anh Tĩnh tâm sự.

Chính anh Tĩnh cũng từng để dành được 5 chỉ vàng hồi cuối những năm 80. Vậy nhưng, đến giờ anh vẫn phải đi nuôi gà thuê bởi, số tiền kiếm được chẳng thấm vào đâu so với số tiền để trang trải cho cuộc sống, sinh hoạt và nuôi vợ con.

Một thời gian sau, khi chính quyền, công an vào cuộc ráo riết, nạn “vàng tặc” ở Kim Bôi lắng dần. Thế nhưng, sau nhiều năm hoạt động rầm rộ, nhiều vùng đất ở “chén vàng” này đã bị đào xới tan hoang.

----------------------------------------------------------

 Nạn “vàng tặc” xuất hiện đã khiến khung cảnh mà thiên nhiên ban tặng cho Kim Bôi bị tàn phá. Mời quý độc giả đón đọc kì 2: Hang Dơi – tuyệt tác thiên nhiên ở Kim Bôi tan tác sau cơn “bão vàng” vào lúc 19h ngày 30/12.

10 phu vàng nhí băng rừng trốn khỏi bãi vàng

10 phu vàng đã băng rừng núi chạy trốn, vì chủ bãi vàng buộc làm việc như lao động khổ sai.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN