Trẻ tử vong sau tiêm: Ai chịu trách nhiệm?
“Nếu xác định trẻ tử vong do nhầm thuốc, cả Bộ trưởng Y tế và Chủ tịch UBND tỉnh tại nơi đó sẽ có phần trách nhiệm”.
GS.TS. Trịnh Quân Huấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết tại buổi tọa đàm trực tuyến “Tiêm chủng mở rộng: Những vấn đề cần giải đáp” do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức sáng nay (2/8).
Nếu tiêm nhầm vắc xin, ai chịu trách nhiệm?
Tại buổi tọa đàm, khá nhiều câu hỏi gửi đến có liên quan đến vụ việc 3 trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vắc xin ở Quảng Trị hôm 20/7. Nhiều ý kiến thắc mắc về nguyên nhân tử vong của 3 trẻ sơ sinh đến nay vẫn chưa được làm rõ.
GS. TS. Trịnh Quân Huấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, về cơ bản có 3 nguyên nhân chính là: do vắc xin; do quy trình tiêm chủng; do tỉ lệ chết của trẻ dưới 1 tuổi/1000 trẻ sống (hội chứng đột tử của trẻ sơ sinh).
Theo GS Huấn, Hội tư vấn chuyên môn phủ nhận thông tin trẻ tử vong do đột tử. Do đó, chỉ còn nguyên nhân do vắc xin hoặc quy trình tiêm chủng. Hiện tại, Bộ Y tế chuyển điều tra xác định nguyên nhân sang Bộ Công an.
“Tôi cũng nghi ngờ rằng không có vắc xin nào làm 3 trẻ tử vong một lúc, cùng triệu chứng, cùng một địa điểm tiêm, với 2 lô vắc-xin khác nhau… nên tôi cho rằng cần chuyển điều tra cho minh bạch hơn”, ông Huấn nói.
Người nhà đau đớn trước cái chết của con em sau tiêm vắc xin
Cũng tại buổi tọa đàm, có độc giả đặt vấn đề: Nếu 3 trẻ tử vong sau tiêm chủng ở Quảng Trị do tiêm nhầm thuốc ai sẽ phải chịu trách nhiệm? Bởi nguy cơ tiêm nhầm thuốc có thể xảy ra do vắc xin viêm gan B đã để lẫn với sinh phẩm khác. Ngoài ra, việc đền bù cho các gia đình nạn nhân sẽ được thực hiện như thế nào?
GS.TS Trịnh Quân Huấn cho rằng, đây là vấn đề rất lớn và nước ta đã có Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm. Luật cũng nêu rất cụ thể trách nhiệm của từng người trong vấn đề liên quan đến tai biến tiêm chủng. Trong trường họp này nếu do vắc xin, nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm.
Các chuyên gia hàng đầu về vắc xin giải đáp thắc mắc của độc giả trong buổi tọa đàm. Ảnh: Dương Ngân
Nếu do quy trình tiêm chủng có nhầm thuốc như câu hỏi, đã có trong quy định của Luật, có liên quan đến cả 4 cấp. Trong đó, Chính phủ chịu trách nhiệm cung cấp nguồn ngân sách đủ cho công tác tiêm chủng, Bộ trưởng Bộ y tế chịu trách nhiệm về tất cả các vắc xin sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng cũng phải chịu trách nhiệm về tổ chức tư vấn triển khai hoạt động tiêm chủng. Và thứ 3 là trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh phải chỉ đạo cụ thể triển khai hoạt động tiêm chủng tại địa phương.
“Nói tiêm dịch vụ ít nguy cơ hơn là chưa có cơ sở”
Tại buổi tọa đám, một người dân ở Đồng Nai có chia sẻ: “Tôi phát khóc khi nghe mọi người bảo tiếc gì một chút tiền, nhỡ con làm sao lại ân hận cả đời. Rồi vắc-xin mà miễn phí, chất lượng có đảm bảo không, bảo quản có tốt không? Vài trăm nghìn tiêu thì cũng hết…và cuối cùng, tôi đã đưa con đi tiêm vắc xin dịch vụ”.
Vậy nhiều người lo ngại, liệu tiêm chủng mở rộng của Nhà nước có nhiều nguy cơ tai biến hơn tiêm dịch vụ?
Trước câu hỏi này, GS. Nguyễn Đình Bảng, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm Vắc xin và Sinh phẩm y tế nhận xét, đây là câu hỏi rất thực tế. “Chúng ta không có lý do gì để trách các bà mẹ, bởi đó là sự lựa chọn tự nguyện. Tuy nhiên, nếu nói rằng, vắc xin tiêm dịch vụ ít tai biến hơn vắc xin tiêm chủng mở rộng là chưa đúng mức, chưa có cơ sở”, ông Bảng nói.
Theo GS.TS. Nguyễn Đình Bảng, nói tiêm dịch vụ ít nguy cơ hơn là chưa có cơ sở. Ảnh: Chinhphu.vn
Để có thể so sánh được vắc xin tiêm dịch vụ và tiêm chủng mở rộng, loại vắc xin nào gây ra ít hoặc nhiều biến chứng hơn vắc xin kia thì cần điều tra trên phương pháp khoa học thật sự. Theo ông Bảng, cho đến nay chưa có nghiên cứu, kết luận vắcxin nào ít biến chứng hơn.
Dù là vắc xin tiêm dịch vụ thì vẫn nằm trong sự kiểm soát của Bộ Y tế và các cơ sở tiêm dịch vụ vẫn là các cơ sở y tế. Tất cả vẫn thực hiện quy trình nghiêm ngặt về tiêm chủng như đối với vắc xin tiêm chủng mở rộng. “Tiêm dịch vụ phải trả tiền, còn tiêm chủng mở rộng không phải trả tiền, còn chất lượng vắc xin, theo tôi, là không khác biệt”, ông Bảng nói.