Triệu tập kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XV
Có ba nội dung chưa thể hiện trong dự kiến chương trình Kỳ họp do Chính phủ chưa gửi hồ sơ tài liệu tới các cơ quan của Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa quyết định triệu tập kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, dự kiến khai mạc vào 20-10-2022 và bế mạc vào ngày 18-11-2022.
Tại kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung hai dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình tại một Kỳ họp là Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá và Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP Buôn Ma Thuật, tỉnh Đắk Lắk.
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh: quochoi.vn
Ngoài ra, có ba nội dung chưa thể hiện trong dự kiến chương trình kỳ họp do hiện nay Chính phủ chưa gửi hồ sơ tài liệu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan cố gắng cao nhất để chuẩn bị các nội dung này bảo đảm chất lượng, đúng quy trình để kịp trình Quốc hội trong năm 2022.
Nếu kịp hoàn thiện hồ sơ tài liệu sẽ trình Quốc hội bổ sung vào chương trình kỳ họp thứ tư, hiện dự kiến chương trình kỳ họp có dự phòng 1,5 ngày để xem xét, quyết định các nội dung trên.
Ba nội dung cụ thể gồm:
Một là, tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Tại khoản này, Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19.
Hai là, tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm.
Ba là, xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030.
Tại thông báo triệu tập kỳ họp, Tổng thư ký Quốc hội đề nghị các đoàn đại biểu Quốc hội phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có cách thức phù hợp để đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri, thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri và gửi báo cáo tổng hợp về Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 10-10.
Đại biểu Quốc hội cũng được đề nghị sớm gửi phiếu chất vấn đến Tổng thư ký Quốc hội để chuyển đến người có trách nhiệm trả lời và tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngoài ra, các vị đại biểu còn được đề nghị đề xuất vấn đề chất vấn để có cơ sở lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ tư.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong khoảng 5,5 ngày làm việc, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 17 nội dung lớn, quan trọng, với nhiều việc mới, việc khó.