Triều Tiên kêu gọi ký hiệp ước hòa bình
"Hiệp định đình chiến năm 1953 chỉ có lợi cho Mỹ, và động thái kiểm soát hiệp định này của Washington thể hiện âm mưu 'kiềm chế Triều Tiên bằng vũ lực'", báo của Đảng Lao động Triều Tiên viết.
Báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Lao động Triều Tiên hôm thứ Tư đã đăng một bài báo kêu gọi thay thế hiệp định đình chiến ký kết sau cuộc chiến tranh Triều Tiên bằng một hiệp ước hòa bình chính thức.
Bài viết đăng trên tờ báo thể hiện quan điểm của đảng cầm quyền và giới lãnh đạo Triều Tiên này cho hay, hiện Triều Tiên cấp kíp phải thay thế Hiệp đình đình chiến, một di sản của cuộc chiến tranh Triều Tiên bằng một chế độ hòa bình vĩnh viễn.
Bàn Môn Điếm, nơi ký kết Hiệp định đình chiến 1953
Bài viết này cho rằng hiệp định đình chiến ký kết vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 chỉ có lợi cho Mỹ, và động thái kiểm soát hiệp định này của Washington thể hiện âm mưu “kiềm chế Triều Tiên bằng vũ lực” của Mỹ.
Bài báo cho rằng nếu như lúc đó một hiệp định hòa bình được ký kết, căng thẳng hiện nay về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đã không trở thành một vấn đề ngay từ đầu.
Tuyên bố này được đưa ra chỉ một ngày sau khi Triều Tiên thông báo sẽ không từ bỏ khả năng răn đe hạt nhân trong bối cảnh “các mối đe dọa từ Mỹ ngày càng tăng lên”.
Căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên từ tháng 12 năm ngoái sau khi Triều Tiên thử nghiệm tên lửa Taepodong 2 và tiến hành thử hạt nhân lần thứ ba vào tháng 2 năm nay.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã áp đặt các lệnh cấm vận mới với Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân này, còn Mỹ và Hàn Quốc tiến hành các cuộc tập trận chung hồi tháng Ba, trong khi Seoul cảnh báo về khả năng tấn công phòng ngừa chống lại Triều Tiên.
Các động thái này đã châm ngòi cho phản ứng quyết liệt từ phía Triều Tiên khi nước này tuyên bố chấm dứt hiệp định ngừng bắn với Hàn Quốc, hủy bỏ toàn bộ các thỏa thuận phi hạt nhân hóa và cắt đứt đường dây nóng với Seoul, đe dọa tấn công các căn cứ Mỹ ở Okinawa, Guam và Trân Châu Cảng, đóng cửa khu công nghiệp Kaesong…
Khu công nghiệp Kaesong hiện vẫn đang bị đóng cửa
Tuy nhiên, đến tháng 5, Bình Nhưỡng có vẻ đã giảm bớt giọng điệu hiếu chiến của mình khi dỡ bỏ cấp báo động chiến đấu cao nhất đối với các lực lượng vũ trang và rút các tên lửa đạn đạo khỏi bờ biển phía đông.
Trong chuyến thăm tới Trung Quốc tuần trước, đặc phái viên Choe Ryong Hae của nhà lãnh đạo Kim Jong Un tuyên bố rằng Triều Tiên sẵn sàng quay trở lại bàn đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.
Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, hôm thứ Ba, Triều Tiên đã mời các quan chức Hàn Quốc thảo luận về tương lai của khu công nghiệp Kaesong với điều kiện là họ phải đi cùng các doanh nhân làm ăn trong khu công nghiệp này.
Hôm nay, Hàn Quốc đã hối thúc Triều Tiên chấp nhận đề nghị tổ chức các cuộc hội đàm cấp chính phủ về việc mở lại khu công nghiệp liên Triều này.