Triều Tiên muốn gì khi đàm phán cấp cao với Hàn Quốc?
“Sau đàm phán, bán đảo Triều Tiên sẽ ổn định trở lại, Hàn Quốc sẽ tiếp tục viện trợ lương thực cho Triều Tiên và hai bên sẽ nối làm các vòng đàm phán về khu công nghiệp chung Kaesong…”.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và phát triển quan hệ quốc tế - nhận định như vây khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Dân Việt.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường.
Cuộc đàm phán cấp cao tại làng đình chiến Panmunjom trong khu phi quân sự (DMZ) chia cắt hai miền Triều Tiên đã bắt đầu từ 18h30 ngày 22.8 (16h30 - giờ Hà Nội) và kéo dài tới 4h15 ngày 23.8 (2h15 - giờ Hà Nội).
Trong 10 tiếng đàm phán liên tục, hai bên đã thảo luận cách giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên cũng như việc phát triển mối quan hệ liên Triều. Sau khi xem xét lập trường của mỗi bên, hai bên nhất trí sẽ nối lại hội đàm vào chiều 23.8 nhằm thu hẹp các bất đồng.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường cho rằng, chiến tranh giữa hai miền Triều Tiên sẽ không diễn ra trong thời điểm này.
“Thậm chí, nếu khi nào đó hai bên bắn nhau vài phát đạn qua biên giới cũng không có gì căng thẳng. Chỉ cần phát động chiến tranh, chưa cần biết ai, Bình Nhưỡng hay Seoul sẽ bị tàn phá, mà ngay nội bộ Triều Tiên sẽ có những xáo trộn trước”, tiến sĩ Trường nhận định.
Tiến sĩ Trường cho rằng, việc Bình Nhưỡng đồng ý ngồi vào bàn đàm phán với Seoul là cách để tháo ngòi căng thẳng.
“Tình hình trên bán đảo Triều Tiên còn nhùng nhằng như thế này nữa, không thể giải quyết triệt để được. Sau đàm phán, tình hình sẽ ổn định trở lại, Hàn Quốc sẽ tiếp tục viện trợ lương thực cho Triều Tiên và hai bên sẽ nối lại các vòng đàm phán về khu công nghiệp chung Kaesong”, tiến sĩ Trường nói.
Một cuộc đàm phán giữa quan chức 2 miền Triều Tiên hồi tháng 10.2014. Ảnh: Reuters
Trước đó, giới phân tích từng dự đoán rằng hai miền Triều Tiên sẽ khó đạt được một sự thỏa hiệp vì không bên nào muốn “mất mặt”.
Tờ Business World dẫn bình luận của ông Yang Moo-Jin, Giáo sư của Trường Đại học Nghiên cứu Triều Tiên rằng: “Việc đạt được thỏa hiệp thực sự là một điều rất khó khăn. Tuy nhiên, điều đáng mừng là họ đã nhất trí tiếp tục gặp mặt và thương lượng. Ngoài những thảo luận về cách để đưa hai miền thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay, cả hai bên còn đề cập đến cách để phát triển mối quan hệ liên Triều trong tương lai. Đây là tin tốt lành”.