Trình hai phương án giá dịch vụ khám, chữa bệnh tại bệnh viện công
Dự thảo luật quy định cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân sẽ tự quyết định giá trên cơ sở phương pháp định giá của Bộ Y tế và kê khai giá theo Luật Giá. Đối với cơ sở khám, chữa bệnh nhà nước, hiện vẫn còn 2 luồng ý kiến khác nhau.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai. Ảnh Như Ý
Chiều 4/1, tại họp báo chuẩn bị cho kỳ họp bất thường thứ hai, trao đổi với phóng viên về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi (dự kiến được xem xét thông qua tại kỳ họp này), Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết, theo quy định của dự án luật, Hội đồng Y khoa là tổ chức do Thủ tướng thành lập.
Luật chỉ quy định khung, sau này Chính phủ sẽ báo cáo cơ quan thẩm quyền tổ chức cụ thể về Hội đồng này, không quy định chi tiết. Đây là cơ quan tổ chức kỳ thi độc lập với cơ quan cấp phép và tổ chức đào tạo.
Về vấn đề tài chính bệnh viện, ông Nguyễn Hoàng Mai đánh giá, đây là vấn đề rất khó, đã tiếp thu tối đa các ý kiến để quy định nguyên tắc cơ bản nhất. Sau đó Chính phủ sẽ có các hướng dẫn chi tiết trong các nghị định.
Đối với cơ chế tự chủ bệnh viện, theo ông Mai, dự thảo luật quy định rõ nguyên tắc nhà nước đảm bảo ngân sách chi cho các hoạt động mà Nhà nước giao nhiệm vụ cho bệnh viện. Theo đó, các bệnh viện công khi tự chủ sẽ được tự chủ về tổ chức nhân sự, tổ chức hoạt động chuyên môn và các hoạt động khác.
Về tài chính, dự thảo luật quy định rõ các bệnh viện được tự quyết định nội dung, mức thu những nội dung không phải do nhà nước định giá. Với nguồn thu khi đã thu được rồi các bệnh viện có quyền quyết định sử dụng theo quy định của pháp luật liên quan và Chính phủ quy định chi tiết các nội dung.
Đáng lưu ý, dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp này ghi nhận hình thức xã hội hóa, có chính sách ưu đãi đối với các hình thức xã hội hóa trong lĩnh vực y tế. Đồng thời, dự thảo luật cũng ghi nhận trong dự thảo các hình thức xã hội hóa phổ biến.
Đối với giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, theo ông, nội dung này khó nhất, song dự thảo quy định cụ thể cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh chứ không dẫn chiếu theo Luật Giá.
Dự thảo quy định cụ thể về yếu tố hình thành giá, chi phí cấu thành giá cũng như nguyên tắc định giá và thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước trong việc ban hành phương pháp định giá khám bệnh, chữa bệnh.
Tuy nhiên về thẩm quyền quyết định giá, dự thảo luật quy định cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân sẽ tự quyết định giá trên cơ sở phương pháp định giá của Bộ Y tế và kê khai giá theo Luật Giá.
Đối với cơ sở khám, chữa bệnh nhà nước, theo ông Mai, hiện vẫn còn 2 luồng ý kiến khác nhau.
Có ý kiến đề nghị, Nhà nước chỉ quy định khung giá đối với khám chữa bệnh được chi trả bằng bảo hiểm y tế, còn các nội dung ngoài bảo hiểm y tế thì cơ sở khám chữa bệnh được tự quyết định trên cơ sở phương pháp xác định giá của cơ quan quản lý nhà nước.
Luồng thứ hai, cho rằng Bộ Y tế cần quy định khung giá, tức mức giá tối đa cho dịch vụ khám, chữa bệnh và giao cho các tổ chức quyết định giá cụ thể.
Ví dụ các bệnh viện thuộc Bộ Y tế sẽ do Bộ Y tế quyết định, bệnh viện thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng sẽ do Bộ Quốc phòng quyết định, Bệnh viện ở địa phương do UBND cấp tỉnh quyết định. Trường hợp các cơ sở theo hình thức đối tác công tư (PPP) hoặc tự chủ hoàn toàn thì được quyền tự quyết định theo khung giá của Bộ Y tế.
"Hiện nay các cơ quan đang báo cáo cơ quan có thẩm quyền về việc trình ra Quốc hội cho ý kiến về thẩm quyền định giá dịch vụ khám, chữa bệnh trong bệnh viện nhà nước", ông Mai cho hay.
Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh trong cuộc họp báo về kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội khóa XV đã trả lời các câu hỏi lên quan tới 2 ông Phạm...
Nguồn: [Link nguồn]