Triều Tiên: Cựu cận vệ kể lại đòn tra tấn kinh hoàng
Cựu cận vệ quốc gia Triều Tiên bị tra tấn dã man trong tù khi tìm đường đào tẩu sang Hàn Quốc.
Trên bắp chân của Lee Young-guk chằng chịt hàng chục vết sẹo tím bầm. Ông cho biết đó là hậu quả của những trận đòn kinh hoàng mà ông phải hứng chịu trong nhà tù khét tiếng nhất của Triều Tiên.
Ông Lee kể lại sự việc với phóng viên CNN (Ảnh chụp màn hình)
Tháo bỏ hàm răng giả, Lee cho biết trong miệng ông chỉ còn khoảng 5 hoặc 6 chiếc răng đã bị lung lay hoặc sứt mẻ nghiêm trọng sau những cú đấm liên tiếp vào đầu, vào miệng. Sau khi bị đánh cả báng súng vào đầu, một mắt của ông này đã bị mù vĩnh viễn.
Ít ai ngờ rằng người đàn ông tàn tạ này từng là một vệ sĩ thân cận của cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il trong suốt hơn 10 năm, trước khi ông Kim lên kế nhiệm cha vào năm 1994.
Sau khi Chủ tịch Kim Jong-il lên nắm quyền, ông Lee giải ngũ với chế độ của một vệ sĩ quốc gia trung thành mà không gặp bất cứ vấn đề gì. Tuy nhiên sau khi có dịp ra nước ngoài, ông mới nhận ra thế giới bên ngoài khác với nơi mình đang sống đến mức nào, và ông quyết định đào tẩu.
Lee đã bị an ninh Triều Tiên bắt được khi đang tìm cách trốn sang Hàn Quốc, và cựu vệ sĩ quốc gia này bị ném vào trại giam Yodok khét tiếng, nơi ấn tượng đầu tiên của ông về những người tù là “những bộ xương di động”.
Cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il
Lee nhớ lại: “Nếu bạn là tù nhân chính trị, mục tiêu của Yodok là làm bạn chết dần chết mòn. Ở đây họ hiếm khi cho tôi ăn uống đầy đủ, và điều tồi tệ hơn là họ thường xuyên đánh đập, tra tấn tôi. Mỗi tuần một lần, họ lại đưa người đi xử tử và buộc chúng tôi phải chứng kiến. Bạn phải rất vững vàng về tinh thần, bởi vòng luẩn quẩn ấy cứ lặp đi lặp lại”.
Bị thiếu ăn triền miên, những tù nhân ở đây yếu đến mức họ hiếm khi ngẩng đầu lên nếu không có lệnh của lính canh. Những người nào không hoàn thành được công việc lao động được giao trong ngày, họ sẽ bị lính canh bỏ đói.
Lee cho biết trong nhà tù Yodok có một vườn hoa, nơi chôn hàng ngàn tù nhân thiệt mạng. Chính tay Lee đã phải mang nhiều xác bạn tù tới đây sau khi họ bị xử tử để chôn cất theo lệnh của lính canh.
Tù nhân trong trại giam thường xuyên bị bỏ đói và ngược đãi (Ảnh minh họa)
Sau năm năm bị tra tấn, hành hạ trong nhà tù Yodok, Lee được thả tự do vì cải tạo tốt, và ông đã sụt mất gần nửa trọng lượng cơ thể mình.
Liên hợp quốc vào cuộc
Trong tuần này, Liên hợp quốc sẽ bỏ phiếu về một dự thảo nghị quyết do châu Âu và Nhật Bản đệ trình nhằm đưa Triều Tiên ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế với tội ác chống lại loài người.
Nếu được thông qua, nghị quyết này sẽ được đưa ra biểu quyết tại Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 12 tới đây.
Tuy nhiên, Triều Tiên đã nhiều lần phủ nhận sự tồn tại của các nhà tù chính trị hay các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở nước này.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un
Hồi đầu năm, chính phủ Triều Tiên cho rằng cuộc điều tra của Liên hợp quốc đối với tình hình nhân quyền ở Triều Tiên là “vô căn cứ”, và câu chuyện của những người đào tẩu như ông Lee là hoàn toàn bịa đặt.
Mặc dù vậy, trong thời gian gần đây, Triều Tiên đã có một số nhượng bộ nhất định trước sức ép của cộng đồng quốc tế, trong đó có việc bất ngờ thả tự do cho ba công dân người Mỹ gần đây.
Nhưng cựu vệ sĩ Lee vẫn cho rằng các lãnh đạo Triều Tiên cần phải chịu trách nhiệm trước những việc mà họ đã làm đối với người dân của mình. Ông nói: “Tôi vẫn còn rất oán hận, và phải đưa lãnh đạo Triều Tiên ra trước tòa án quốc tế thì những nhà tù như Yodok mới có thể biến mất”.