Triều Tiên: Khó khăn bủa vây người dân

Thực đơn hằng ngày của hầu hết người dân Triều Tiên chủ yếu là ngũ cốc và rau, rất hiếm khi có thịt và cá.

Nhiều người trên thế giới vẫn tò mò về cuộc sống thực của người dân Triều Tiên. Năm 2011, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) ước tính khoảng 1/4 dân số Triều Tiên - 6 triệu người - thiếu ăn. Trong số đó, gần 1 triệu người là trẻ em dưới 5 tuổi. UNICEF cũng cho biết ở Triều Tiên, thực phẩm được chia theo khẩu phần, đồng thời nước này dễ rơi vào khủng hoảng lương thực do bị cô lập về chính trị và kinh tế cũng như bị tác động sâu sắc bởi tình trạng biến đổi khí hậu.

Thiếu hụt

Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cũng nhận định Triều Tiên đang tiếp tục đối mặt với tình cảnh thiếu hụt lương thực, 1/3 trẻ em bị suy dinh dưỡng kinh niên hoặc quá thấp còi so với độ tuổi của mình. Năm 2009, Mỹ đã hoãn các chuyến hàng viện trợ lương thực cho Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng bắt đầu khước từ nhận  hàng viện trợ giữa lúc xảy ra căng thẳng về chương trình hạt nhân và có mối lo ngại rằng nguồn cung cấp này không đến tay những người cần nhất.

Tháng 3/2012, Bình Nhưỡng đã đồng ý cho ngừng một phần chương trình hạt nhân và tên lửa, đồng thời chấp nhận cho các thanh sát viên hạt nhân trở lại nước này để đổi lấy 240.000 tấn hàng viện trợ của Mỹ. Tuy nhiên, cũng trong tháng đó, Triều Tiên đã thông báo về một cuộc thử  tên lửa khác và chấm dứt thỏa thuận trên.

Mức sống ở Bình Nhưỡng khác xa các khu vực khác trên đất nước này. Giáo sư Jim Hoare, Khoa Đông phương học và Phi châu học - Trường Đại học London (Anh), xác nhận: “Ở Bình Nhưỡng, nhiều người có tiền thường đến nhà hàng. Trong khi đó, hầu hết thường dân ở nước này sống trong cảnh giật gấu vá vai”.

Thực đơn hằng ngày của hầu hết người dân Triều Tiên đều chủ yếu là ngũ cốc và rau, rất hiếm khi có thịt và cá.

Ông John Everard, cựu đại sứ Anh ở Triều Tiên giai đoạn 2006-2008, cũng thừa nhận: “Chế độ ăn uống của họ thật đơn điệu. Nhiều bữa ăn chỉ có cơm, rau luộc và 1 tô kim chi… Mặc dù mọi người đều sử dụng vòi tắm gương sen nhưng chẳng ai có thể nhớ lần gần nhất họ tắm nước nóng là khi nào. Tắm nước lạnh vào mùa đông ở Bình Nhưỡng khi nhiệt độ có thể xuống đến -20 độ C không phải là chuyện hiếm”.

Bà Hyeonseo Lee, nhà hoạt động xã hội ở Hàn Quốc, người sinh ra và lớn lên ở Triều Tiên, kể: “Một hôm, mẹ tôi đọc cho tôi nghe lá thư của người chị đồng nghiệp, trong đó bà than phiền rằng gia đình bà đang thiếu đói. Một trận đói khốc liệt đã hoành hành ở Triều Tiên vào nửa sau những năm 1990 và tôi đã bắt đầu chứng kiến cảnh tượng khổ sở, đói kém và chết chóc xung quanh mình”.

Triều Tiên: Khó khăn bủa vây người dân - 1

Người dân ở tỉnh North Pyongan (Triều Tiên) làm việc bên đường. Ảnh: AP

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) ước tính thu nhập bình quân đầu người năm 2011 của Triều Tiên là 1.800 USD, tăng trưởng kinh tế 0,8%. Tuy nhiên, Liên Hiệp Quốc ước tính thu nhập bình quân đầu người của Triều Tiên  năm 2011 chỉ là 506 USD và tăng trưởng là -0,1%. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc năm 2011 là 31.300 USD và tăng trưởng 3,6%.

Do lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, những người làm công ăn lương ở Bình Nhưỡng gặp phải nhiều khó khăn. Lương tháng trung bình của họ vào khoảng 33 USD theo tỉ giá hối đoái chính thức nhưng trên chợ đen thì chỉ có giá trị 5 USD. Nhu cầu về cơ sở hạ tầng của Triều Tiên cũng rất lớn, khiến việc duy trì tăng trưởng kinh tế rất khó khăn và chỉ 20%-25% hộ gia đình ở đây được tiếp cận với nước máy sạch. Hệ thống vệ sinh công cộng  ngày càng xuống cấp, đe dọa nghiêm trọng sức khỏe người dân.

Đô la hóa

Triều Tiên vẫn tự xếp mình đứng thứ 2 (98 điểm) trong danh sách các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc (100 điểm). Tiếp sau đó là Cuba, Iran và Venezuela. Theo bảng thống kê của  Triều Tiên, Hàn Quốc đứng thứ 152 với 18 điểm, còn Mỹ đứng cuối bảng chỉ với 3 điểm.

Năm 2008, trang web Tầm nhìn Kinh tế Triều Tiên của chính quyền nước này đã công bố tài liệu thống kê dân số dày 278 trang. Đây là lần thống kê thứ hai kể từ năm 1945 do Triều Tiên hợp tác với Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc thực hiện. Kết quả, Triều Tiên tự nhận so với 15 năm trước: Dân số tăng từ 21,2 triệu lên 24 triệu (0,86%/năm), tuổi thọ giảm từ 72,7 còn 69,3, gần 85% dân số có nước sạch, 55% hộ dân có nhà vệ sinh. Về giải quyết chỗ ở, tổng cộng có 5,9 triệu hộ với bình quân mỗi hộ 4 người ở nhà rộng 60 m². 36% dân số hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đánh bắt thủy hải sản, 24% hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp. Tỉ lệ học sinh biết chữ của người trên 10 tuổi gần 100%. Tỉ lệ  học sinh vào đại học là 1/7 nam và 1/12 nữ.

Đặc biệt, chợ đen - được gọi là jangmadang - là nguồn kiếm sống chính đối với hầu hết người Triều Tiên. Chợ đen ở Triều Tiên còn được quen gọi là “chợ cóc”, bởi những người buôn bán thoắt ẩn thoắt hiện...

Theo CNN, đồng tiền chính thức của Triều Tiên là won nhưng mọi thứ ở nước này đều được giao dịch bằng USD, kể cả ở chợ đen. Thậm chí, ông Jang Jin-sung, tổng biên tập website New Focus International, cho rằng đồng won  được đối xử giống như… giấy vệ sinh. Các tầng lớp thấp nhất trong xã hội Triều Tiên cũng sử dụng USD trong mọi giao dịch. Bình Nhưỡng đã cố vực dậy giá trị của đồng won nhưng do ai cũng sử dụng USD để giao dịch nên USD thường tăng giá, còn đồng won tiếp tục giảm giá trị.
 
Ngoài ra, đồng euro ngày càng được sử dụng nhiều hơn ở một số khu vực bởi vì người Triều Tiên lo ngại rằng việc sử dụng USD ở nước này sẽ có lúc gặp rủi ro.

Riêng tầng lớp thượng lưu ở Bình Nhưỡng vẫn hưởng thụ cuộc sống xa hoa. Họ vẫn đi xe Lexus, uống rượu đắt tiền và xem TV màn hình phẳng. Ô tô có mặt ngày càng nhiều trên đường phố thủ đô. Số lượng xe mới mang các nhãn hiệu Mercedes, BMW, Lexus, Toyota và Land Rover tăng lên nhanh chóng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngô Sinh (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN