Triều Tiên yêu cầu Hàn Quốc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt
Triều Tiên hôm nay (24.3) cự tuyệt yêu cầu của Hàn Quốc buộc nước này xin lỗi về vụ chìm tàu hải quân Cheonan. Triều Tiên cũng mạnh mẽ đề nghị Seoul dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đã áp dụng đối với Bình Nhưỡng sau sự kiện trên.
Hai ngày trước lễ kỷ niệm 5 năm ngày tàu hải quân Cheona bị chìm khiến 46 thủy thủ Hàn Quốc thiệt mạng, Ủy ban Quốc phòng Quốc gia Triều Tiên (NDC) ra tuyên bố lên án việc Seoul bịa đặt, vu khống cương quyết cho rằng Bình Nhưỡng phải chịu trách nhiệm về sự cố này.
Xác con tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc
Tàu Cheonan chở theo 104 thủy thủ đoàn khi bị đắm gần biên giới trên biển Hoàng Hải giữa Triều Tiên và Hàn Quốc vào ngày 26.3. Cuộc điều tra với sự tham gia của nhiều chuyên gia quốc tế do Hàn Quốc dẫn đầu đã đi đến kết luận, tàu Cheonan chìm do trúng ngư lôi từ tàu ngầm của Triều Tiên.
Dù nhiều lần Bình Nhưỡng mạnh mẽ lên tiếng bác bỏ các cáo buộc, Seoul vẫn quyết định áp dụng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên được gọi là "Các biện pháp 25.4".
Trong tuyên bố hôm nay (24.3), Ủy ban Quốc phòng Quốc gia Triều Tiên (NDC) yêu cầu Hàn Quốc phải chấm dứt ngay lệnh cấm vận thương mại nhắm vào nước này.
NDC tuyên bố, cái gọi là "Các biện pháp 25.4" được "vẽ ra" từ một cái cớ vô lý và một câu chuyện bịa đặt, vu khống: "Hàn Quốc nên thừa nhận rằng, đó là câu chuyện họ tự tô vẽ, bịa đặt và thể hiện sự hối tiếc của họ bằng cách dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt chưa từng có hiệu quả".
Trong khi đó, một vài doanh nhân và các chính khách có ảnh hưởng ở Hàn Quốc cũng đã kêu gọi dỡ bỏ "Các biện pháp 24.5", song chính quyền Tổng thống Park Geun-Hye vẫn kiên quyết chỉ chấm dứt trừng phạt khi nhận được lời xin lỗi chân thành từ Triều Tiên.
Một bộ phim tài liệu năm 2013 có tên là "Dự án Cheonan" của đạo diễn Chung Ji-Young đã khiến dư luận dậy sóng khi đặt giả thuyết tàu Cheona có thể bị chìm vì đâm vào san hô hoặc va chạm với tàu ngầm lạ.
Ngoài ra, Giám đốc Viện Nghiên cứu Động đất Hàn Quốc Kim So-gu cũng đề cập tới giả thiết rằng, vụ chìm tàu Cheonan hồi năm 2010 có thể không phải vì trúng ngư lôi từ tàu ngầm của Triều Tiên.
Theo ông Kim, nguyên nhân dẫn tới vụ chìm tàu chiến Cheonan có thể là do nổ bom mìn sót lại của Hải quân Hàn Quốc từ thời những năm 1970. Tuyên bố của ông Kim dựa trên những phân tích về sóng nổ, sóng âm dưới và trên mặt nước cho thấy một vụ nổ mạnh dưới nước đã xảy ra.
Theo ông, cường độ địa chấn của vụ nổ là 2,04, tương đương 136 kg thuốc nổ TNT và tương đương với một lượng lớn mìn bị hải quân Hàn Quốc bỏ lại dưới biển sau khi chúng được cài đặt lần đầu hồi những năm 1970.
Những nghiên cứu này trái ngược với kết quả của Nhóm Điều tra Dân-Quân sự phối hợp (MCMJIG) do chính phủ Hàn Quốc dẫn đầu năm 2010 với kết luận nguyên nhân gây chìm tàu Cheonan là do một ngư lôi CHT-02D của Triều Tiên với sức công phá tương đương 250 kg TNT khi nổ ở độ sâu 6-9 m, dẫn đến địa chấn có cường độ là 1,5.
MCMJIG cũng từng tính đến khả năng vụ nổ gây ra do mìn khi cho biết sau năm 1985, hải quân Hàn Quốc đã quyết định bỏ lại mìn ở dưới đáy biển. Tuy nhiên, MCMJIG cho rằng sức nổ của mìn tương đương 136 kg TNT không thể cắt đôi thân tàu Cheonan ra làm hai ở độ sâu 47 m.
Sự cố chìm tàu Hải quân Cheonan và việc Seoul áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng năm 2010 từng đẩy căng thẳng bán đảo Triều Tiên leo thang nguy hiểm, có nguy cơ dẫn đến xung đột vũ trang.
Tám tháng sau vụ chìm tàu Cheonan, Triều Tiên nã pháo lên đảo tiền tiêu của Hàn Quốc ở gần vùng biển tranh chấp làm chết 4 người. Quan hệ liên Triều tiếp tục bị đẩy lên mức căng thẳng cao độ. Hàn Quốc từ đó tăng cường các cuộc tập trận riêng và chung với Mỹ, đồng thời củng cố lực lượng quân sự trên các đảo tiền tiêu.