Tri ân đặc biệt của bệnh nhân COVID-19
687 là tên một dự án cung cấp nước sát khuẩn miễn phí cho các bệnh viện, khu cách ly... trên địa bàn Đà Nẵng để phòng chống dịch COVID-19. Con số 687 vốn không có gì đặc biệt, nhưng với người khởi xướng dự án- anh Mai Anh Đức (SN 1982, quận Hải Châu, Đà Nẵng) - đó là con số gắn liền với anh trong những ngày được điều trị COVID-19 tại Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang.
Ấp ủ của bệnh nhân 687
“Tôi sẽ tiếp tục chung tay cùng mọi người, cùng thành phố để chiến đấu đến cùng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 này” - đó là chia sẻ của anh Mai Anh Đức - vốn chỉ được nhiều người biết đến thông qua cái tên “Bệnh nhân 687”- khi xuất viện sau 10 ngày được điều trị COVID-19 tại Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang.
Nói là làm, dù vẫn đang tiếp tục tự cách ly thêm 14 ngày theo đúng quy định, anh Đức vẫn cùng một số bạn bè, người thân lên kế hoạch và thực hiện Dự án 687 nhằm cung cấp nước sát khuẩn miễn phí cho các bệnh viện, khu cách ly... trên địa bàn Đà Nẵng.
Bệnh nhân 687 Mai Anh Đức (thứ 3 từ phải sang) được xuất viện vào ngày 14/8 Ảnh: NVCC
“Ngay khi dịch bệnh trở lại và Đà Nẵng trở thành tâm dịch, tôi đã ấp ủ để thực hiện dự án này. Tôi vốn kinh doanh thiết bị lọc nước nhập khẩu nên được biết về một thiết bị của Nhật tạo ra nước sát khuẩn đạt chuẩn từ nước và phụ gia. Tôi đã liên hệ với đơn vị phân phối để được hỗ trợ thiết bị này nhằm sản xuất nước sát khuẩn miễn phí cung cấp cho các đơn vị tuyến đầu chống dịch”, anh Đức kể.
Khi mọi chuyện đã được lên kế hoạch ổn thỏa và chuẩn bị vận hành, anh Đức nhận được tin dữ rằng con trai mình cũng mắc COVID-19. Ngay lập tức, nhà anh bị phong tỏa, cả gia đình, hai bên nội ngoại, nhân viên công ty và bạn bè tiếp xúc gần... đều phải đi cách ly. “Ngày nhà tôi bị phong tỏa là ngày đơn vị vận chuyển giao máy đến, họ không thể chuyển hàng cho tôi, tôi cũng không nhờ được người thân nhận nên máy bị chuyển ngược lại TP Hồ Chí Minh”, anh Đức nói.
Sau những ngày đầu hoang mang, anh bình tâm và vẫn quyết định tiếp tục thực hiện dự án của mình. “Ở trong khu cách ly và trong bệnh viện, sự vất vả của các y bác sĩ thôi thúc tôi phải làm được điều gì đó để cùng thành phố chống dịch. Tôi gọi điện cho bạn tôi - là nhà phân phối thiết bị - và nhờ anh hỗ trợ, chuyển lại máy trở ra với suy nghĩ: ngay sau khi hết bệnh, tôi sẽ tiếp tục dự án”, anh Đức chia sẻ.
Anh Mai Anh Đức trong thời gian điều trị COVID-19 tại Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang Ảnh: NVCC
Những ngày điều trị tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, anh Đức quan sát thấy cồn sát khuẩn được dùng rất nhiều, từ sát khuẩn tay cho bệnh nhân, các y bác sĩ đến vệ sinh giường, tủ, cửa kính hàng ngày... Các y bác sĩ dùng cồn sát khuẩn đến nhăn nheo, khô lột bàn tay. “Dung dịch nước sát khuẩn tôi định cung cấp cho các bệnh viện, khu cách ly thân thiện với môi trường, không ảnh hưởng đến sức khỏe và đã được Viện Pauster TP Hồ Chí Minh chứng nhận có khả năng diệt khuẩn đến 99%. Bởi vậy, tôi càng chờ đợi đến ngày được khỏi bệnh để bắt đầu dự án”, anh Đức nói.
Tri ân Ðà Nẵng
Ra viện, ngoài những dòng nhật ký điều trị COVID-19 vẫn cập nhật thường xuyên trên facebook cá nhân, anh Đức chia sẻ những ấp ủ về Dự án 687 và kêu gọi sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè. “Đây là món quà tri ân mà tôi muốn gửi đến đội ngũ y bác sĩ, lực lượng phòng chống dịch đã điều trị và hỗ trợ cho cả gia đình tôi; cũng là góp chút sức nhỏ bé để chung tay cùng thành phố phòng chống dịch COVID-19”, anh Đức cho hay.
Vì đang tự cách ly nên khi dự án được triển khai, anh Đức đóng vai trò như kiến trúc sư trưởng điều hành dự án, lên kế hoạch toàn bộ dự án, chuẩn bị những việc cần làm như chuẩn bị can nhựa, nhãn mác, kỹ thuật để lắp máy... “Hiện, có khoảng 6 người hỗ trợ dự án, gồm: 2 vợ chồng người bạn cũng là đối tác làm ăn tìm nguồn hàng, 1 nhân viên trong công ty phụ trách khu vực cung cấp nước, 2 người chuyên về kỹ thuật xử lý lắp đặt máy móc. Ngoài ra, có thêm 1 người bạn có xe bán tải chuyên hỗ trợ vận chuyển”, anh Đức chia sẻ.
Chuyến hàng dung dịch sát khuẩn đầu tiên của Dự án 687 được vận chuyển đến Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang Ảnh: NVCC
Dự án 687 được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ cung cấp bình xịt sát khuẩn dung tích 500ml, 100 bình nhún sát khuẩn dung tích 350ml và 50 can nước sát khuẩn (loại 5 lít) cho Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang. Giai đoạn 2 sẽ tiếp tục huy động nguồn lực để cung cấp dung dịch sát khuẩn cho Bệnh viện Dã chiến Tiên Sơn, Bệnh viện Phổi, các khu cách ly, phong tỏa... Giai đoạn 3 sẽ lắp đặt buồng khử khuẩn cho các bệnh viện đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19.
Hiện, nhóm đã cung cấp được 1.000 lít nước sát khuẩn đến các đơn vị tuyến đầu chống dịch trên địa bàn: hỗ trợ quận Liên Chiểu 730lít nước sát khuẩn, hỗ trợ BQL chợ Đầu mối Hòa Cường 60lít, chợ Hàn 40lít và chợ Cồn 20lít nước sát khuẩn và 400lít nước sát khuẩn cho Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang.
Anh Đức cùng nhóm Dự án 687 cũng đang triển khai chế tạo buồng khử khuẩn đầu tiên để lắp đặt ở Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang. “Lúc đầu, tôi định nhập buồng khử khuẩn về, nhưng chi phí khá cao (50 triệu đồng/máy). Sợ nguồn lực của mình không đủ nên tôi bàn với mọi người tự chế tạo. Đang loay hoay không biết bắt đầu từ đâu thì có 1 bạn kỹ sư liên hệ và cho biết đang có thiết bị tách nước thành hơi bằng sóng âm tự nghiên cứu, nguyên lý y hệt buồng khử khuẩn mà dự án định đặt mua. Chúng tôi bắt tay hợp tác, Dự án 687 sẽ phụ trách thiết kế phần cơ khí rồi chuyển sang cho bạn để lắp đặt thiết bị vào”, anh Đức kể. Dự kiến, khoảng 1 - 2 ngày nữa, buồng khử khuẩn đầu tiên sẽ hoàn thành và bàn giao cho Bệnh viện dã chiến Hòa Vang.
Nguồn: [Link nguồn]
Tối 25/8, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng cung cấp thông tin về kết quả điều tra, giám sát, xử lý đối...