Triều Tiên hủy hội đàm với Hàn Quốc
Triều Tiên cáo buộc Hàn Quốc “khiêu khích” và tuyên bố sẽ không cử đoàn đại biểu nào tới Seoul.
Chỉ vài ngày sau khi Triều Tiên và Hàn Quốc nhất trí tổ chức cuộc hội đàm cấp chính phủ lần đầu tiên sau 6 năm, kế hoạch này có vẻ như sẽ sụp đổ vì những bất đồng liên quan đến sự đồng cấp của các đại biểu tham dự hội đàm sau khi Hàn Quốc cho hay cuộc hội đàm dự kiến diễn ra vào hôm thứ Tư đã bị hủy.
Thỏa thuận hội đàm giữa hai miền Triều Tiên được coi như một dấu hiệu rõ ràng thể hiện sự tan băng giữa hai nước sau nhiều năm đối đầu. Căng thẳng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc lên đến đỉnh điểm hồi đầu năm nay khi vụ thử hạt nhân lần thứ 3 của Triều Tiên đã dẫn tới lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc và Triều Tiên đáp trả bằng đe dọa sẽ tiến hành tấn công hạt nhân chống lại Hàn Quốc và Mỹ.
Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Ryoo Kihl-jae
Thế nhưng ngay trước thềm diễn ra cuộc hội đàm này, Hàn Quốc và Triều Tiên lại không thống nhất được sẽ cử làm trưởng đoàn hội đàm. Hàn Quốc đề nghị cử Bộ trưởng Bộ Thống nhất Ryoo Kihl-jae làm trưởng đoàn và yêu cầu Triều Tiên cử Kim Yang-gon, người phụ trách quan hệ với Hàn Quốc đại diện cho phía Triều Tiên. Tuy nhiên Triều Tiên đã bác bỏ đề xuất này với lý do ông Kim có cấp hàm cao hơn bộ trưởng, thế nhưng phía Hàn Quốc không nhất trí với điều này.
Cuối cùng Triều Tiên cũng bổ nhiệm một quan chức cấp thấp hơn ông Kim làm trưởng đoàn hội đàm, nhưng Hàn Quốc tuyên bố họ sẽ cử một quan chức cấp thấp hơn ông Ryoo.
Người phát ngôn chính phủ Hàn Quốc Kim Hyung-suk cho hay sau đó Triều Tiên cáo buộc Hàn Quốc “khiêu khích” và tuyên bố sẽ không cử đoàn đại biểu nào tới Seoul. Ông Kim cho rằng quyết định của phía Triều Tiên là “rất đáng tiếc”, và đến sáng thứ Tư Triều Tiên vẫn chưa đưa ra phản ứng nào.
Đại diện 2 bên gặp nhau tại biên giới để thảo luận về việc chuẩn bị hội đàm
Việc xác định quan chức có cấp hàm tương đương là rất khó khăn trong hai hệ thống chính trị rất khác nhau ở hai miền Triều Tiên, tuy nhiên các chuyên gia phân tích cho rằng việc không giải quyết được bất đồng này chứng tỏ khoảng cách ngày càng sâu sắc giữa hai nước.
Trong những năm gần đây, sự bất tín lẫn nhau giữa hai chính phủ đã trở nên ngày càng sâu sắc khi Triều Tiên liên tục thử hạt nhân và kích động quân sự với Hàn Quốc, còn Hàn Quốc cũng rút lại “chính sách ánh dương” đối với Triều Tiên khi họ cho rằng nhiều năm trời viện trợ và đầu tư không thể thuyết phục được Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Nhà phân tích Cheong Seong-chang thuộc Viện Sejong ở Hàn Quốc cho rằng: “Việc các cuộc hội đàm cấp chính phủ này thất bại chứng tỏ các nhà cầm quyền ở Hàn Quốc và Triều Tiên đã cứng rắn đến mức nào.”
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye
Chính phủ của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã nhiều lần cam kết sẽ phá vỡ “vòng luẩn quẩn” trong các động thái khiêu khích của Triều Tiên, và lập trường cứng rắn này ngày càng trở nên phổ biến ở Hàn Quốc khi kết quả các cuộc khảo sát dư luận cho thấy chính sách này là điểm mạnh nhất của Tổng thống Park. Tuy nhiên các nhà phân tích lo ngại rằng với việc để các cuộc hội đàm này thất bại, bà Park đang lãng phí một cơ hội để làm dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Triều Tiên hủy các cuộc hội đàm này ngay sau khi Trung Quốc hối thúc nhà lãnh đạo Kim Jong-un có biện pháp giảm bớt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Nền kinh tế Triều Tiên cũng đang trong tình trạng khó khăn sau hàng loạt lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc và các nhà lãnh đạo nước này đã hy vọng rằng việc tái tham gia đàm phán với Hàn Quốc sẽ thúc đẩy hoạt động đầu tư vào nước này.
Khu Bàn Môn Điếm tại biên giới hai nước
Trong một diễn biến liên quan, ngày 12/6, Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã không trả lời cuộc gọi của Hàn Quốc trên đường dây liên lạc tại Bàn Môn Điếm sau khi các cuộc hội đàm cấp chính phủ bị hủy bỏ. Tình trạng đứt liên lạc này diễn ra sau khi Triều Tiên tái triển khai kênh liên lạc với Hàn Quốc từ thứ 6 tuần trước sau khi Triều Tiên đề xuất hội đàm cấp chính phủ với Hàn Quốc.