Trị bệnh công chức “lấy cắp” giờ công

Một số địa phương đã quyết liệt chấn chỉnh tác phong làm việc của cán bộ công chức để nâng chất lượng phục vụ người dân. PV đã trao đổi với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận và Đồng Tháp xung quanh vấn đề này.

Tỉnh Ninh Thuận vừa công bố về việc hàng trăm công chức bị bắt quả tang “ăn gian” giờ nhà nước. Từ câu chuyện này cho thấy thái độ, trách nhiệm thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức đang là vấn đề gây bức xúc trong xã hội.

Ăn gian giờ giấc để đi cà phê tán dóc

Đó là ý kiến của ông Kiều Văn Bê, giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Ninh Thuận, khi trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh việc tỉnh này vừa phát hiện và yêu cầu kiểm điểm hơn 200 cán bộ, công chức, viên chức ăn gian giờ nhà nước. Ông Bê nói:

- Qua dư luận, chúng tôi được biết có không ít cán bộ, công chức tỉnh Ninh Thuận có những vi phạm không chỉ làm ảnh hưởng đến hình ảnh người cán bộ nhà nước, mà còn gây thiệt thòi cho người dân. Trước tình hình này, Sở Nội vụ đã tham mưu và được chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo đợt kiểm tra đột xuất để chấn chỉnh tình hình thực hiện giờ giấc làm việc, việc đeo thẻ công chức và việc thực hiện không hút thuốc lá trong cơ quan.

Từ giữa tháng 11/2012, một tổ kiểm tra do Sở Nội vụ thành lập tiến hành khảo sát, nắm bắt tình hình tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương có dư luận phản ánh công chức làm chưa tốt. Sau khi có các cơ sở thực tiễn, vào tuần cuối cùng của tháng 11/2012, tổ kiểm tra tiến hành kiểm tra đột xuất tại bảy sở, ngành; UBND bốn huyện, thành phố và UBND bốn xã, phường. Kết quả kiểm tra như mọi người đã biết là có đến 224 cán bộ, công chức của hầu hết các đơn vị bị kiểm tra đến cơ quan chậm so với giờ quy định, trong đó có hơn 100 người đi trễ 30-105 phút.

Đa số họ “lấy cắp” thời gian của Nhà nước để giải quyết công việc riêng, đi cà phê tán dóc. Đợt kiểm tra còn cho kết quả là có rất nhiều người khi làm việc không đeo thẻ cán bộ, công chức theo quy định. Chẳng hạn Văn phòng phát triển kinh tế có đến hơn 90 người không đeo thẻ, còn Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thì hai lần nhắc nhở mà cán bộ, viên chức vẫn không chịu đeo thẻ...

Trị bệnh công chức “lấy cắp” giờ công - 1

Hàng trăm cán bộ, công chức, viên chức chưa đảm bảo thời gian làm việc (Ảnh minh họa)

* Sau khi phát hiện các vi phạm như trên, Sở Nội vụ kiến nghị xử lý thế nào, thưa ông?

- Việc hàng trăm cán bộ, công chức, viên chức chưa đảm bảo thời gian làm việc hoặc chưa thực hiện tốt văn hóa công sở là do ý thức của họ chưa cao. Những người vi phạm lần đầu sẽ bị kiểm điểm, nghiêm túc rút kinh nghiệm, nếu tái phạm sẽ kiến nghị chế tài xử lý nghiêm.

Chúng tôi nhận thấy để xảy ra tình trạng trên là do thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của tỉnh về chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương. Do đó, chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận vừa có văn bản chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm hơn đối với cán bộ, công chức, viên chức dưới quyền trong việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật trong cơ quan hành chính nhà nước. Theo đó, phải quan tâm chỉ đạo, nhắc nhở việc thực hiện nghiêm các quy định của công chức, viên chức; thành lập các tổ kiểm tra thường xuyên và đột xuất để kịp thời chấn chỉnh, xử lý những người vi phạm.

* Không chỉ ăn gian giờ nhà nước, thực hiện chưa tốt văn hóa công sở, mà hiện nay dư luận nhiều nơi còn bức xúc với nạn nhũng nhiễu, hành dân, đối xử với dân chưa tốt của một bộ phận cán bộ, công chức. Ở Ninh Thuận ông có nghe đến tình trạng này chưa?

- Nhìn chung dư luận về những vấn đề đó là có. Những lĩnh vực mà chúng tôi nhận được nhiều phản ánh về tình trạng “làm khó” doanh nghiệp và nhân dân là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy phép kinh doanh, khai thác tài nguyên - khoáng sản... Y tế cũng là một lĩnh vực bị phàn nàn nhiều về thái độ phục vụ, đối xử đối với người bệnh và thân nhân người bệnh. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng, kiểm tra chỗ nào là chắc chỗ đó, nếu phát hiện có vi phạm sẽ kiến nghị tỉnh xử lý thích đáng.

Sắp tới đây, Sở Nội vụ cũng tham mưu để UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo thực hiện lấy phiếu khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp, nhân dân đối với các sở, ngành, đơn vị, cơ quan công quyền và các cá nhân trong các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh. Qua đó sẽ có giải pháp chấn chỉnh những tồn tại, khuyết điểm.

* Xin hỏi thật là đi kiểm tra các sở, ngành, địa phương và phát hiện họ có sai phạm, còn ở Sở Nội vụ của ông thì sao?

- Tôi xuất thân từ dân “gốc rạ” nên thấu hiểu khó khăn của người dân. Thấy anh em làm không hết trách nhiệm, có hành vi xà xẻo chuyện này chuyện khác, hành dân, nhũng nhiễu, tiêu cực... tôi không thể chấp nhận được. Ở Sở Nội vụ tôi luôn quán triệt và chỉ đạo thực hiện tốt kỷ cương, kỷ luật hành chính, phát hiện người nào vi phạm là xử lý ngay. Anh muốn chấn chỉnh người ta thì bản thân anh phải “ngon lành” trước.

Nhiều chuyện đáng buồn

Ông Lê Minh Hoan, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, từng tuyên bố ở tỉnh này có không ít cán bộ, công chức thuộc diện “nếu không có họ thì cũng không ảnh hưởng gì đến công việc”. Đề cập vấn đề này, ông Lê Minh Hoan nói:

- Mới đầu, khi tôi nói như vậy thì nhiều người phản ứng dữ lắm, nhưng sau đó dư luận tỏ ra đồng tình. Cho nên khi chúng tôi đề ra kế hoạch chấn chỉnh, anh em rất ủng hộ.

* Biểu hiện của cán bộ, công chức mà ông cho rằng “có vấn đề” ở tỉnh Đồng Tháp là gì?

- Chúng tôi nhận được nhiều lời than phiền về cách làm việc tùy tiện, luộm thuộm, tắc trách, thậm chí vô cảm của một bộ phận cán bộ cấp xã. Đó là thái độ làm việc xa dân, lời ăn tiếng nói không đúng mực với dân, với những người đáng tuổi cha chú, ông bà. Rồi chuyện cán bộ, công chức tiếp dân hướng dẫn không rõ ràng, để người dân phải đi lại nhiều lần, thậm chí đặt ra những yêu cầu ngoài quy định pháp luật.

Người dân còn ta thán về một số cán bộ thiếu trách nhiệm trước tình hình trật tự - xã hội xấu đi, tệ nạn xã hội diễn ra ngay gần trụ sở, thậm chí có trường hợp cán bộ, công chức còn trực tiếp tham gia vào các tệ nạn như rượu chè, bài bạc, số đề. Đáng buồn là có khi tôi hỏi về số hộ nghèo, số người bị bệnh hiểm nghèo không có tiền chữa bệnh thì có những chủ tịch xã không trả lời được.

Tôi đọc một số kế hoạch kinh tế - xã hội cấp xã thấy trong đó rất nhiều sự sao chép, rập khuôn kế hoạch của cấp trên. Còn một số đề án xây dựng nông thôn mới thì nêu chung chung, chỉ toàn khẩu hiệu. Tôi đã chứng kiến những bảng công tác mà trên đó thông tin không được cập nhật, thông tin của vài tháng trước, thậm chí cả năm trước. Tôi đọc nhiều thư mời dân đến làm việc mà lời lẽ, câu từ nghe sao mệnh lệnh, nặng nề quá. Đó là chưa kể có nhiều lãnh đạo đơn vị như kiểu gia đình, thiếu hình bóng của một cơ quan công quyền hiện đại; nhiều vụ khiếu kiện kéo dài do địa phương thiếu quan tâm giải quyết. Đây là tình hình ở cấp xã, ở cấp huyện và tỉnh có đỡ hơn nhưng không phải không có.

* Một trong những vấn đề mà người dân rất bức xúc là cán bộ, công chức ăn cắp giờ của Nhà nước làm việc riêng hoặc bỏ việc đi nhậu nhẹt. Ở Đồng Tháp có hay không?

- Chúng tôi nhắc nhở rất nhiều, thậm chí có kiểm điểm, kỷ luật nên tình trạng này đã giảm. Nay giảm một ít, mai giảm một ít là mừng rồi, chứ không dám nghĩ đến con số tuyệt đối.

* Một số tỉnh cấm uống rượu buổi trưa kèm theo quy định không chấp nhận cán bộ công chức đến cơ quan trong tình trạng say rượu, mặt đỏ. Kết cục là các vị đi nhậu buổi trưa “biến” luôn cả buổi chiều...

- Chúng tôi có quy định cấm cán bộ, công chức uống rượu say buổi trưa và tin rằng họ có ý thức tốt và chấp hành nghiêm. Tuy nhiên, để tránh tình trạng lâu lâu không ai nói gì thì xé rào, tôi vừa chỉ đạo Đài phát thanh - truyền hình Đồng Tháp cử các nhóm phóng viên bất ngờ đến quay phim các công sở vào đầu giờ sáng và chiều. Thủ trưởng cơ quan phải giải trình nếu ở các phòng có tình trạng thiếu cán bộ, công chức làm việc không rõ lý do.

* Đã nhìn ra thực trạng của đội ngũ cán bộ, công chức tỉnh mình rồi, hẳn ông đã đề ra những giải pháp để khắc phục?

- Nói thật là tỉnh chỉ mới nhìn tổng thể thôi chứ chưa “điểm mặt, chỉ tên” người nào yếu kém chỗ nào, người nào có khuyết điểm gì. Chính vì thế, tôi đã chỉ đạo Sở Nội vụ làm công việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức từ cấp xã lên tới tỉnh. Khi đã có danh sách cụ thể rồi thì sẽ đề ra biện pháp xử lý từng nhóm, bây giờ nói chung chung chẳng có ích gì. Trước mắt, tôi chỉ đạo làm ngay những việc cấp bách là tăng cường giáo dục nâng cao đạo đức công vụ, xây dựng và tuân thủ nghiêm quy chế làm việc nội bộ, phát huy trí tuệ tập thể và thể hiện trách nhiệm cá nhân. Chấn chỉnh thời gian làm việc, tạo ra môi trường làm việc dân chủ, thân thiện để phát huy hiệu quả làm việc của cơ quan công quyền.

Riêng đối với thi tuyển công chức thì tuyệt đối cấm tiêu cực. Tôi biết có cơ quan hợp đồng người nào đó làm việc, rồi sau đó cho đi thi tuyển công chức, nhưng kết quả không đạt mà vẫn cố tìm cách giữ người đó lại. Từ nay việc này phải chấm dứt.

Ông Hồ Văn Hùng (giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Ninh Thuận): Mới chỉ đánh giá hành vi

Tôi cho rằng việc chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính của cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước là cần thiết. Tuy nhiên cách kiểm tra, đánh giá thế nào cho chính xác thì cần phải bàn thêm. Việc kiểm tra của Sở Nội vụ vừa qua cho kết quả là có 21 người ở Sở Tài nguyên - môi trường Ninh Thuận đi làm trễ là chưa chuẩn, bởi lẽ trong trụ sở chúng tôi có đến sáu cơ quan liên quan nhau chứ không riêng gì cán bộ, công chức của sở. Việc cán bộ thanh tra Sở Nội vụ ngồi ở cổng cơ quan rồi ghi nhận người ra vào và sau đó cho rằng người này người khác đến trễ cũng chưa hẳn đúng, có thể có trường hợp được phân công đi làm việc khác rồi mới đến cơ quan sau thì sao?

Tôi nghĩ đánh giá cán bộ, công chức, viên chức phải dựa trên kết quả công tác chứ không nên đánh giá hành vi. Một người đến cơ quan làm việc đúng 8 giờ nhưng chỉ chơi game thì có tốt hơn một người đến trễ mươi, mười lăm phút nhưng làm đến trưa, đến tối?

Ông Trần Văn Đông (chủ tịch UBND huyện Ninh Hải, Ninh Thuận): Có tác dụng tốt

Trong đợt kiểm tra đột xuất vừa rồi của tổ công tác Sở Nội vụ, UBND huyện Ninh Hải được thông báo là có 35 cán bộ, công chức đi trễ, trong đó có 17 trường hợp đi trễ hơn 30 phút và phòng tiếp công dân không có công chức trực. Chúng tôi đã tiếp thu và tổ chức kiểm điểm, đa số những người vi phạm đều nhận thấy khuyết điểm và hứa khắc phục để đảm bảo giờ giấc, kỷ cương làm việc.

Sau khi kết quả kiểm tra được công bố, tình hình ở công sở cải thiện tốt hơn hẳn. Cá nhân lãnh đạo huyện chúng tôi cũng thấy có trách nhiệm và sẽ kiểm tra thường xuyên, sâu sát hơn về kỷ cương, kỷ luật hành chính của cán bộ, công chức ở địa phương.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Duy Thanh - Vân Trường (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN