Trò chơi nguy hiểm của TQ trên biển

Việc Bắc Kinh coi sức mạnh trên biển là một mục tiêu quốc gia then chốt và sẵn sàng tranh giành các vùng biển ở châu Á cho thấy nước này sẽ trỗi dậy trong tranh chấp chứ không phải hòa bình.

Trung Quốc đang chơi một trò chơi nguy hiểm: Sử dụng biển cả làm nấc thang để tự chứng tỏ mình là cường quốc hàng đầu khu vực châu Á.

Những vùng biển ở châu Á gần đây không hề lặng sóng. Mới tháng vừa rồi, Việt Nam tố cáo tàu Trung Quốc cố tình đâm thẳng vào tàu cá của ngư dân Việt Nam khiến vỏ tàu cá bị hư hại. Philippines lên tiếng phản đối một tàu chiến và 2 tàu hải giám Trung Quốc xâm phạm lãnh hải của mình.

Còn trên biển Hoa Đông ở phía bắc, tàu công vụ của Trung Quốc lởn vởn quanh nhóm đảo do Nhật Bản kiểm soát năm ngày liên tiếp nhằm khẳng định chủ quyền đối với khu vực mà Nhật Bản tuyên bố thuộc lãnh thổ của họ.

Trò chơi nguy hiểm của TQ trên biển - 1

Tàu Trung Quốc bị tố cáo đâm hư hại tàu cá của ngư dân Việt Nam

Trong vài năm qua, xung đột trên biển của Trung Quốc với các quốc gia láng giềng đã được định hình bằng những vụ tranh chấp nhỏ được kiểm soát như vậy, đó là những lần đối đầu giữa các con tàu, những vụ va chạm tàu biển, bắt giữ ngư dân, trò chơi mèo vờn chuột bằng máy bay trên các vùng lãnh thổ tranh chấp.

Tuy nhiên, mật độ xảy ra các vụ việc này ngày càng dày đặc và tạo nên cái mà các chuyên gia gọi là chiến lược căn bản của Trung Quốc, đó là sử dụng biển cả làm nấc thang để Trung Quốc tự chứng tỏ mình là cường quốc hàng đầu khu vực châu Á.

Trò chơi nguy hiểm của TQ trên biển - 2

Tàu Hải giám Trung Quốc và tàu Cảnh sát biển Nhật Bản trên biển Hoa Đông

Theo các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia an ninh, Trung Quốc đã khởi động một “sứ mệnh” nhằm kiểm soát các vùng biển xung quanh, đó là khuấy động các căng thẳng có thể kéo dài hàng thập kỷ trong khu vực.

Trong bối cảnh các tín hiệu gần đây chứng tỏ rằng thế hệ lãnh đạo mới của Bắc Kinh coi sức mạnh trên biển là một mục tiêu quốc gia then chốt và nước này sẵn sàng tranh giành một vùng biển rộng lớn bắt đầu từ Đông Nam Á tới Nhật Bản và thậm chí là vươn ra cả Thái Bình Dương, các chuyên gia này cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ trỗi dậy trong tranh chấp chứ không phải hòa bình.

Tuy các vụ việc diễn ra gần đây trên biển chưa đến mức kích động bạo lực nhưng chúng lại làm phức tạp thêm môi trường vốn dĩ đã tiềm ẩn quá nhiều rủi ro, một môi trường khu vực mà các quốc gia đang tích cực hiện đại hóa quân đội của mình và không ai chịu xuống thang, làm tăng nguy cơ về một tính toán sai lầm có thể làm bùng nổ một cuộc chiến đẫm máu kéo theo sự tham gia của Mỹ theo hiệp ước phòng thủ ký kết với Nhật Bản và Philippines.

Trò chơi nguy hiểm của TQ trên biển - 3

Tổng thống Philippines Aquino thề sẽ chiến đấu đến người lính cuối cùng để bảo vệ chủ quyền trên biển

Các tranh chấp trên biển ở châu Á hiện nay liên quan đến hơn 6 quốc gia, tuy nhiên các quốc gia khác đều coi Trung Quốc là kẻ khiêu khích cố tình gây sức ép lên những tranh chấp từ lâu vốn đã ngủ yên.

Một báo cáo gần đây của Lầu Năm Góc trước Quốc hội Mỹ khẳng định rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc coi hai thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 là một “cửa sổ cơ hội chiến lược” để mở rộng quyền lực quốc gia không chỉ bằng các tiêu chí kinh tế mà còn bằng khả năng bảo vệ các tuyên bố về lãnh thổ và “giành chiến thắng trong các xung đột tiềm tàng của khu vực.”

Theo các chuyên gia phân tích, ngay cả khi Trung Quốc né tránh xung đột thì sự chuẩn bị kỹ càng cho xung đột của nước này cũng khiến quân đội các nước khác phải phản ứng, mà gần đây nhất là việc Philippines mua sắm tàu chiến. Thậm chí đảng cầm quyền của Nhật Bản hiện nay cũng đang xem xét thay đổi hiến pháp theo chủ nghĩa hòa bình của nước này.

Trò chơi nguy hiểm của TQ trên biển - 4

Tàu chiến Trung Quốc

Trong chuyến công du tới Mỹ hồi tháng 5, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã mô tả tình hình hiện nay trong khu vực là một nghịch lý – một khu vực mà các quốc gia thành viên gắn kết chặt chẽ với nhau về kinh tế nhưng lại ngày càng cảnh giác và gầm ghè lẫn nhau. Bà Park Geun-hye khẳng định: “Việc chúng ta giải quyết nghịch lý này như thế nào sẽ quyết định hình thái trật tự mới ở châu Á.”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Thành (Theo Washington Post ) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN