Triễn lãm xác người thật: Có phạm luật?
Việc lấy cơ thể người ra để trưng bày, triển lãm không phù hợp với văn hóa người Việt Nam và rất phản cảm, thiếu nhân văn.
Hình ảnh xác người trong triển lãm gây cảm giác rùng rợn cho người xem.
Triển lãm “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người” (Mystery of Human Body) kéo dài từ 21/6 đến 31/12 tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM. Triển lãm trưng bày 137 mẫu vật cơ thể người thật (gồm 11 bộ mẫu vật toàn thân và 126 bộ mẫu vật là các bộ phận trên cơ thể người), đã được nhựa hóa (plastic hóa) bởi công nghệ Plastination trong bảo tồn xác người. Tuy nhiên, ngay sau đó, triển lãm đang gây tranh cãi mạnh mẽ trong giới mỹ thuật lẫn người dân.
Triển lãm đặt nơi công cộng không phù hợp
Hoạ sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, ông đã xem qua các hình ảnh chụp các bộ phận con người trong triễn lãm và cảm thấy rất phản cảm, ghê sợ.
“Xem những hình ảnh đó tôi không thấy nó nghệ thuật hay đẹp ở chỗ nào mà thay vào đó là cảm giác ghê sợ. Tôi kịch liệt phản đối việc trưng bày các bộ phận con người trong triễn lãm. Con người không thể mang trưng bày hoặc mổ xẻ ra để cho mọi người xem. Tôi cho đó là một triển lãm rất phản cảm, thiếu nhân văn”, ông Chương nói.
Theo ông Chương, văn hóa Á Đông không giống văn hóa các nước phương Tây đó là người ta rất xem trọng linh hồn của người chết. Không ai cho phép đưa xác người đã khuất mang ra trưng bày, triễn lãm. Chỉ có một số ít trường hợp đồng ý hiến xác nhưng là để phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học.
“Các bộ phận của người có thể được nghiên cứu ở góc độ khoa học nhưng tôi cho rằng phải để ở những nơi như trường y nào đó hay bên ngành y tế. Tôi đã đi hơn 20 nước rồi, nhưng tôi chưa thấy nước nào họ mang xác người thật ra để triển lãm. Và đây là lần đầu tiên tôi thấy một triễn lãm như vậy xuất hiện ở Việt Nam”, ông Chương chia sẻ.
Theo vị này, ông cũng rất băn khoăn về nguồn gốc của những xác người lấy từ đâu ra và có được phép của cơ quan chức năng. Vì vậy, ông Chương cho rằng, cơ quan chức năng cần phải làm rõ về nội dung này.
Triễn lãm xác người thật có dấu hiệu vi phạm pháp luật
Luật sư Đặng Xuân Cường, Văn phòng Công ty Luật Trương Anh Tú (Đoàn luật sư Hà Nội) cho hay, ở góc độ pháp luật, việc hiến bộ phận cơ thể, hiến xác được quy định tại Điều 35 của Bộ luật Dân sự. Theo đó, cá nhân có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác của mình sau khi chết vì những mục đích: chữa bệnh cho người khác; nghiên cứu y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác.
Các mẫu trưng bày đều là các bộ phận cơ thể người thật, được nhựa hoá.
Ngược lại, cá nhân có quyền nhận mô, bộ phận cơ thể của người khác để chữa bệnh cho mình, còn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, pháp nhân có thẩm quyền về nghiên cứu khoa học có quyền nhận bộ phận cơ thể người, lấy xác để chữa bệnh, thử nghiệm y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác. Việc hiến bộ phận cơ thể người, hiến, lấy xác phải tuân thủ theo các điều kiện và được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự, Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác và luật khác có liên quan.
“Như vậy, với quy định rất rõ ràng về mục đích của việc hiến tặng và nhận bộ phận cơ thể, xác người hiến tặng nêu trên thì chưa cần xét tới việc đơn vị tổ chức triển lãm có được những bộ phận cơ thể, xác người chết có hợp pháp hay không thì với việc sử dụng những bộ phận cơ thể người, xác người vào mục đích triển lãm đã là không phù hợp với quy định của pháp luật. Ngoài ra, trong trường hợp, đơn vị sở hữu những hiện vật đem triển lãm có được những bộ phận cơ thể, xác người một cách bất hợp pháp (đào trộm, mua bán…) thì hành vi này còn có dấu hiệu của “Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt được quy định tại Điều 319 Bộ luật hình sự năm 2015”, luật sư Cường nói.
Triển lãm trưng bày 137 mẫu vật cơ thể người thật, gồm 11 bộ mẫu vật toàn thân và 126 bộ phận trên cơ thể người.