Trò chuyện cùng thủ lĩnh “biệt đội giải cứu dưa hấu“
"Trung bình một ngày, mình nhận được vài trăm cuộc điện thoại, vài nghìn tin nhắn trả lời về dưa khiến não luôn trong tình trạng "căng như dây đàn". Những ngày vừa qua, mình cùng các bạn luôn trong trạng thái ăn cùng dưa, ở cùng dưa, ngủ cùng dưa và mơ toàn thấy dưa"...
Đó là tâm sự của anh "Quỳnh dưa hấu" - nickname mà cư dân mạng đã ưu ái đặt cho anh Đặng Như Quỳnh - "thủ lĩnh" khởi xướng phong trào "Mỗi trái dưa - Một tấm lòng" kêu gọi cộng đồng mạng mua dưa hấu ủng hộ đồng bào Quảng Nam.
Gặp anh Quỳnh vào một buổi chiều bận rộn, những cuộc điện thoại, những tin nhắn không ngớt từ nhiều nguồn khác nhau khiến cuộc trò chuyện của anh với phóng viên Dân Việt bị gián đoạn liên tục, tuy nhiên, vẫn đủ hé lộ nhiều điều thú vị về vị "thủ lĩnh dưa hấu" này.
Anh Đặng Như Quỳnh, người được mệnh danh là thủ lĩnh của "biệt đội dưa hấu" đang trả lời tin nhắn của bạn bè trên khắp cả nước hỏi về cách mua dưa.
"Phi vụ mạo hiểm" - vẫn quyết làm!
Xuất phát từ đâu anh có ý tưởng về chiến dịch “Mỗi trái dưa - Một tấm lòng” và anh mất bao lâu để biến ý tưởng thành thực tiễn?
- Một cháu bé bị lũ cuốn trôi trong khi đang tham gia vớt dưa hấu cùng bố mẹ, vài ngày sau mới tìm thấy xác; những nông dân Quảng Nam đang khóc ròng vì lũ lụt tàn phá hoa màu khiến toàn bộ diện tích trồng dưa và trồng thuốc lào bị mất trắng… là những câu chuyện, hình ảnh hết sức cảm động mà mình được nghe kể lại từ một nhóm bạn của mình lúc đó đang đi du lịch ở Quảng Nam.
Cả đêm hôm đó, sau khi nghe câu chuyện từ nhóm bạn, mình thao thức không ngủ được, vắt tay lên trán suy nghĩ về hàng trăm tấn dưa hấu đang ngập trong nước; những người nông dân đang khóc; những trái dưa bị thương lái ép giá chỉ còn 600 đồng/kg và đặc biệt là hình ảnh đứa bé bị lũ cuốn trôi… càng thôi thúc mình phải sớm nghĩ ra điều gì để giúp đỡ bà con ở đó. Nước ngập hết cả dưa, nếu không vận chuyển và tiêu thụ trong thời gian sớm nhất, e không kịp. Ngay ngày hôm sau, chiến dịch bán dưa hấu “Mỗi trái dưa - một tấm lòng” của mình hình thành.
Mình cùng hai người bạn nữa đã lên kế hoạch và bố trí chuyển dưa ra Hà Nội để bán. Mình trả cho bà con tiền mặt trực tiếp với giá 3000 đồng/kg, còn thương lái họ trả cho bà con với giá quá “bèo” 600 đồng/kg với điều kiện là họ sẽ bán sang Trung Quốc sau đó có tiền trả về mới trả cho bà con nông dân. Cả một vụ mùa lam lũ, vất vả mà dưa chỉ bán có 600 đồng/kg, chắc chẳng đủ tiền giống chứ đừng nói đến tiền phân bón, tiền công chăm…
Vì tất cả đều là tiền của cá nhân nên mình không bị phụ thuộc vào đâu cả, tất cả từ ý tưởng cho đến thực tế được thực hiện trong vòng một ngày. Mình nhận được sự hỗ trợ nhiều nhất từ gia đình và bạn bè, đặc biệt là bạn bè trên Facebook và các anh em chiến hữu ở các khu vực trên địa bàn cả nước.
Bỏ tiền túi "ôm" dưa như vậy, liệu ban đầu anh có cảm thấy đây là một "phi vụ mạo hiểm" không? Vì mặc dù xác định đây là việc làm tình nguyện không tình lời lãi, nhưng giả sử dưa không bán được thì quả là lỗ to...
- Mình đã nhờ các bạn mình ở Quảng Nam thống kê số lượng dưa của bà con ở trong đó. Cụ thể, có khoảng 185 tấn và mình trả tiền cả 185 tấn đó cho bà con. Do Quảng Nam là tỉnh không nằm trên tuyến xe chung của cả nước nên mình phải nhờ đến các mối quan hệ, điều xe không từ TP.HCM ra Quảng Nam, sau đó chuyển dưa từ Quảng Nam ra Hà Nội và ngược lại có những xe chuyển từ Hà Nội vào Quảng Nam chở dưa ra. Tức là xe chạy không mất một chiều.
Thực tế mình biết đây là một vụ đầu tư mạo hiểm, đầu tư mà biết chắc chắn là lỗ, mà lỗ nhiều là đằng khác. Nhưng cái lỗ đó là vật chất là tiền bạc, biết là lỗ mà vẫn làm bởi mình nghĩ, mất của cải vật chất nhưng mình đảm bảo là mình được lại thứ khác. Thứ đó không đong đếm được bằng tiền mà đếm bằng tình cảm của bạn bè mình (vừa nói, anh Quỳnh vừa chỉ vào những người bạn đang ngồi xung quanh) - những người tuy bận rộn với hàng tá công việc nhưng vẫn tranh thủ thời gian để giúp đỡ mình. Không chỉ có những người bạn của mình ngồi đây mà mình còn có được tình cảm bạn bè ở các tỉnh khác… những “chủ nợ” đòi dưa mình suốt ngày.
Từ những chuyến dưa đầu tiên hay ngay cả lúc lên ý tưởng mình vẫn luôn nghĩ đến trường hợp dưa có thể không bán được. Nhưng cứ làm đến đâu biết tới đó, nếu xảy ra trường hợp dưa không bán được thì mình sẽ mang số dưa đó lên vùng cao để tặng cho đồng bào miền núi.
"Biệt đội giải cứu dưa" hoạt động liên tục nhiều giờ liền trong chiến dịch "Mỗi trái dưa - Một tấm lòng".
Nghe thì có vẻ trôi chảy nhưng trong quá trình triển khai hẳn là các anh cũng gặp phải những khó khăn?
- Cứu cháy nhà thì phải có lính cứu hỏa. Ngay khi có thông tin dưa bị ngập lụt thì phải tìm ra cách cứu nhanh nhất để giải quyết vấn đề này. Nếu không, dưa sẽ bị đổ bỏ, vứt đi trong một thời gian ngắn sắp tới. Nhưng khi tiến hành mua dưa ở đó thì mình đã gặp phải những khó khăn từ chính chính quyền địa phương với những câu hỏi như: Mua dưa làm gì? Mua để vận chuyển đi đâu? Tại sao lại trả giá là 3000 đồng? Đằng trước, đằng sau có phải là cá nhân hay doanh nghiệp nào có ý định thao túng thị trường không?
Thực tế là ngay trước thời điểm bọn mình tiến hành làm chương trình này thì dưa hấu tại các chợ đầu mối Thủ đô bán mức 18.000-20.000đồng/kg. Nhưng hiện nay giá dưa ở các chợ đầu mối chỉ còn vào khoảng 10.000-12.000đồng/kg thì đúng là mình đã góp một phần nhỏ nào đó để "giảm nhiệt" giá dưa ở Hà Nội.
Ngoài dưa hấu Quảng Nam, cũng có hàng nghìn tấn dưa của bà con tỉnh Quảng Ngãi đang bị thương lái ép giá. Nhóm các anh cũng sẽ "ra tay phen này" chứ?
- Sau chiến dịch cứu dưa Quảng Nam mình và các bạn của mình sẽ tiếp tục thực hiện chiến dịch "Giải cứu 1.000 tấn dưa Quảng Ngãi". Mình đã khảo sát và nắm được dưa ở Quảng Ngãi khá ngon, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu nhưng đến mùa thu hoạch mà thương lái ép giá chỉ 200 - 300 đồng/kg. Thừa thắng chiến dịch vừa rồi, mình cùng các bạn quyết định xông lên "giải cứu" dưa Quảng Ngãi.
Ăn cùng dưa, ngủ với dưa, mơ cũng... toàn dưa
Công việc và sinh hoạt thường ngày của anh bị xáo trộn ra sao trong thời điểm "quay cuồng" với dưa như những ngày qua? Hỏi vui chút là anh có bị vợ trách “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” không?
- Kể từ khi chiến dịch bán dưa hấu bắt đầu, ngày nhiều nhất mình chỉ được ngủ khoảng 4 tiếng. Những ngày dưa về nhiều, mình cùng các bạn gần như thức trắng. Hiện tại, mình đang làm ở một công ty về nhập khẩu ô tô, địa chỉ 11 Nguyễn Xiển để tập kết dưa cũng chính là địa chỉ của công ty mình. Bỏ ra nhiều thời gian như thế này đương nhiên công việc của mình bị ảnh hưởng nhiều rồi. Ngoài ra, mình cũng đang cố thuyết phục cả công ty mình cùng vào "guồng quay" cùng dưa với mình. Thậm chí, có những lúc đơn hàng nhiều, xe dưa về liên tục với cường độ chóng mặt tới mức quá tải, không chỉ mình mà cả công ty mình ăn cùng dưa, ngủ với dưa, mơ cũng toàn dưa.
Chân dung thủ lĩnh của "biệt đội giải cứu dưa". (Ảnh: FB)
Nhưng dù vất vả đến mấy, mỗi lần về nhà mình thấy mọi vất vả như được xua tan đi. Bởi vợ mình là người ủng hộ số một để củng cố thêm sức mạnh cho mình làm công việc thiện nguyện này. Tất cả đều dồn vào dưa, hướng về dưa. Thậm chí có những lúc bận rộn quá mức với dưa, nhóc con nhà mình chắc vài ngày sẽ không được gặp bố.Bạn cứ tưởng tượng một ngày 40 tấn dưa bốc vác lên xuống, con số này rơi vào khoảng mấy chục nghìn quả. May mắn là mình có được sự hỗ trợ của các bạn tình nguyện viên nhưng song song với đó thì người của công ty mình cũng phải tham gia vào đó nên công việc gần như bị trì hoãn lại. Áp lực nhất trong quá trình thực hiện chiến dịch này có lẽ lại chính là những lúc nghe và trả lời điện thoại, tin nhắn. Một ngày mình nhận được vài trăm cuộc điện thoại trả lời về dưa, vài nghìn tin nhắn trả lời về dưa khiến nhiều khi não bị căng như dây đàn.
Tuy rất đông người ủng hộ các anh với chiến dịch này nhưng không khỏi có những băn khoăn về việc liệu những quả dưa "đổ bộ" về Thủ đô có chính xác là "chuẩn" dưa miền Trung hỗ trợ bà con không. Anh đã làm thế nào để chiếm được lòng tin của mọi người?
- Mình bắt đầu chiến dịch này bằng sức lan tỏa của mạng xã hội Facebook thì mình cũng đã chọn cách chứng minh bằng Facebook. Vì vậy, tất cả những việc mà các bạn đầu mối ở trong đó thu gom dưa của bà con như thế nào, trả tiền ra làm sao đều đươc chụp ảnh, ghi địa chỉ rõ ràng, nhập bao nhiêu, bán bao nhiêu, tổng tiền bao nhiêu thì bọn mình nhờ các bạn chụp ảnh, quay clip lại rồi dùng mạng xã hội để mọi người vào đó kiểm chứng, xác thực thông tin. Tại thời buổi công nghệ như thế này thì chỉ cần một cú điện thoại, một cái nhấp chuột là bạn đã có khá nhiều dữ liệu và thông tin rồi.
Anh Quỳnh cùng các các tình nguyện viên kiểm tra chất lượng của dưa hấu.
Có vẻ anh đang "bén duyên" với mặt hàng nông sản, vậy sau chiến dịch dưa hấu này, sắp tới anh có dự định chuyển hướng sang kinh doanh nông sản không?
- Trong thời gian sắp tới, mình chưa có ý định chuyển hướng kinh doanh hay làm gì cả. Nhưng chắc chắn, mình sẽ bàn với những người bạn của mình để có những kế hoạch và giải pháp như xây dựng các nhà máy chế biến hay trung tâm tiêu thụ nông sản để đảm bảo cho nông sản Việt có đầu ra ổn định và bền vững hơn. Bởi theo mình được biết, không chỉ có dưa hấu mà những nông sản khác của bà con cũng đang bị thương lái ép giá.
Anh có thể chia sẻ với bạn đọc Dân Việt một kỷ niệm vui trong suốt chiến dịch tiêu thụ dưa hấu hỗ trợ nông dân miền Trung?
- Chương trình bán dưa của mình bắt đầu được thông báo từ ngày Cá tháng Tư (1.4) nên khi nói là mình sẽ đi buôn dưa thì chẳng ai tin. Ấy thế mà từ chỗ chẳng ai tin đó, chỉ sau vài ngày, mình đã được đóng đinh cái tên “Quỳnh dưa hấu”. Dự kiến trong thời gian sắp tới, khả năng mình sẽ còn có nhiều nickname khác nữa như "Quỳnh ớt", "Quỳnh vải" hay "Quỳnh nhãn" gì đó... (cười hóm hỉnh)
Cảm ơn anh và mong sớm được thấy những "chiến dịch giải cứu" sắp tới của các anh đối với những mặt hàng nông sản khác.