Triều Tiên định mở cửa theo kiểu Việt Nam
Bình Nhưỡng có thể mở cửa nền kinh tế trong năm nay. Bài đăng trên một tờ báo uy tín của Đức nói rằng Triều Tiên đang lựa chọn các chuyên gia kinh tế và pháp luật của Đức để thiết lập nền tảng cho đầu tư nước ngoài theo mô hình của Việt Nam.
Trong ngày đầu tiên của năm mới, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un kêu gọi thực hiện đổi mới kinh tế “triệt để” cho đất nước và đặt dấu chấm hết cho cuộc xung đột với Hàn Quốc sau nhiều thập kỷ. Báo chí Đức nói rằng nhà lãnh đạo này đang gấp rút thực hiện kế hoạch cải tổ.
Theo bài báo vừa được đăng trên nhật báo Frankfurter Allgemeine Zeitung (FAZ), chính quyền Bình Nhưỡng đang chuẩn bị mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, Triều Tiên đang tuyển chọn và mời các chuyên gia kinh tế và luật sư để giúp nước này tạo nên nền tảng cho thời kỳ mở cửa.
“Họ muốn mở cửa trong năm nay”, FAZ trích lời một nhà kinh tế không nêu tên, đang làm việc tại một trường đại học danh tiếng cuả Đức và từng cố vấn cho một số chính phủ ở châu Á.
Nhà kinh tế này nói trong bài báo rằng Triều Tiên quan tâm trước tiên tới việc hiện đại hoá hệ thống luật pháp liên quan đến đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, Triều Tiên không có ý định sẽ theo mô hình của Trung Quốc, là sẽ tạo ra những khu kinh tế đặc biệt dành cho các nhà đầu tư nước ngoài. “Mà họ quan tâm tới mô hình của Việt Nam, trong đó một số công ty cụ thể được lựa chọn để đón nhận đầu tư”, nguồn tin cho biết.
Dấu hiệu thay đổi
Động thái đó có thể tạo nên một cuộc cách mạng ở Triều Tiên, đất nước bao năm nay vẫn cô lập với thế giới bên ngoài. Nền kinh tế của họ cũng trong tình trạng kém phát triển. Nhưng kể từ khi ông Kim Jong Un kế thừa cha mình lên nắm quyền cách đây 1 năm, người ta đã thấy nhiều dấu hiệu thay đổi.
Ông Kim Jong Un
Bài phát biểu của ông trong dịp năm mới là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy nhà lãnh đạo này đang chẩn bị đi theo con đường khác với cha mình, tức nhà lãnh đạo Kim Jong Il. Dù bài phát biểu đó chỉ là bước khởi đầu, nhưng cũng là bài phát biểu hoàn toàn khác mà một nhà lãnh đạo Triều Tiên từng đưa ra kể từ khi ông Kim Ul Sung cầm quyền năm 1994.
Hơn nữa, ông Kim cũng tỏ ra cởi mở một cách đang ngạc nhiên về thực trạng của nền kinh tế của đất nước. Ông bảo đảm sẽ thực hiện đổi mới, nói rằng nền kinh tế sẽ phụ thuộc nhiều vào các tiến bộ khoa học công nghệ. Ông cũng nhấn mạnh trong vụ phóng tên lửa vào tháng trước, rằng đó là cú huých cho “sự tự tôn dân tộc”.
Tuy bài báo của FAZ nói rằng nhiều người trong tầng lớp lãnh đạo của Triều Tiên ủng hộ việc mở cửa cho đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản, Hàn Quốc và các công ty phương Tây, nhưng chuyên gia giấu tên của Đức nói rằng điều đó còn xa mới thành hiện thực.
Mô hình Việt Nam và thách thức
Theo một bài viết trên Tạp chí Global Asia, trường hợp của Trung Quốc và Việt Nam cho thấy sự phát triển kinh tế chịu ảnh hưởng lớn của đầu tư nước ngoài. Ở cả hai nước, phát triển kinh tế không chỉ được thúc đẩy bởi cải cách kinh tế từ bên trong, mà bởi nguồn đầu tư đáng kể từ bên ngoài.
Công nhân Triều Tiên làm việc tại khu công nghiệp liên Triều Kaesong. Ảnh: REUTERS
Triều Tiên được cho là sẽ theo đuổi con đường tương tự. Giống như Việt Nam trước đây, Triều Tiên sẽ đồng thời thực hiện nhiều bước cải cách, bởi vì cải cách toàn diện và gần như triệt để là điều cần thiết để có được hiệu quả thực sự. Phương án cải cách từng bước và luỹ tiến để thúc đẩy cải tổ kinh tế dần dần như ở Trung Quốc sẽ không hiệu quả ở Triều Tiên, vì nền kinh tế của nước này đã xuống tới mức báo động.
Tuy nhiên, câu hỏi lớn đặt ra là liệu Triều Tiên có thể chấp nhận cải cách triệt để hay không. Liệu chính quyền quân sự vốn được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi về kinh tế và chính trị suốt 15 năm qua có chấp nhận các biện pháp cải cách triệt để hay không.
Có rất nhiều thách thức đang đợi Triều Tiên ở phía trước. Các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp quốc đối với chương trình hạt nhân của Triều Triên cũng là bước trở ngại lớn đối với quá trình cải tổ của Bình Nhưỡng. Những biện pháp này đang khiến Triều Tiên bị cô lập với thế giới, khi chỉ còn Trung Quốc là nơi nương tựa kinh tế. Hơn nữa, nhiều người Triều Tiên lo ngại rằng nếu cải tổ và mở cửa thì sẽ tạo cơ hội cho Hàn Quốc, với nền kinh tế mạnh hơn nhiều, tìm ra cách để thống nhất hai miền bằng cách tăng cường ảnh hưởng ở phía bắc.