Triều Tiên điều tên lửa: Nhận định của HQ

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin hôm nay nói rằng Triều Tiên đã di chuyển một tên lửa tầm trung tới bờ biển phía đông, nhưng có vẻ không phải để nhằm vào Mỹ.

Trong phiên họp tại ủy ban quốc phòng nghị viện, ông Kim bác bỏ các bài báo nói rằng Bình Nhưỡng đã di chuyển một tên lửa KN-08, tầm xa khoảng 10.000km, vào vị trí để sẵn sàng tấn công Mỹ.

Ông Kim không nói rõ loại tên lửa đó là gì, mà chỉ cho biết tên lửa đó có thể vươn tới “khoảng cách đáng kể”, nhưng không thể vươn tới Mỹ.

“Tên lửa đó có vẻ không nhằm vào đất Mỹ, mà chỉ để tập bắn hay tập trận”, ông Kim nói.

Triều Tiên điều tên lửa: Nhận định của HQ - 1

Tên lửa Musudan được Triều Tiên lần đầu giới thiệu năm 2010. (Nguồn: Reuters)

Dù rất ít khả năng những lời đe dọa chiến tranh của Bình Nhưỡng có thể dẫn tới một cuộc chiến tổng lực, ông Kim nói rằng miền Bắc có thể khiêu chiến theo nhiều cách khác, như xung đột biên giới hay tấn công mạng.

“Quân đội của chúng tôi đã nâng cấp nhiều hệ thống và tập luyện trong tình trạng sẵn sàng ứng chiến”, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc khẳng định.

Theo phân tích tình báo của Mỹ và Hàn Quốc, tên lửa Triều Tiên vừa được đưa tới bờ biển có thể là Musudan, với tầm xa từ 3.000 – 4.000km, nên căn cứ của Mỹ trên đảo Guam nằm trong tầm bắn.

Với việc đưa tên lửa tới bờ biển phía đông, Bình Nhưỡng khiến Mỹ phải đưa hệ thống phòng lửa tiên tiến tới căn cứ trên đảo Guam.

Vẫn chưa biết tên lửa của Triều Tiên có mang theo đầu đạn hạt nhân hay không. Một số nguồn tin dự đoán Bình Nhưỡng có khả năng sẽ phóng vào khoảng giữa tháng 4, khi Triều Tiên kỷ niệm sinh nhật của nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành.

Triều Tiên vẫn chưa bắn thử tên lửa Musudan. Cộng đồng quốc tế lần đầu biết Triều Tiên sở hữu loại tên lửa này là tháng 10/2010 khi miền Bắc tiết lộ trong một lễ phô trương lực lượng ở Bình Nhưỡng.

Trong cuộc họp nói trên, ông Kim nói rằng Hàn Quốc sắp quyết định mua tên lửa đất đối không tầm xa của Đức để đạt tới khả năng tấn công mọi khu vực của Triều Tiên.

Seoul đã cân nhắc mua hệ thống tên lửa không đối đất Standoff của hãng Lockheed Martin (Mỹ), nhưng chính phủ Mỹ không cấp phép cho công ty này bán tên lửa tầm xa 370km cho Hàn Quốc. Vì thế, Seoul quay sang mua hệ thống Taurus của Đức.

“Trong thời buổi khủng hoảng, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật sẽ cùng phối hợp lực lượng. Đúng là chúng tôi thiếu thứ đó (tên lửa) và chúng tôi sẽ chọn Taurus”, ông Kim nói.

Trong khi đó, Triều Tiên hôm nay đe dọa sẽ rút hàng chục nhìn công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp chung Kaesong nếu Hàn Quốc tiếp tục xúc phạm phẩm giá của Bình Nhưỡng.

Cách đây 2 ngày, Triều Tiên đã đóng cửa không cho công nhân và phương tiện Hàn Quốc vào khu công nghiệp này, nhưng vẫn cho phép người Hàn Quốc được về nước.

Nếu Hàn Quốc vẫn “kêu ca về khu công nghiệp này, chúng tôi sẽ thực hiện biện pháp cương quyết để rút hết công nhân của chúng tôi khỏi đó”, một phát ngôn viên không nêu tên của Ủy ban thống nhất hòa bình tổ quốc nói trong bài báo đăng trên hãng thông tấn KCNA.

Quan chức này cảnh báo số phận của khu công nghiệp chung đang “bên bờ phá sản”, và rằng khu công nghiệp chỉ làm lợi cho các doanh nghiệp Hàn Quốc trong khi Triều Tiên chẳng lợi lộc gì.

Hơn 53.000 công nhân Triều Tiên đang làm việc trong 123 doanh nghiệp Hàn Quốc tại khu công nghiệp sản xuất hàng may mặc, đồ tiêu dùng, đồng hồ và nhiều hàng hóa cần nhiều lao động khác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trúc Quỳnh (theo Yonhap) ([Tên nguồn])
Triều Tiên tuyên bố tình trạng chiến tranh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN